Mỹ bị sức mạnh Nga ám ảnh

Thứ tư, 09/08/2017, 11:12
Các động thái thiếu tính toán của Mỹ sẽ càng củng cố vị thế của Nga, giúp Nga có thêm khả năng thách thức vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Mỹ tìm cớ gây chiến?

Trang The National Interest của Mỹ cho rằng việc nước này có những động thái muốn phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông.

Theo trang này, có rất nhiều tín hiệu cho thấy Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nóng lòng muốn gây chiến với Iran với cái cớ Tehran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Thực tế, khi trả lời phỏng vấn tờ Tạp chí Phố Wall ngày 25/7, ông Trump nói rằng ông hoàn toàn mong muốn sẽ được tuyên bố Iran không tuân thủ thỏa thuận này.

Việc phá vỡ thỏa thuận hạt nhân để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump có thể đẩy Washington tiến tới thế đối đầu quân sự với Iran. Sự phá vỡ thỏa thuận này có thể khiến Tehran nhìn nhận như một thông điệp rằng Washington đang chuẩn bị có hành động quân sự và do đó Iran sẽ phải chuẩn bị cho một kịch bản xấu nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump coi thỏa thuận hạt nhân Iran là một "thảm họa"

The National Interest cho rằng con đường đi tới đối đầu sẽ tàn phá khu vực Trung Đông vốn đã đầy bất ổn, ảnh hưởng tới các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và có khả năng gây rủi ro cho công dân Mỹ.

Có nhiều lý do khiến Washington cảnh giác với cách hành xử của Tehran. Iran đã gia tăng ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong thế giới Arab khi sử dụng lực lượng viễn chinh al-Quds của mình và hậu thuẫn cho các phiến quân như Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen và hơn 100.000 tay súng ở Syria.

Cuộc cạnh tranh gay gắt của Iran với Mỹ ở Iraq có xu hướng đẩy Baghdad hoàn toàn rơi vào quỹ đạo chính trị của Tehran và xa rời Washington. Iran cũng bị cáo buộc đã khiêu khích bằng các cuộc thử tên lửa và bắt những du khách Mỹ.

Binh sĩ Iran tham gia duyệt binh

Tuy nhiên, tờ báo Mỹ cũng nhấn mạnh cần phải phân biệt sự thực với những điều bịa đặt về Iran, nhất là trong bối cảnh đang có những tranh cãi giữa Nhà Trắng và Quốc hội.

Đúng là ảnh hưởng của Iran ở khu vực đã gia tăng một cách vững chắc, nhất là từ khi Nga tham gia cuộc chiến ở Syria năm 2015 để hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cùng chung một mục tiêu với Iran. Nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng thỏa thuận hạt nhân là lý do cho sự thành công của Iran ở đấu trường khu vực, và việc thay đổi thỏa thuận sẽ tước đi khả năng đó của Iran.

Điều đã đem lại cho Iran khả năng can thiệp không phải là thỏa thuận hạt nhân mà là khoảng trống chính trị to lớn vẫn đang tồn tại ngay giữa trung tâm thế giới Arab. Cụ thể là các cuộc chiến tranh ở Syria và Iraq cũng như cuộc xung đột ở Yemen đã khoét một lỗ hổng, tạo ra một khoảng trống an ninh thu hút Iran cũng như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào một cái bẫy xung đột rất khó thoát ra.

Iran đã kích động các mâu thuẫn này và những nỗ lực của Washington nhằm làm đối trọng với sức mạnh khu vực của Tehran là có thể hiểu được. Nhưng quan trọng là phải hiểu rằng mối đe dọa thực sự cho lợi ích an ninh quốc gia Mỹ không phải tự bản thân Iran mà là khoảng trống do các cuộc nội chiến tạo ra cho phép Tehran và các cường quốc khu vực khác nhảy vào.

Iran tuyên bố phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy tự chế tạo Simorghe hay Phoenix

Chính sự sụp đổ trật tự khu vực, cùng với những nguy cơ an ninh kèm theo, mới là mối đe dọa thực sự cho lợi ích của Mỹ. Ví dụ như cuộc nội chiến ở Syria đã sinh ra một nhánh al-Qaeda mới, nhóm Hay’at Tahrir al-Sham, mà nhóm này sau đó đã bắt rễ được ở khu vực.

Các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen và Libya khiến lời cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ xóa sổ vĩnh viễn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) không thực hiện được. Các cuộc chiến này càng tiếp tục thì nguy cơ các nước đã bị suy yếu như Jordan và Liban rơi vào nội chiến cũng như nguy cơ Saudi Arabia bị bất ổn sẽ càng lớn.

Thêm vào đó, những cuộc chiến đang diễn ra đem lại cho Nga cơ hội củng cố vị thế của mình là một nhân tố không thể thiếu ở Trung Đông - một viễn cảnh mà tờ báo Mỹ cho là bất lợi cho cả khu vực lẫn Mỹ.

Nỗi ám ảnh Nga-Iran

The National Interest cho rằng chính những tác động phá hoại của các cuộc nội chiến này mới là mối đe dọa cho lợi ích của Mỹ. Nó phải được coi là một thách thức lớn, và không phải việc nhằm mục tiêu vào mỗi Iran mới gia tăng vai trò của Washington ở khu vực.

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ tiếp tục kích động các cuộc nội chiến đang là mối đe dọa cho lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Vấn đề ở đây là nhiều chuyện có thể nảy sinh và tình hình khu vực có thể xấu đi nếu Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Tehran sẽ coi bất cứ động thái nào phá hoại thỏa thuận hạt nhân cũng là lời cảnh báo về việc làm thay đổi chế độ ở nước này, và Iran sẽ dùng mọi cách có thể, kể cả các cơ sở của mình ở Syria, Iraq, Liban và Yemen, để tăng cường các khả năng ngăn chặn và đáp trả.

Người dân Syria tuần hành cảm ơn Nga, Iran, Lebanon và lực lượng Hezbollah

Nếu bị đe dọa, Iran có thể kích động dòng Hồi giáo Shi’ite ở Bahrain và Saudi Arabia, tăng cường hậu thuẫn cho phong trào Houthi ở Yemen, đặt nhóm Hezbollah vào tình trạng báo động ở biên giới của Lebanon với Israel, và gieo rắc thêm bất hòa ở Syria và Iraq.

Những hành đồng này chắc chắn sẽ dẫn tới việc tiếp tục leo thang các cuộc nội chiến và bất ổn trong khu vực. Chúng cũng có thể đủ để kích động Chính quyền của Tổng thống Trump tiến tới các hành động quân sự và rơi vào bẫy xung đột.

Những người chủ trương phá vỡ thỏa thuận hạt nhân có thể lập luận rằng Mỹ có khả năng để xử lý những bất trắc có thể nảy sinh bằng sức mạnh quân sự siêu việt của mình.

Mỹ có thể giảm thiểu một vài tác động của các hành động từ phía Iran bằng cách gây ra những tổn hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng quân sự của nước này. Song để vô hiệu hóa những khả năng ngăn chặn và trả đũa mà Tehran có ở các vùng nội chiến ở Syria, Iraq và Yemen- và cả Lebanon- sẽ không dễ.

Mỹ có sức mạnh quân sự vượt trội nhưng chưa hẳn đã chiếm ưu thế hoàn toàn trước Iran

Iran có thể bù đắp sự thiếu hụt về sức mạnh quân sự thông thường bằng những năng lực khác. Tehran có các tay súng đóng ngay tại trung tâm các vị trí hiểm yếu nhất của thế giới Arab, là hàng rào chống lại các mối đe dọa từ Mỹ và Israel.

Để vô hiệu hóa các khả năng này đòi hỏi Mỹ hay Israel phải can dự trực tiếp với Iran trên đất Syria, một sự mạo hiểm bởi Nga cũng đang hoạt động ở đây và ủng hộ Iran. Nó cũng chắc chắn sẽ buộc phải có các trận đánh ở nước láng giềng Lebanon, đẩy đất nước này rơi vào nội chiến.

Tệ hơn nữa cho Mỹ nếu thỏa thuận hạt nhân bị phá bỏ, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ ủng hộ Iran và quy lỗi cho Washington, nhất là trong trường hợp Iran vẫn tiếp tục tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân cho dù Mỹ rút ra, biến Washington thành kẻ tội đồ.

Thực tế, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ càng tăng cường mối quan hệ giữa Iran và Nga, biến mối quan hệ hiện đang dựa trên "lợi ích chung" ở Syria thành một mối quan hệ dài hạn hơn và chiến lược hơn. Và nó cũng chắc chắn sẽ củng cố thêm vị thế toàn cầu của Nga, cho nước này thêm khả năng để thách thức vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Dàn máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 của Nga tại căn cứ Hamadan, Iran hồi năm 2016

Song mối nguy cơ dài hạn lớn nhất cho an ninh của Mỹ và các nước ở Trung Đông muốn vứt bỏ thỏa thuận hạt nhân là sẽ đánh mất nhiều cơ hội. Iran, cùng với Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, phải là một phần trong bất kỳ giải pháp nào nhằm kết thúc các cuộc nội chiến đang đe dọa đến an ninh, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và những lợi ích năng lượng của Mỹ.

Sự hợp tác giữa ba cường quốc khu vực sẽ là cần thiết để chấm dứt các cuộc chiến và ngăn chặn IS biến đổi thành một dạng đe dọa mới sau khi các chiến dịch giải phóng Mosul và Raqqa kết thúc.

Đề xuất được đưa ra là Mỹ nên kết hợp cả việc gây áp lực và biện pháp ngoại giao, bao gồm cả việc duy trì thỏa thuận hạt nhân, thì Washington mới có thể tuyên bố đã thành công trong chính sách về Iran và ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng ở một khu vực trọng tâm đối với an ninh của Mỹ và toàn thế giới.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn