Tại sao hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh bị thất lạc?

Thứ sáu, 04/08/2017, 10:18
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến rất nhiều tổ chức, cá nhân.

Bản thất lạc không phải hồ sơ gốc

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 3/8, lãnh đạo Bộ Nội vụ xác nhận có thất lạc 1 bộ hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, hồ sơ gốc bổ nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang gửi lên Bộ Nội vụ có thông tin đã bị thất lạc.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ nhận được 2 bản có dấu đỏ từ Hậu Giang gửi về đề nghị phê chuẩn.

Khi gửi về thì bộ phận văn thư đóng dấu 1 bản, bản gốc vẫn còn, thất lạc bản đóng dấu công văn đến.

Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh

“Hiện vụ việc này đang được Bộ Công an tiến hành điều tra và Bộ Nội vụ xem xét kiểm điểm trách nhiệm liên quan của các cá nhân, tổ chức trong Bộ”, ông Thừa nói.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho hay, vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến rất nhiều tổ chức, cá nhân. Các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm chỉ đạo, xem xét kỷ luật một số tổ chức, cá nhân có liên quan.

Liên đới việc ông Thanh làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước đó, gần 10 lãnh đạo từ Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang... đã bị kỷ luật ở mức độ khác nhau.

Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh (nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý Trưởng ban tổ chức Trung ương); khiển trách ông Trần Công Chánh (Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020) và bà Trần Thị Hà (Thứ trưởng Nội vụ, Trưởng Ban thi đua - khen thưởng Trung ương). Ông Trần Anh Tuấn (Thứ trưởng Nội vụ) bị yêu cầu kiểm điểm.

Trước đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo với ông Huỳnh Minh Chắc (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2010-2015) và ông Trần Lưu Hải (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Trung ương); khiển trách ông Nguyễn Duy Thăng (Thứ trưởng Nội vụ).

Vi phạm nghiêm trọng và thua lỗ lớn tại PVC

Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam truy nã quốc tế từ 9/2016. Ông Thanh từng giữ chức Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Rời PVC tháng 8/2013, ông Thanh làm Phó chánh văn phòng Bộ Công thương, Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới tại Bộ Công thương, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công thương.

Sau đó ông trúng cử ĐBQH rồi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Thanh, để điều tra cáo buộc có nhiều sai phạm trong quản lý dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Ông Trịnh Xuân Thanh được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng ở PVC trong giai đoạn từ 2011 - 2013.

Cụ thể, báo cáo của ban kiểm soát tại hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết: năm 2013, PVC thua lỗ hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ hơn 1.900 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ gần 3.300 tỷ đồng.

Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.

Theo báo cáo của ban kiểm soát, riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.

Trong cùng vụ án xảy ra tại PVC, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam các ông: Vũ Đức Thuận - Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên Phó Tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC, để điều tra cùng hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC (xây dựng - vận hành - chuyển giao) giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Sau khi nhận được số tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỷ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỷ đồng, hỗ trợ vốn Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỷ đồng.

Ngoài ra, đem góp vốn vào 5 công ty con gồm: Công ty PVC MS 102 tỷ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỷ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỷ đồng, Công ty PVNC 30 tỷ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỷ đồng.

Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC phải trích lập quỹ dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ. Tính đến 31/12/2013, PVC đầu tư vào PVC-Land hơn 203 tỷ đồng (trong đó có 50 tỷ đồng sử dụng từ nguồn vốn 1.080 tỷ). Từ năm 2011 - 2015 đơn vị này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

Với công ty con PVC-Mekong, tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền mà PVC đầu tư là hơn 153 tỷ đồng (trong đó có 30 tỷ đồng sử dụng từ nguồn tiền 1.080 tỷ đồng). Trong 3 năm (từ 2012 - 2015), công ty này thua lỗ mất hết vốn điều lệ.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích