Quá mệt mỏi vì tàu 67 nằm bờ, ngư dân muốn gặp Thủ tướng để kêu cứu

Thứ ba, 15/08/2017, 09:20
Không đồng tình với cách sửa chữa “chây ì”, khắc phục kiểu chắp vá của công ty TNHH Đại Nguyên Dương (doanh nghiệp đóng tàu 67 hư hỏng). Nhiều ngư dân Bình Định mong muốn gặp trực tiếp Thủ tướng để trình bày khó khăn.

“Chúng tôi muốn gặp Thủ tướng”

Nhiều tháng nay, ngư dân Nguyễn Văn Lý - Chủ tàu BĐ 99004 TS tỏ ra khá mệt mỏi bởi các cuộc họp với công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhưng chưa thống nhất được ý kiến sửa chữa. Doanh nghiệp không chấp nhận yêu cầu khắc phục từ phía chủ tàu.

Ngư dân Lý cho hay: “Sau 2 lần lấy mẫu thép trên tàu đi kiểm định thì kết quả đều cho thấy doanh nghiệp dùng thép Trung Quốc không đạt chất lượng để đóng tàu. Tôi yêu cầu phải tháo con tàu ra, đóng toàn bộ lại thép mới theo đúng hợp đồng mà họ không chịu. Nếu chờ lấy thử mẫu thép nào không đạt thì thay, ngư dân sẽ chết đói mất. Doanh nghiệp cứ dọa đóng mới lại tàu họ tuyên bố phá sản, chấp nhận ở tù vì không đủ năng lực tài chính. Lúc mời mọc đóng tàu thì họ “ru” ngư dân như ru con ngủ, giờ thì gặp sự cố lâm cảnh nợ nần thì lại đối xử với chúng tôi như vậy”.

Tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét vì dùng thép Trung Quốc "dỏm".

Theo ông Lý, ít nhất ông đã tham dự gần 10 cuộc họp với doanh nghiệp đóng tàu. Thế nhưng, đến lúc này vẫn chưa thống nhất được phương án sửa chữa. Trong khi đó, số nợ ngân hàng vẫn đang giục, tàu thì bị hư hỏng không thể vươn khơi.

“Hiện tại, quá nhiều nỗi lo cho ngư dân, cuộc sống gia đình đảo lộn vì nợ nần chồng chất. Giờ tôi chỉ muốn con tàu hoạt động bình thường để vươn khơi đánh bắt, trả nợ ngân hàng rồi các khoản nợ khác. Bên công ty họ cứ kêu hết tiền, giờ lại kêu gọi ngân hàng cho họ vay tiền để khắc phục từng bước, chứ làm một lần thì họ phá sản. Ngư dân yêu cầu giải quyết cho dứt khoát, thì công ty TNHH Đại Nguyên Dương lại chây ì. Đến lúc này, chúng tôi muốn gặp trực tiếp Thủ tướng để trình bày những khó khăn, mong Chính phủ giải quyết giúp. Chứ nằm bờ thế này, ai dám vươn khơi nữa, sứ mệnh bảo vệ chủ quyền ai thay chúng tôi thực hiện bây giờ” - ngư dân Lý bức xúc.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý muốn gặp trực tiếp Thủ tướng để trình bày khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Cường - Phó trưởng Phòng đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản – Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện tại, cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải làm bản kế hoạch, trong đó trình bày cụ thể những phương án, khâu đoạn của việc thay thế, khắc phục thép. Sau đó, doanh nghiệp này sẽ gửi kế hoạch đó lên Sở NNPTNT để trình lên UBND tỉnh. Khi các cơ quan chứng năng tỉnh xem xét xong, nếu UBND tỉnh Bình Định đồng ý đi đến thống nhất kế hoạch ấy thì cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm tra về an toàn kỹ thuật. Chứ không thể sửa chữa tùy tiện được”.

27 chủ tàu 67 đã nợ quá hạn 15,5 tỷ đồng

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tại Bình Định, cho biết đến nay có 27 chủ tàu (1 tàu đóng theo vật liệu mới, 26 tàu vỏ thép) đóng mới theo NĐ 67 đã nợ quá hạn ngân hàng số tiền lên trên 15,5 tỷ đồng. Trong đó, có 22 chủ tàu vỏ thép NĐ 67 quá hạn do tàu thép hư hỏng, rỉ sét khi mới hạ thủy đánh bắt, còn 5 chủ tàu khác do đánh bắt kém hiệu quả nên không có tiền trả nợ ngân hàng.

Trong 22 ngư dân tàu vỏ thép NĐ 67 hư hỏng, có 2 ngư dân là ông Trần Văn Hạo và ông Trương Hoài Khánh (trú TP. Quy Nhơn) bị ngân hàng giữ số đỏ không trả. Hiện, 2 ngư dân này hết sức khốn đốn vì gia đình không còn tiền giải quyết nợ nần, lại không có sổ đỏ để thế chấp vay nguồn vốn khác tiếp tục làm ăn.

Tàu 67 được đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét.

Ngư dân Trần Văn Hạo cho biết: “Ngày 23.3.2015, tôi ký hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép trị giá hơn 18,7 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Tháng 28.8.2015, tôi ký hợp đồng tín dụng với Vietcombank- Chi nhánh Quy Nhơn vay 17,7 tỉ đồng (tương ứng 94% giá trị con tàu). Sau khi ký hợp đồng, theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, tôi nộp tiền đối ứng 6% (hơn 1 tỷ đồng) và giao sổ đỏ để ngân hàng giữ “làm tin". Lúc ký hợp đồng tín dụng, nhân viên ngân hàng tự viết giấy tự nguyện thế chấp sổ đỏ và hướng dẫn tôi ký. Dù thắc mắc nhưng tôi vẫn ký đồng ý vì nghĩ đơn giản thuế chấp sổ đỏ để “làm tin”, đóng tàu xong thì sẽ lấy lại. Cũng theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, tôi phải nộp gần 10 triệu đồng chi phí để hoàn thành việc công chứng sổ đỏ. Năm 2016, sau khi tàu đóng xong tôi đưa đầy đủ hồ sơ thuế chấp con tàu cho ngân hàng và đòi lại sổ đỏ nhưng họ nhất quyết không trả?”.

Ông Nguyễn Trà Dương- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Bình Định, cho biết: “Ngân hàng nhà Nước đã có ý kiến với Bộ, ngành liên quan về việc kiến nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân vì tàu hỏng là do lỗi của doanh nghiệp đóng tàu thực hiện chất lượng kém, bàn giao không đúng hợp đồng…Nhưng lại vướng về việc hỗ trợ lãi suất theo quy định Thông tư 114/2014/TT-BTC. Trong đó, quy định có 3 nguyên nhân được phép cơ cấu lại thời hạn nợ, giãn nợ thì mới được phép hỗ trợ về lãi suất, bao gồm: Thứ nhất, tàu bị thiên tai trên biển, thứ hai tàu bị nước ngoài bắt giữ sau đó trả lại, thứ ba bị tàu nước ngoài và hải tặc đâm va. Phải nằm trong 3 nguyên nhân này thì mới được hỗ trợ về lãi suất".

Theo ông Dương, hiện, các Bộ Tài chính, NNPTNT, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan đã soạn thảo văn bản trình Chính phủ đối với những trường hợp trên được phép cơ cấu lại và được hỗ trợ về lãi suất. Cần phải chờ ý kiến của Trung ương, nếu Trung ương chấp nhận thì chúng tôi sẽ cơ cấu lại cho ngư dân, họ không phải chịu lãi suất thương mại.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích