|
Toàn cảnh bãi biển và khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà. |
Chương trình thời sự tối qua của truyền hình trung ương Trung Quốc không đề cập đến bất cứ hoạt động nào của 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc đã tề tựu ở Bắc Đới Hà, nơi được biết đến với biệt danh "Trung Nam Hải ven biển", theo SCMP.
Bắc Đới Hà là một khu nghỉ dưỡng nằm cạnh biển Bột Hải, cách thủ đô Bắc Kinh 280km về phía Đông. Trong hàng chục năm qua, đây trở thành một địa điểm bí mật để những nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc cả đương chức và nghỉ hưu gặp gỡ, trao đổi và đưa ra những quyết định hệ trọng nhất. Lần tập hợp này ở Bắc Đới Hà nhiều khả năng cũng không là ngoại lệ, khi đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị cho đại hội lần thứ 19 vào mùa thu.
Cuộc gặp Bắc Đới Hà là một "bí mật mở" ở Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ qua, diễn ra ở những khách sạn, biệt thự sang trọng được xây dựng tại khu nghỉ dưỡng này nhưng không có một chương trình nghị sự chính thức nào được công bố.
Sự kiện này bắt đầu từ năm 1953, khi lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thành lập một "cơ sở nghỉ dưỡng mùa hè" tại Bắc Đới Hà, nơi các quan chức cấp cao có thể tránh khỏi thời tiết nóng nực ở Bắc Kinh.
Qua nhiều năm, khu nghỉ dưỡng này trở thành nơi ra đời của nhiều quyết định lịch sử, trong đó có việc phát động chiến dịch "Đại Nhảy vọt" của cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Đến thời ông Hồ Cẩm Đào, "cơ sở nghỉ dưỡng mùa hè" này bị đóng cửa, nhưng các cuộc họp kín, thường được gọi là "kỳ nghỉ", của các quan chức cấp cao vẫn diễn ra ở đây.
Bãi biển Bắc Đới Hà được chia làm hai khu, khu phía Tây dành cho các lãnh đạo cấp cao của đảng, trong khi khu phía Đông dành cho các quan chức cấp bộ trưởng trở xuống trong chính phủ. Thông thường, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ tận hưởng vài ngày nghỉ ngơi ở đây trước khi bước vào các cuộc họp kín, nhưng không có một thời gian biểu cố định nào được đưa ra.
Tại đây, họ thường đắm mình trong làn nước trong xanh ở bãi biển, nơi được bảo vệ bằng lực lượng an ninh dày đặc ở trên bờ, cùng các tấm lưới chống xâm nhập ở ngoài biển và nhiều xuồng cao tốc chờ sẵn để giúp các quan chức nghỉ ngơi khi thấm mệt.
Một bài viết năm 2012 của tạp chí Global People cho biết lực lượng an ninh Trung Quốc đã thành lập một trung đội đặc biệt để bảo vệ các nhà lãnh đạo khi họ bơi dưới biển. Thành viên trung đội này bắt đầu được huấn luyện vào mùa xuân, bơi 10km mỗi ngày để có thể luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
|
Lực lượng an ninh canh gác bãi biển Bắc Đới Hà năm 2013. Ảnh: SCMP. |
Cuộc gặp Bắc Đới Hà cũng là cơ hội mỗi năm có một để các lãnh đạo đã nghỉ hưu cùng tề tựu và thể hiện tầm ảnh hưởng chính trị của mình, dù mức độ ảnh hưởng của các "bô lão" như vậy trong những năm gần đây vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Theo Wang Zhengxu, chuyên gia về chính trị cấp cao Trung Quốc tại Đại học Nottingham, cho biết từ thập niên 1980, cuộc gặp Bắc Đới Hà là một kênh quan trọng để các cựu lãnh đạo thể hiện ảnh hưởng còn lại của mình. Cuộc gặp năm nay cũng là cơ hội cuối cùng để họ góp tiếng nói quyết định đội ngũ kế cận sẽ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới, khi phần lớn ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ phải về hưu do quy định tuổi tác. Danh tính những người này sẽ được công bố trong đại hội 19 diễn ra vào tháng 10 hoặc 11.
Vị thế mới của ông Tập
Cuộc gặp Bắc Đới Hà năm nay diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm, chỉ vài tuần sau khi ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị miễn chức và bị điều tra với cáo buộc vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, cụm từ thường dùng để ám chỉ tội danh tham nhũng. Tôn Chính Tài từng được coi là một ngôi sao sáng trên chính trường, có thể kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nó cũng được tổ chức sau khi các bộ trưởng, tỉnh trưởng và quan chức cấp cao Trung Quốc tham gia một cuộc họp xây dựng đồng thuận ở Bắc Kinh, trong đó khẳng định lòng trung thành tuyệt đối đối với Chủ tịch Tập, người đã khẳng định được vị thế mới trên chính trường Trung Quốc.
|
Ông Tập chụp ảnh trên bãi biển Bắc Đới Hà. Ảnh: SCMP. |
Ông Tập sau 5 năm nắm quyền đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc, được tôn vinh là "lãnh đạo hạt nhân" của đảng Cộng sản, vị thế mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào không có. Trong cuộc duyệt binh lớn ở Nội Mông cuối tuần trước, ông Tập cũng đã phá vỡ truyền thống khi chỉ huy duyệt binh mà không có sự góp mặt của các cựu chủ tịch nước.
Nhiệm vụ của ông tại cuộc gặp Bắc Đới Hà lần này là thành lập được một đội ngũ lãnh đạo có thể giúp ông đối phó với những thách thức lớn từ công cuộc cải tổ kinh tế và quân đội đang tiến hành.
"Ông Tập tới Bắc Đới Hà lần này với vị thế rất mạnh", Minxin Pei, giáo sư Đại học Claremont McKenna ở California, Mỹ, nói. "Ông nắm nhiều quân bài trong tay, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ông có thể lấn át những người khác. Nói cách khác, ông không thể chỉ chìa ra một danh sách ứng viên cho các vị trí lãnh đạo tiếp theo và yêu cầu họ ký tên".
Trong khi đó, Chen Daoyin, nhà khoa học chính trị tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, cho rằng tại Bắc Đới Hà, danh sách 25 ủy viên Bộ Chính trị do ông Tập lựa chọn sẽ không gây ra nhiều tranh cãi.
"Sẽ không ai có thể thách thức được quyền lực của ông Tập. Cuộc gặp Bắc Đới Hà lần này phần nhiều mang tính nghi lễ, thể hiện hài hòa của đảng Cộng sản Trung Quốc khi tập hợp những người có quan điểm khác nhau", Chen nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Wang cho rằng ông Tập vẫn sẽ tuân theo truyền thống "tiếp thu hiểu biết" của các lãnh đạo tiền bối, đặc biệt là khi ông đang muốn thay đổi những quy tắc họ từng đặt ra. "Ở Bắc Đới Hà, họ thảo luận các vấn đề theo cách thư giãn. Cuộc gặp vẫn là một cách để đảng Cộng sản Trung Quốc tìm kiếm sự đồng thuận".
Theo VNE