Trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ "thất thủ" hay giữ nguyên?

Thứ năm, 17/08/2017, 16:01
"Chắc chắn sẽ không di dời trạm thu phí Cai Lậy mà giữ nguyên để thu phí hoàn vốn cho dự án", ông Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện phát biểu với báo chí như thế. 

Điểm nóng trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ là tâm điểm của cuộc họp báo vào lúc 15h00 chiều hôm nay, liệu rằng quan điểm "không di dời trạm thu phí" của ông Huyện có được "chắc chắn" như lời phát biểu này hay không?

Cọng rơm cuối cùng

Thuở mới lập quốc, ông Lý Quang Diệu hỏi ý kiến của một chiến lược gia người Anh: Singapore cần làm gì để phát triển. Vị chiến lược gia trả lời, với ba ý: Thứ nhất, ngài hãy xây đường thật nhiều, thật thoáng, thứ hai, ngài hãy cho kéo điện khắp mọi nơi, và thứ ba là phải phát triển hệ thống viễn thông.

Ông Lý nghe lời tư vấn, và với nhiều nỗ lực, Singapore đã trở thành một quốc gia phát triển.

Nhìn lại, ở Việt Nam, trong thời gian qua, thị trường viễn thông đã thông thoáng, các nhà máy điện cũng đã phần nào phục vụ được nền kinh tế, nhưng đường sá lại vẫn là một điểm nghẽn cho phát triển kinh tế.

Điều vui là tuyến quốc lộ 1A đã được thông tuyến từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, nhưng nếu ai đi về miền Tây thì sẽ thấy có rất nhiều điểm nghẽn.

Một đoạn đường chừng 300km từ Bạc Liêu đến TP.HCM có 5 trạm thu phí BOT. Thử hình dung, một chuyến xe chở nông sản từ Bạc Liêu đến TP.HCM sẽ phải trả thêm tiền phí cho 5 trạm đó, cả chiều đi lẫn chiều về.

Nông sản Việt Nam vốn dĩ phần lợi nhuận đã mỏng, lợi thế cạnh tranh đã kém đi so với trái cây, sản vật khác đến từ các quốc gia láng giềng, nay chịu thêm những loại phí tận thu như thế, càng thêm gánh nặng.

Con số ít ỏi đó như một cọng rơm chất thêm lưng con lừa khiến cho nó phải ngã gục xuống.

Giảm thuế, phí sẽ tăng thu ngân sách, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong một lần trao đổi, nói điều đó.

Điều tưởng là nghịch lý này dưới góc nhìn kinh tế lại là điều cực kỳ hợp lý. Doanh nghiệp giảm được thêm 1 đồng thuế phí là có thêm một đồng lợi nhuận.

Có lợi nhuận, họ sẽ tăng đầu tư, mở rộng sản xuất, làm ăn hiệu quả, từ đó lại đóng thuế nhiều hơn. Ngược lại, tận thu từng đồng thuế phí như thế lại bóp nghẹt doanh nghiệp. Doanh nghiệp chết, phá sản chẳng thể đóng cho ngân sách.

Nhiều chuyên gia cho biết, thông thường, xây dựng một con đường và thu phí, thì ở các nước, người ta thường xây dựng song song tuyến đường cũ, hay đường tránh như ở Cai Lậy, Tiền Giang.

Ở đây, có hai lựa chọn: hoặc đi đường miễn phí đông người, kẹt xe, hay đi đường có phí thông thoáng? Cũng chưa thấy đâu chuyện rải nhựa lên đường độc đạo là quốc lộ 1 rồi lại đi thu phí, dù đã có quỹ bảo trì đường bộ hàng năm người dân đóng.

Bỏ con săn sắt để bắt con cá rô

Nông sản, là phải miền Nam, và miền Tây Nam Bộ là trung tâm, là trái tim nông sản đó. Để tăng lợi thế cạnh tranh, để kiếm được ít đồng lợi nhuận, điều cần thiết là phải giữ chi phí càng thấp càng tốt, và điều đó phụ thuộc rất lớn vào giao thông, cơ sở hạ tầng.

Nhìn lại, trong những năm gần đây sự quan tâm đến giao thông của khu vực ĐBSCL chưa nhiều, nếu không nói là vẫn còn quá ít.

Đã ít, oái oăm thay, lại còn bị chặn để thu phí ở con đường độc đạo trên danh nghĩa "hoàn vốn cho nhà đầu tư".

Chính phủ kiến tạo cũng đã đưa ra khẩu hiệu năm nay là năm "giảm phí cho doanh nghiệp". Nhưng những trạm thu phí như Cai Lậy lại đang như trơ ra cùng tuế nguyệt bất chấp sự vô lý hai năm rõ mười mà ai cũng nhìn thấy.

Đừng để điểm nghẽn này làm tắc nghẽn tư duy. Giảm đi một đồng phí BOT sẽ tạo ra không biết bao nhiêu đồng lợi nhuận cho xã hội vì tính lan tỏa trong các chuỗi giá trị, kích thích hàng triệu nông dân, hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác.

Giải phóng được vốn xã hội đang bị nghẽn và kìm hãm sẽ là cách hoàn vốn tốt gấp bội phần cho nền kinh tế. Một chính phủ kiến tạo biết cách lựa chọn giữa cái kìm hãm cho sự tăng trưởng hay cái thúc đẩy cho nền kinh tế.

Vậy thì, tại sao trạm BOT Cai Lậy lại vẫn giữ nguyên, vì muốn hoàn vốn cho nhà đầu tư?

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du của Đại học Fulbright cho biết cơn say BOT đã diễn ra từ rất lâu, và ông đã nhiều lần lên tiếng và cảnh báo, nhưng dường như không một ai nghe.

Ông Nguyễn Xuân Thành, cũng từ Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng giảm phí cuối cùng cũng tăng thời gian lên thu phí, thì cuối cùng các doanh nghiệp, hay người và hàng cũng phải gánh chịu gánh nặng thuế phí này.

"Bài học rút ra từ điểm nóng BOT Cai Lậy đó chính là "không chặn hết đường để thu phí, thu hút nhà đầu tư PPP - hợp tác công tư - nhưng vẫn có lựa chọn cho người và hàng", theo ông Thành.

Theo TTO

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn