Chiều 8/8, ông Trần Châu, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này không chấp nhận đề nghị của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) về việc không thay vỏ thép mà chỉ sơn sửa lại rồi "thối tiền chênh lệch" cho ngư dân.
''Nếu Công ty Đại Nguyên Dương đã nhận tiền của ngư dân để đóng tàu bằng thép tốt, nhưng thực tế lại sử dụng thép không đạt chất lượng thì buộc phải tháo ra và thay thép tốt vào. Không thể để những con tàu được làm bằng thép kém chất lượng như vậy đi biển được'', ông Châu khẳng định.
Theo ông Châu, nếu công ty này kêu khó khăn khi phải tháo hết con tàu ra để thay thép mới, thì họ phải có phương án khả thi khác trình cho UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT xem xét.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định được kéo lên đà chờ sửa chữa |
''Họ cũng không thể nói là do khó khăn về tài chính nên không thay thép kém chất lượng. Công ty đã nhận tiền của ngư dân mà giờ nói không có tiền sửa chữa là vô lý'', ông Châu nói với PV.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, tỉnh và các chủ tàu đã ''nhún nhường'' đối với Công ty Đại Nguyên Dương khi chấp nhận phương án khắc phục mà họ đưa ra vào ngày 10/7 là không thay thép Trung Quốc đạt mác A bằng thép Hàn Quốc trên năm con tàu mà công ty này đã đóng cho dân. Tuy nhiên, nay công ty lại đề nghị không thay thép không đạt mác A là điều không thể chấp nhận.
"Tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương nghiêm túc thực hiện phương án đã cam kết và đã được UBND tỉnh phê duyệt'', ông Châu nhấn mạnh.
Nhập nhèm kéo dài thời gian
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) khắc phục 15 tàu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) khắc phục 5 tàu.
Về phần vỏ tàu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải thay lại thép Hàn Quốc đảm bảo thép cấp A, tuy nhiên, công ty này lại đưa ra phương án nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.
Về máy tàu, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy thủy chính hiệu Misubishi không đồng bộ và thay mới máy chính Doosan của ông Trần Đình Sơn (H.Phù Mỹ, Bình Định).
Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa, Công ty Nam Triệu chỉ thực hiện thay mới 10 máy hiệu Misubishi, riêng với máy chính Doosan của ông Trần Đình Sơn, công ty chỉ thực hiện bảo hành theo đúng hợp đồng, thay thế các linh kiện, phụ tùng mới của hãng máy.
Trước kế hoạch sửa chữa tàu của 2 đơn vị đóng tàu, các ngư dân hoàn toàn không đồng tình.
Trao đổi về vấn đề này với Đất Việt, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, phía công ty đóng tàu đang nhập nhèm để kéo dài thời gian, không bị lỗ, vì nếu sửa hết số lượng tàu trên công ty còn đứng trước ngưỡng cửa phá sản.
''Không thể có việc sửa chữa theo kiểu chắp vá. Cứ theo hợp đồng mà làm, không có nhân nhượng cho công ty làm thiếu trách nhiệm và đây đã là vấn đề hình sự, không còn là dân sự.
Mà càng kéo dài sửa chữa bao nhiêu thì ngư dân càng đứng trước nguy cơ phá sản, vì thời gian tàu nằm đắp chiếu thì ngư dân vẫn phải trả nợ cho ngân hàng, trả lương cho thuyền trưởng, công nhân. Nên ngoài việc sửa chữa tàu, thì công ty đóng tàu còn phải bồi thường khoản tiền trong thời gian này để hỗ trợ ngư dân.
Trong quá trình sửa chữa lần 2, cần giám sát chặt chẽ, cơ quan đăng kiểm đồng ý đảm bảo chất lượng mới tiến hành lắp ráp", ông Lăng nhấn mạnh.
Theo Đất Việt