Biểu tình lớn từ chuyện rất nhỏ ở Morocco
Trong hầu hết mọi trường hợp của một chế độ được thành lập theo phương pháp phi bầu cử do phương Tây giật dây trước đây, ví dụ như các vụ thay đổi chế độ ở Trung Đông (Iraq, Syria), Bắc Phi (Libya) hoặc Ukraine, quá trình này bắt đầu với những cuộc biểu tình công khai ở cấp độ thấp, chống lại sự lạm dụng quyền lực thực sự hoặc tưởng tượng bởi một nhà lãnh đạo hay lực lượng an ninh của một quốc gia nào đó. Tình hình hiện tại của Morocco dường như cũng theo cùng một kịch bản như vậy.
Cái chết của người buôn cá 31 tuổi Mouhcine Fikri, bị xe tải đè bẹp trong khi tìm cách lấy lại số cá bị cảnh sát tịch thu vào tháng 10/2016, đã gây ra một làn sóng bất ổn và bất tuân pháp luật, ban đầu ở thành phố Al-Khoseima, sau đó lan sang các địa phương khác của khu vực Rif.
Sự việc xảy ra vào tối 28/1082016. Cảnh sát định tiêu hủy tang vật là lô cá kiếm của người buôn cá Mouhcine Fikri. Khi tìm cách lấy lại số cá đó, nạn nhân đã bị xe ben đổ rác ngoạm lấy. Sau đó, một đoạn phim quay bằng điện thoại di động về cái chết thương tâm này đã được tung lên mạng, tạo lên một làn sóng biểu tình chống lại cơ quan công vụ Morocco.
Những cuộc biểu tình này nhanh chóng tạo ra một nhà lãnh đạo không chính thức là ông Nasser Zefzafi, một người đàn ông thất nghiệp 39 tuổi với kỹ năng hùng biện đáng nể theo trường phái dân túy.
Yêu cầu của Zefzafi đã nhanh chóng leo thang vượt ra khỏi khuôn khổ đòi lại công bằng cho Fikri, bao gồm việc chính phủ phải xử lý quyết liệt với nạn tham nhũng, đàn áp nhân dân; cùng với sự thất thoát của các khoản đầu tư và trợ cấp cho khu vực Rif.
Yêu sách của Zefzafi đã nhằm thẳng vào sự hiện diện quá lớn và tệ nạn lạm quyền của các lực lượng an ninh, các khoản viện trợ nước ngoài của Morocco cho các nước châu Phi khác và tuyên bố của vua Mohammed VI về thẩm quyền tối thượng của pháp luật.
Hơn nữa, Zefzafi đòi hỏi phải được tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán với chính nhà vua chứ không phải là đại diện của ông, một yêu cầu rõ ràng là phải bị từ chối do tính chất vượt cấp chưa từng có tiền lệ của nó.
Một điều đáng ngạc nhiên là Zefzafi còn cáo buộc nhà vua đã tham gia vào một kế hoạch lớn lao với các nước Ả rập vùng Vịnh, nhằm giải quyết vấn đề người Arab ở Morocco, với hướng giải quyết rất “mất lòng dân” là để người Arab dần dần thay thế người Berber bản địa.
Morocco đang có những biểu hiện đầu tiên của "Mùa xuân Ả rập" |
Chính phủ Morocco đã trả lời bằng cách cử một phái đoàn đến thương lượng với dân chúng, với mức cam kết đầu tư 1 tỷ euro trong 5 năm; đồng thời cáo buộc những người biểu tình đã kích động chủ nghĩa ly khai và vào ngày 29/5/2017, đã bắt giữ Zefzafi và các nhà lãnh đạo xung đột khác.
Những người này hiện đang bị cáo buộc thúc đẩy chủ nghĩa ly khai, khuyến khích nổi loạn; nhận sự chỉ đạo của các cường quốc nước ngoài để âm mưu thay đổi chế độ bằng biện pháp bạo lực - những tội danh mà theo luật hình sự của Morocco, họ có thể bị trừng phạt bằng cái án tử hình.
Tuy nhiên sau đó, khoảng 32 trong số các nhà hoạt động chủ chốt của cuộc biểu tình bạo loạn này đã bị kết án 18 tháng tù giam, trong khi những người khác nhận án 2 hoặc 3 tháng.
Có dấu hiệu can thiệp của nước ngoài
Nhưng vụ trấn áp biểu tình bạo loạn này đã vượt xa khỏi khuôn khổ ban đầu của nó, sự can thiệp của nhiều thế lực đã chứng minh rằng, có rất nhiều lực lượng hy vọng lợi dụng những cuộc biểu tình của dân chúng và biến nó thành lợi thế chính trị của họ.
Khoảng 600 luật sư đại diện cho phần lớn các văn phòng pháp luật trong nước bày tỏ chính kiến sẵn sàng thách thức phán quyết của Tòa án.
Tại thủ đô Rabat, đã có một cuộc biểu tình dạng “liên kết ủng hộ”, với sự tham gia của hơn 40 nghìn người, do một số tổ chức mang tính chất tương tự như những tổ chức từng được dựng lên hàng loạt như trong “Phong trào 11 tháng 2”, là thủ phạm chính gây rối loạn trong “Mùa xuân Ả Rập” (Arab Spring) ở Ai Cập; bao gồm Đảng Istiqlal hay Al Adl Wa Al Ihssane (Tư pháp và Tinh thần) - một hiệp hội Hồi giáo nửa hợp pháp.
Al Adl Wa Al Ihssane cũng đã tham gia vào các cuộc biểu tình của "Mùa xuân Ả rập" với khẩu hiệu truyền bá công khai luật Sharia ở Morocco, nhưng lại từ chối tham gia vào quá trình chính trị hợp pháp. Hiện Hiệp hội này đang có sự hiện diện mạnh mẽ ở Rif.
Quốc vương Mohammed VI, rõ ràng không muốn nhìn thấy tình hình leo thang thành đổ máu nên đã công nhận quyền phản đối và chỉ ra sự cần thiết phải điều tra lý do tại sao kế hoạch đầu tư phát triển trị giá 650 triệu euro cho vùng Rif đã không được thực hiện.
Thật vậy, tình hình kinh tế-xã hội phức tạp ở khu vực Rif là lý do tại sao rất nhiều tổ chức chính trị-xã hội lại nhảy vào phong trào phản đối. Đây cũng không phải là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng này ở khu vực nằm bên bờ Địa Trung Hải, nằm gần eo biển huyết mạnh Gibraltar của Morocco.
Hình thức quan trọng nhất của hoạt động kinh tế ở vùng này là ... trồng cần sa và buôn lậu ma tuý vào châu Mỹ Latinh từ Tây Phi. Mặc dù hình thức thương mại này rất sinh lợi, nhưng rõ ràng là những người này không phải là những công dân bình thường, còn các quan chức chính phủ bị buộc tội làm ngơ cho các hoạt động bất hợp pháp để kiếm lợi.
Sự nghèo đói cũng khiến cho nhiều thanh niên trong khu vực tham gia vào các phe phái khủng bố ở Iraq và Syria và khi cuộc chiến chống khủng bố tại hai nước này dần dần sắp kết thúc, những tay súng thành chiến hồi hương này hiện đang đe dọa đến sự ổn định lâu dài của Morocco.
Bất ổn ở Morocco là do đấu đá giữa Saudi Arabia với Qatar?
Morocco khá là may mắn bởi không giống như các trường hợp thay đổi chế độ đã từng xảy ra trong quá khứ, làn sóng phản đối này không gắn với một nỗ lực lật đổ chế độ của Hoa Kỳ hoặc các cường quốc phương Tây, nhằm lật đổ những chính quyền “cứng đầu” trước đây.
Về mặt chính trị, Washington tỏ ra khá hài lòng với chế độ quân chủ ở Morocco và không kêu gọi Quốc vương Mohammed VI từ chức.
Về tranh chấp lãnh thổ, đối thủ chiến lược chính của Morocco là Algeria đang tìm cách cướp đi khu vực Tây Sahara, nhưng nước này không có khả năng để thực hiện các hành động lớn, dưới bất kỳ hình thức nào.
Tình trạng bất ổn ở Morocco trùng khớp với cuộc đối đầu đang hiện hữu giữa Saudi Arabia với Qatar. Vì các phe phái chính trị của Morocco có quan hệ với cả Riyadh lẫn Doha nên tương lai chính trị của đất nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả của cuộc đấu giành quyền lực ở vùng Vịnh.
Quốc vương Mohammed VI có quan hệ khá tốt đẹp với Nhà Saud ở Saudi Arabia và UAE - những nhà đầu tư lớn ở Morocco. Năm 2016, Pháp đứng thứ nhất về đầu tư, chiếm 22% tổng vốn, UAE đứng thứ 2 với 15,2%, Saudi Arabia đứng thứ 3 với 11,2%; còn Mỹ và Qatar xếp thứ 4 và thứ 5 với 9,6% và 7,8%.
Theo một số chuyên gia, trong tình hình này, các cuộc biểu tình có thể được bắt đầu bởi Qatar, thông qua một số phong trào tôn giáo nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Doha.
Một trong những khía cạnh yếu kém nhất của quyền lực hoàng gia là chính sách tôn giáo. Nhà vua đã làm phức tạp các quan hệ với các phong trào Hồi giáo trong nước.
Sau cuộc tấn công khủng bố ở thành phố lớn nhất của Morocco là Casablanca vào năm 2003, Mohammed VI bắt đầu tích cực tăng cường quyền lực cá nhân trong các tổ chức tôn giáo và cố gắng kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo. Các cơ quan quản lý Hồi giáo mới được thành lập và nhiều trung tâm nghiên cứu Hồi giáo đã được mở ra.
Hiện Mohamed VI, là con cháu trực tiếp của Tiên tri Mohamed, được coi là nhà lãnh đạo tôn giáo cao nhất trong nước và là chỉ huy của các tín hữu (amir al-muminin). Ông tự nhận mình là một người bảo vệ tư tưởng “Hồi giáo ôn hòa” theo trường phái tư tưởng Maliki.
Các cuộc biểu tình ở Morocco có sự đạo diễn của những “tổ chức đáng ngờ” ? |
Morocco, cùng với Ai Cập và Saudi Arabia, là một trong những nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực giáo dục Hồi giáo. Viện Mohammed VI về đào tạo các chức sắc đạo Hồi như Imams, Morchidine và Morchidate, được thành lập vào năm 2015, hàng năm đào tạo hàng trăm Imams từ Nigeria, Chad, Guinea, Côte d'Ivoire, Tunisia và Pháp.
Điều này cho phép quốc gia này gây ảnh hưởng đến các quốc gia nước ngoài khác. Tuy nhiên, nhà vua không thể thay thế hoàn toàn sự kiểm soát của ông đối với khu vực tôn giáo.
Theo một số chuyên gia, một phần đáng kể người Hồi giáo trong nước bị ảnh hưởng bởi tổ chức “Anh em Hồi giáo” và Qatar. Liên kết có thể có của Qatar với chính trị của Morocco là Đảng Công lý và Phát triển (PJD) - đảng được coi là có quan hệ với tổ chức “Anh em Hồi giáo”.
Chính đảng này đã buộc nhà vua Mohamed VI phải từ bỏ một phần quyền lực bằng cách cho phép việc sửa đổi một hiến pháp mới.
Nhà lãnh đạo PJD Abdelilah Benkiran trong gần 6 năm liền (từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 4 năm 2017) là thủ tướng của Morocco. Còn Thủ tướng hiện nay Saadeddine Othmani cũng là Tổng Thư ký của PJD.
Mặc dù PJD đã không tham gia vào các cuộc biểu tình và không có bằng chứng trực tiếp nào về Qatar tham gia vào cuộc biểu tình phản đối, nhưng sự can dự của Doha là điều không thể bác bỏ.
Các cuộc biểu tình ở Morocco sẽ là một phương tiện để chứng minh khả năng làm mất ổn định đất nước này của Doha và do đó buộc Mohammed VI phải từ bỏ chính sách thân thiện của ông với Riyadh và thực sự là Morocco chưa tham gia vào liên minh phong tỏa Qatar, do Saudi Arabia lãnh đạo.
Hiện tại, các cuộc biểu tình ở Morocco không phải là mối đe dọa rõ ràng đối với tương lai chính trị của đất nước. Nền kinh tế của Morocco đang vận hành rất tốt; nhà vua vẫn còn được lòng dân và nhận được sự cam kết trung thành của quân đội và lực lượng an ninh.
Morocco có thể liên quan một phần đến cuộc xung đột hiện tại ở vùng Vịnh, điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của Morocco. Mặc dù không hẳn đã là một "Mùa xuân Ả rập" mới, nhưng tương lai nước này vẫn có thể trở thành chiến trường trong cuộc đấu giữa những cường quốc thế giới. Các cuộc biểu tình ở Rif có thể chỉ đơn giản là những cú đánh đầu tiên của cuộc chiến đó.
Theo Đất Việt