Mục đích chính trị
Trang mạng Chuyên gia Á-Âu (Nga) số ra ngày 7/8 đăng bài viết đánh giá sau khi Quốc hội Mỹ mới đây phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga thì Liên minh châu Âu (EU) rất lo ngại bởi các biện pháp này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của EU trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, lợi dụng thời cơ này, Mỹ đang tìm kiếm hướng phát triển mới cho khí đốt của nước này trên thị trường của EU.
Giới phân tích Nga băn khoăn là liệu Mỹ có giành lấy thị trường châu Âu từ tay Gazprom và những lý do nào, ngoài lý do kinh tế, khiến Mỹ muốn xuất khẩu Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu?
Chiếc tàu đầu tiên chở LNG của Mỹ cho Ba Lan |
Sự độc lập và bành trướng về năng lượng của Mỹ đã trở thành một trong những yếu tố chủ đạo trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra hồi tháng 6/2017.
LNG có vai trò quan trọng trong việc bành trướng của các công ty năng lượng Mỹ để hỗ trợ cho mục đích này. Song song với chuyến đi Ba Lan của ông Trump là chiếc tàu chở dầu mang tên Clean Ocean, đánh dấu lần đầu tiên cung cấp LNG của Mỹ cho Ba Lan, một sự kiện tương tự cũng xảy ra đối với Hà Lan.
Cuộc chiến về giá khí đốt giữa đường ống dẫn khí của Nga và LNG không phải là năm đầu tiên và các nhà phân tích cũng luôn cho rằng mọi lợi thế đều nghiêng về phía Nga. Tuy nhiên, các quốc gia như Ukraine hay Ba Lan đôi khi hành động bất chấp những thiệt hại kinh tế để phục vụ các mục đích chính trị.
Mỹ "thắp sáng" tham vọng dùng LNG đè bẹp khí đốt Nga ở châu Âu |
Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng LNG bên ngoài bang Alaska đã được thảo luận trong giới chính trị trong suốt nhiều thập kỷ. Trong vài năm gần đây đã có nhiều lời kêu gọi đưa LNG ra thị trường thế giới càng sớm càng tốt.
Lô hàng LNG đầu tiên xuất khẩu khỏi Mỹ hồi tháng 2/2016 (theo hướng Brazil). Mỹ hiện có 3 trạm chiết LNG trong khuôn khổ của trạm Sabine Pass ở bang Louisiana hoạt động.
Dự kiến, trong những năm sắp tới sẽ có thêm 4 trạm chiết LNG được đưa vào khai thác (bao gồm Cameron, Freeport, Cove Point, Corpus Christi) và ở tất cả 7 trạm chiết LNG với tổng công suất 99 tỷ mét khối/năm.
Xem xét một số yếu tố thì có lẽ giai đoạn bành trướng LNG của Mỹ hiện nay là khá thành công. Đó là sự sụt giảm giá dầu, mật độ lưu thông trên Kênh đào Panama từ tháng 7/2016 đã tăng lên, trong khi dự án LNG của Nga vẫn chưa đi vào hoạt động.
Nga tuyên bố "hoan nghênh" Mỹ cung cấp LNG cho châu Âu |
Hợp đồng tiêu chuẩn xuất khẩu LNG từ Mỹ bao gồm 115% giá khí đốt ở Henry Hub (ở thời điểm hiện tại đạt khoảng 3-3,1 USD/MMbtu), cộng với các chi phí về khí hóa, vận chuyển ở mức khoảng từ 3-3,5 USD/MMbtu.
Trong khi đó, mức giá nhập khẩu khí đốt Nga ở biên giới Đức trung bình dao động từ khoảng 4,8-5,2 USD/MMbtu. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, Nga có lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Nếu tính đến một loạt hợp đồng dài hạn giữa Gazprom và các đối tác châu Âu vẫn đang còn hiệu lực và có ràng buộc về giá, giả thiết nếu giá dầu tăng mạnh với độ trễ từ 6-9 tháng sẽ khiến sức hấp dẫn của LNG từ Mỹ tăng đáng kể và có lợi thế hơn. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, xu hướng trên thị trường châu Âu không còn phụ thuộc vào giá dầu và kết quả cuối cùng có thể các lợi thế vẫn nghiêng về phía các nhà cung cấp khí đốt Nga.
Không thể thắng Nga!
Tuy nhiên, kinh tế không hẳn là lý do để Mỹ có tham vọng về LNG ở châu Âu. Trong giai đoạn từ năm 2011-2013, giá khí đốt trung bình qua đường ống của Nga dao động khoảng từ 10-11 USD/MMbtu và giả sử nếu tại thời điểm đó có LNG cung cấp từ Vịnh Mexico thì khí đốt của Mỹ đã có thể lật đổ vị thế năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, trên thực tế là trong khoảng thời gian này, giá khí đốt tại Nhật Bản và Hàn Quốc ở mức khoảng 14-16 USD/MMbtu. Cho tới nay, giá ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương chỉ vào khoảng 2-3 USD/MMbtu, mức rất hấp dẫn châu Âu.
Theo dự đoán của các tổ chức quốc tế hàng đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), sự chênh lệch giữa giá LNG của thị trường châu Âu và thị trường Đông Á sẽ còn tiếp tục kéo dài tới năm 2030 ở mức khoảng 2 USD/MMbtu, thậm chí bất chấp sự vận hành của một loạt dự án LNG ở Australia, Indonesia, Papua New Guinea và một loạt quốc gia khác.
Gazprom của Nga hiện vẫn đang làm "bá chủ" về khí đốt ở châu Âu |
Vị thế LNG của Mỹ ở châu Âu thể hiện rõ nhất qua vị trí địa lý các đơn hàng được cung cấp từ tháng 2/2016 tới nay. Chỉ riêng giao cho Mexico đã có tới 28 tàu chở LNG, tức là cao hơn gấp 2,5 lần so với tổng số LNG giao cho tất cả các quốc gia châu Âu.
Số lượng các quốc gia nhập nhiều nhất là Mexico, Chile, Trung Quốc, Nhật Bản và Argentina. Ở châu Âu, quốc gia nhập nhiều LNG của Mỹ nhất chỉ có Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (tương ứng là 0,4 và 0,36 tỷ mét khối), và các chỉ số trên sẽ còn được duy trì trong thời gian tới.
Việc cung cấp LNG của Mỹ cho Ba Lan và Hà Lan là sự kiểm tra tính khả thi trong thời gian tới chứ không phải là minh chứng cho khả năng sinh lời. Ngoài ra, các công ty LNG của Mỹ sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt nếu muốn chiếm lĩnh thị trường châu Âu.
Khi những chiếc van khí đốt từ Nga đóng lại, châu Âu sẽ hiểu được giá trị thực sự của cuộc chơi? |
Hiện 70% LNG của Algeria đang cung cấp cho Pháp, 90% nhu cầu LNG của thị trường Italy là do nhà cung cấp Qatar đảm nhiệm. Nếu có thêm nhà cung cấp Nigeria (xuất khẩu LNG của quốc gia này sang châu Âu có thể đạt 10 tỷ mét khối/năm), quốc gia đang có hợp đồng dài hạn với các công ty khí đốt hàng đầu ở Địa Trung Hải (Galp, Engie, Gas Natural Fenosa, Iberdrola, Total) thì rõ ràng chiếm lợi thế cạnh tranh rõ rệt so với các nhà cung cấp Mỹ.
Những nỗ lực cung cấp LNG để thực hiện các mục đích chính trị của Mỹ đã có từ lâu. Vào năm 1959, Mỹ đã lần đầu tiên cung cấp LNG cho Anh. Nhưng mục đích này đã không thành công bởi sau đó Anh đã chọn các nhà cung cấp Algeria.
Xét về vị trí địa lý và thị trường hàng hóa nhỏ nên hầu hết các quốc gia châu Âu, ngoài các quốc gia Đại Tây Dương và Tây Địa Trung Hải, đều sẽ chịu thiệt hại đáng kể nếu chuyển từ việc mua khí đốt Nga sang LNG của Mỹ.
Theo Đất Việt