Hãng PTI của Ấn Độ ngày 7/8 đưa tin, các phóng viên Ấn Độ đã được tham gia một chuyến thăm tại khu vực biên giới với Trung Quốc.
Chuyến thăm do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, thực ra là một chiến dịch tuyên truyền của quân đội Trung Quốc trước khi phát đi lời cảnh báo sắc lạnh với Ấn Độ tại khu vực tranh chấp ở Doklam, gần Sikkim.
Tên lửa HQ-16 của Trung Quốc được điều tới Tây Tạng. |
Đại tá Li Li của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phát đi thông điệp cứng rắn trong chuyến thăm trên, cho rằng Lục quân Ấn Độ là rút quân khỏi lãnh thổ Trung Quốc để tránh đối đầu.
"Điều mà binh lính Ấn Độ đã làm là xâm lược lãnh thổ Trung Quốc. Các bạn có thể đưa tin về những gì binh sỹ Trung Quốc đang nghĩ tới. Tôi là một người lính, tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi có quyết tâm" - Đại tá Li tuyên bố.
Trong chuyến thăm trên, binh sỹ Trung Quốc còn trình diễn các kỹ năng chiến đấu trước giới truyền thông Ấn Độ. Đây vốn được cho là một dịp hiếm báo chí thế giới được chứng kiến binh sĩ Trung Quốc trình diễn các kỹ năng chiến đấu trước truyền thông Ấn Độ.
Trong khi đó, cùng ngày 7/8, hàng loạt các hệ thống tên lửa phòng không HQ-16 của Trung Quốc được cho là đang ùn ùn đổ về Tây Tạng, áp sát khu vực biên giới Ấn Độ.
Trang Sina của Trung Quốc dẫn các hình ảnh được cư dân mạng nước này đăng tải cho thấy dàn tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 đổ về hướng Tây Tạng với số lượng “lớn chưa từng có”.
Động thái này diễn ra một tuần sau khi các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc đồng loại “phản công” Ấn Độ trên mặt báo.
Đáng chú ý nhất là tuyên bố đã “kiềm chế hết mức” của báo quân đội Trung Quốc và khả năng “Trung Quốc tấn công chớp nhoáng Ấn Độ” trong hai tuần của Thời báo Hoàn Cầu.
Việc Bắc Kinh điều tên lửa HQ-16 là điều đáng chú ý bởi tại phía bên kia biên giới, Ấn Độ đã trang bị các lực lượng và trang thiết bị vũ khí vượt trội hơn Trung Quốc ở cao nguyên Doklam.
Các sân bay Ấn Độ rải rác xung quanh khu vực với sự hiện diện của chiến đấu cơ Su-30MKI và Mirage 2000 đóng vai trò răn đe đáng kể.
Song, với việc điều thêm HQ-16 tới khu vực này, các tên lửa này đủ sức tạo nên mạng lưới phòng thủ, đủ sức khắc chế trước bất kỳ chiến đấu cơ nào của Ấn Độ.
Tên lửa HQ-16 được cho là điều tới biên giới Ấn Độ. |
Tại biên giới Trung - Ấn, Times of India cho biết: “Quân Trung Quốc ở Doklam được sự hỗ trợ của 1.500 binh sĩ khác, tạo thành 3 lớp vững chắc. Họ thường dùng loa công suất lớn để phát đi thông điệp tuyên truyền, xua đuổi quân Ấn Độ”.
“Chúng tôi phải xây dựng tiền đồn vững chắc để cố thủ. Quân Trung Quốc thì không cần như vậy vì họ có tuyến đường hiện đại, giúp huy động quân đội nhanh chóng” - nguồn tin quân sự nói với trang tin Ấn Độ.
Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ huy động gấp 3 quân số Trung Quốc có mặt ở Doklam, dù Bắc Kinh có điều thêm bao nhiêu quân đến điểm nóng tranh chấp. Nếu nguy cơ chiến tranh được đẩy lên mức cao trào, tỷ lệ này sẽ là 9:1 trong môi trường tác chiến vùng núi.
“Quân đội của chúng tôi chiếm ưu thế phòng ngự hơn và luôn sẵn sàng cho chiến tranh lâu dài” - nguồn tin trên khẳng định.
Theo Đất Việt