|
Một tài tài xế xe Container đưa tiền lẻ tại trạm thu phí chiều 14-8 |
Ông Nguyễn Phú Hiệp - giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy, đã xác nhận thông tin trên sáng 15-8.
Ông cũng cho biết trạm chỉ thu lại khi vấn đề an ninh trật tự được đảm bảo, nhưng thời gian cụ thể thì chưa biết.
Trao đổi với PV cùng ngày, ông Trần Văn Bon - giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang xác nhận có sự việc trên.
Ông Bon cho biết qua thông tin từ phía trạm thu phí, có một số đối tượng xuất hiện tại trạm cản trở, không cho nhân viên thu phí. Để đảm bảo an toàn, các nhân viên trạm đã rút vào, không thu phí nữa.
Ông Bon cho biết trong ngày hôm nay, sở sẽ làm việc với Công an tỉnh Tiền Giang để có hướng giải quyết.
Ông Bon thông tin thêm, Bộ Giao thông vận tải sẽ có buổi làm việc tại Hà Nội về các vấn đề liên quan đến trạm thu phí này vào ngày mai 16-8.
|
Một tài xế đứng chờ khi bị ùn tắc tại trạm thu phí BOT Cai Lậy chiều 14-8 |
Trước đó, chiều 14-8, một ngày sau khi Trạm thu phí BOT Cai Lậy xảy ra biến cố “thất thủ”, giới tài xế tiếp tục gây náo loạn khiến giao thông bị ùn tắc khi có nhiều xe trả tiền lẻ cho nhân viên thu phí.
Trong buổi chiều này, từ khoảng 16h, cánh tài xế đã huy động nhiều xe đi từ hướng Mỹ Thuận về Mỹ Tho và đưa tiền lẻ khi qua trạm.
|
Khi dòng xe ùn tắc quá nhiều trạm đành phải xả ( hai thanh chắn thẳng đứng lên trời) |
Vụ việc khiến giao thông qua trạm bị ùn tắc. Hàng chục cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường nhưng không thể ngăn hiện tượng này. Không thấy cơ quan chức năng nào mời xe trả tiền lẻ vào làn chờ như chỉ đạo trước đó.
Do đó, chỉ vài phút khi có nhiều xe trả tiền lẻ, giao thông qua trạm bắt đầu bị ùn tắc, buộc trạm phải xả cho qua lại.
Như đã thông tin, trạm thu phí Cai Lậy được đưa vào hoạt động từ 1-8 với mức phí dao động từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe.
Trước khi trạm hoạt động, các tài xế đã bức xúc dọa trả bằng tiền lẻ để phản đối mức phí quá cao và vị trí đặt trạm không hợp lý.
Theo giới tài xế, lẽ ra trạm chỉ được đặt trên tuyến tránh để thu tiền những xe nào đi trên đường tránh, không được thu trên tuyến quốc lộ 1 - tuyến đường vốn dĩ họ đã đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Hiệp - giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 thì dự án có 2 thành phần gồm: phần tuyến tránh và phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1.
Phần tuyến tránh được đầu tư mới có chiều dài 12km, xây dựng mới 7 cây cầu với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.
Còn phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy có chiều dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng, ngoài ra còn nâng cấp 14 cây cầu trên đoạn đường này.
“Việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí cả xe đi trên quốc lộ 1 và xe đi trên tuyến đường tránh là hợp lý. Việc đặt trạm đã được Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận”, ông Hiệp nói.
Theo TTO