Những ứng viên sáng giá nào sẽ được chọn vào bộ máy lãnh đạo Trung Quốc năm nay?

Thứ sáu, 04/08/2017, 13:44
Theo giáo sư Minxin Pei tại Đại học Claremont McKenna, phần lớn các vấn đề tồn đọng sẽ được giải quyết trong tháng 8 này.

Khi mùa hè nóng nực bước vào tháng 8, giới tinh hoa Trung Quốc sẽ tề tựu tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà (Beidaihe) để cân nhắc chủ đề nóng bỏng nhất: tương lai của bộ máy lãnh đạo quốc gia đông dân nhất hành tinh.

Trong năm nay, 5/7 thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nghỉ hưu, tạo nên những thay đổi lớn.

Bất kỳ biến động nhân sự nào trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc cũng có một tác động lớn đến toàn cầu, nhất là khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua.

Những thay đổi về nhân sự sẽ được công bố tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều khả năng diễn ra vào mùa thu năm nay nhưng chưa có thời điểm cụ thể. Theo giáo sư Minxin Pei tại Đại học Claremont McKenna, phần lớn các vấn đề tồn đọng sẽ được giải quyết trong tháng 8 này.

Cheng Li, giám đốc Trung tâm John L. Thornton chuyên về Trung Quốc tại Viện Brookings, nói: "Tầm quan trọng và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng, và quốc gia này đã tham gia vào vai trò lãnh đạo thế giới ... vì thế, chúng ta cần phải chú ý sự kiện này".

Những ứng viên sáng giá

Hiện tại, Trung Quốc không có quy định nào yêu cầu rằng số lượng thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phải là 7 người, còn mức tuổi nghỉ hưu 68 là theo thông lệ chứ không phải là quy định chính thức. Cho nên, mọi ngoại lệ đều có thể xảy ra.

Dưới đây là một vài ứng cử viên triển vọng mà giới chuyên gia cho rằng có thể sẽ được bầu vào Ban Thường vụ:

Li Zhanshu (Lật Chiến Thư): Giám đốc văn phòng Trung ương Đảng; thường được coi là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Zhao Leji (Triệu Lạc Tế): Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cơ quan rà soát và chọn lọc ứng viên cho các vị trí chủ chốt. Có tới 5/8 người tiền nhiệm của ông Triệu đã được bầu vào Ban Thường vụ.

Wang Huning (Vương Hỗ Ninh): Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc. Ông Vương được cho là nhân vật thân cận với ông Tập và một kiến ​​trúc sư cho các chương trình chính sách lớn, tiêu biểu là chiến lược "Giấc mơ Trung Quốc". Ông cũng là một chuyên gia về nền chính trị Mỹ.

Hu Chunhua (Hồ Xuân Hoa): Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, là người trẻ nhất (54 tuổi) trong số các ứng viên tiềm tàng, và cũng là một ngôi sao đang lên.

Han Zheng (Hàn Chính): Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Người giữ vị trí này thường được bầu vào Ban Thường vụ.

Wang Qishan (Vương Kỳ Sơn): Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân vật hàng đầu trong các nỗ lực chống tham nhũng và một đồng minh thân cận của ông Tập. Ông Vương được cho là có ảnh hưởng đáng kể;, và hiện đã là thành viên của Ban Thường vụ. Tuy đã quá tuổi, nhưng ông Vương có thể sẽ được phục vụ thêm một nhiệm kì nữa.

Wang Yang (Uông Dương): nhân vật số 3 của Quốc vụ viện. Đã giữ vị trí ủy viên Bộ Chính trị trong hai nhiệm kì, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thăng tiến.

Liu Qibao (Lưu Kỳ Bảo): Cựu bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương. Người nắm giữ vị trí này thường sẽ được bầu vào Ban Thường vụ.

Quá trình chọn lựa diễn ra như thế nào?

Đó là một câu hỏi khá hóc búa. Giáo sư Pei nói: "Chẳng ai biết quá trình này như thế nào".

Khi Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào mùa thu, đầu tiên các đại biểu (khoảng 2.300 người) sẽ lựa chọn Ủy ban Trung ương mới (khoảng 370 người). Sau đó, khoảng 200 người có quyền biểu quyết đầy đủ trong Ủy ban Trung ương mới sẽ bỏ phiếu chọn lựa các thành viên mới trong Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Các chuyên gia nói rằng ông Tập nhiều khả năng sẽ tiếp tục là người đứng đầu Ban Thường vụ, cũng như có thể sẽ tiếp tục giữ vị trí Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương sang nhiệm kỳ thứ hai. Đầu năm tới, ông Tập có thể sẽ được bầu để tiếp tục giữ vị trí chủ tịch nước.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng có khả năng tiếp tục là thành viên Ban Thường vụ, mặc dù vị trí của ông đã lung lay vì sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi năm 2015.

Theo dự kiến, sẽ có thêm nhiều gương mặt mới khi mà 11/25 ủy viên Bộ Chính trị hiện tại được cho là sẽ nghỉ hưu nếu tính theo tuổi nghỉ hưu truyền thống là 68 tuổi. Ông Li ước tính có thể có đến 70% số thành viên hiện tại sẽ được thay thế.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn