|
Lính Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới. |
"Ấn Độ không chỉ hiện diện phi pháp trên lãnh thổ Trung Quốc hơn một tháng qua mà còn sửa đường ở phía sau, tích trữ quân nhu và tập trung một lượng lớn quân nhân có vũ trang. Đây chắc chắn không phải vì hòa bình", Reuters ngày 3/8 dẫn lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn căng thẳng khi hai bên đối đầu ở gần biên giới từ giữa tháng 6.
Khi đó, quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Sau khi Ấn Độ triển khai vài trăm binh sĩ tới đây, Bắc Kinh cho rằng New Delhi phải rút quân vô điều kiện và ngay lập tức khỏi Doklam để giải quyết tình trạng đối đầu. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj hồi tháng trước tuyên bố điều kiện cho bất cứ cuộc đàm phán nào là cả hai bên đều phải cùng rút quân.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Ấn Độ không có thiện chí để giải quyết xung đột, cho rằng "nếu Ấn Độ đề cao hòa bình thì cần rút quân ngay lập tức".
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này đã thể hiện thiện chí và sự kiềm chế lớn nhất, nhưng cảnh báo "kiềm chế cũng có giới hạn", Ấn Độ cần xua tan ảo tưởng. Bắc Kinh cũng lưu ý các nước "không nên đánh giá thấp năng lực và quyết tâm bảo vệ chủ quyền" của quân đội Trung Quốc.
Các quan chức Ấn Độ cho hay mỗi bên có khoảng 300 lính đang đối mặt nhau trên cao nguyên, ở khoảng cách 150m.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Trung Quốc vào tháng sau để tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), cùng các thành viên khác gồm Brazil, Nga và Nam Phi.
|
Tranh chấp biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. |
Theo VNE