Miệng lưỡi người Mỹ
Tờ Độc lập của Nga đã nhấn mạnh đến những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để chứng tỏ những tín hiệu tích cực trong quan hệ song phương bất chấp việc Tổng thống Donald Trump đã ký gói các biện pháp trừng phạt cứng rắn áp đặt lên Moscow.
Theo đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson khi phát biểu trước giới báo chí tại Washington đã khẳng định cả ông lẫn Chính quyền Nhà Trắng đều không cảm thấy vui khi luật trừng phạt Nga được ban hành. Ông Tillerson cũng khẳng định ngay cả khi phải tiến hành các biện pháp đó, Mỹ cũng sẽ không từ bỏ mong muốn khôi phục quan hệ với Nga. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Manila vào cuối tuần này.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov |
Ông Tillerson được báo Nga dẫn lời nói: “Quan hệ với Nga đang có một sức ép đáng kể. Như tôi đã nhắc tới trong chuyến thăm Moscow lần đầu tiên, quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh và còn có thể chuyển biến xấu hơn nữa. Và tôi nghĩ rằng vấn đề diễn ra tuần trước (khi Quốc hội Mỹ thông qua gói trừng phạt mới chống Nga) sẽ khiến cho mối quan hệ Nga-Mỹ càng trở nên xấu hơn nữa hoặc chúng ta sẽ duy trì mối quan hệ ở một mức độ nhất định cũng như tiếp tục tìm kiếm cách giải quyết vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm”.
Theo đánh giá của ông Tillerson, Syria chính là vấn đề mà Nga và Mỹ có tiềm năng hợp tác lớn. Ông giải thích: “Chúng tôi chọn Syria như là nơi để chúng tôi kiểm tra khả năng làm việc cùng nhau. Chúng tôi cùng coi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác là mối đe dọa đối với cả hai quốc gia, chính vì thế chúng tôi đang nỗ lực để tiêu diệt khủng bố”.
Ông Tillerson còn nhận định rằng phía Mỹ cam kết giữ ổn định Syria thời hậu chiến, tuy nhiên, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không có bất cứ vai trò nào trong tương lai của quốc gia Trung Đông này. Một đòi hỏi khác của Mỹ là quân đội Iran cần phải rút khỏi lãnh thổ Syria.
Máy bay Su-24 của Nga tại Syria |
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm: “Cho tới nay, chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định khi cùng hợp tác dưới sự hỗ trợ của Jordan trong việc xây dựng các khu vực tránh leo thang căng thẳng ở Tây Nam Syria...Chúng tôi hy vọng rằng khu vực tránh leo thang đầu tiên này sẽ được duy trì với sự hỗ trợ của Nga và việc Moscow thực hiện các trách nhiệm của mình để chúng ta có thể tìm kiếm khả năng xây dựng thêm các vùng tránh leo thang như thế ở các khu vực khác, đặc biệt là ở phía Bắc Syria".
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Ukraine, ông Tillerson nhận định tình hình hiện nay đang trì trệ, nhưng Mỹ hy vọng sẽ có những tiến bộ nhất định. Theo ông, Mỹ đã gửi tín hiệu đến cho Nga: “Thoả thuận Minsk phải được thực hiện, nếu không Mỹ sẽ không xem xét lại bất cứ biện pháp trừng phạt nào dành cho Nga".
Ông Tillerson cho biết Mỹ đã bổ nhiệm một đại diện đặc biệt về Ukraine là cựu Đại diện thường trực của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Kurt Volker. Ông Kurt được đánh giá là một nhà ngoại giao có kinh nghiệm, am hiểu về vấn đề, am hiểu về Nga, am hiểu về các đối tác của Mỹ.
Tờ Độc lập cho rằng đây không phải là những tín hiệu tích cực duy nhất từ phía ông Tillerson, người được xem là một trong những nhân vật quan trọng trong quá trình tái thiết lập quan hệ Nga-Mỹ.
Tờ báo này cho rằng Ngoại trưởng Mỹ đang cố tình phớt lờ những yêu cầu của Quốc hội trong việc phân bổ thêm 80 triệu USD cho các Cơ quan tuyên truyền chống Nga vì lo ngại khiến Moscow tức giận.
Quốc hội Mỹ đã phân bổ số tiền này để hỗ trợ Trung tâm hợp tác toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao. Bộ phận này được thành lập năm 2016 để đối phó với mối đe dọa thông tin từ IS, tuy nhiên, sau đó hoạt động của họ lại nhằm vào Nga, Triều Tiên và Trung Quốc.
Mỹ thừa nhận tiến hành cuộc chiến thông tin chống Nga |
Cộng đồng chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng Mỹ đã tự trói tay mình. Chuyên gia Andrey Sushentov, Giám đốc chương trình thuộc câu lạc bộ cố vấn Valdai, tuyên bố: “Không thể tưởng tượng được Mỹ bây giờ có thể đề nghị Nga điều gì để đổi lấy sự hợp tác của Nga trong các vấn đề quan trọng đối với Mỹ. Tôi cho rằng ông Tillerson đã không trung thực khi nói rằng ông không ủng hộ dự thảo luật về trừng phạt: trên thực tế, dự thảo luật này đang hoạt động chống lại lợi ích của Mỹ, giới hạn sự tự do Mỹ về các vấn đề quốc tế".
Chuyên gia Nga cảnh báo sẽ không có một tiến bộ lớn nào trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột Ukraine, không có bất cứ biện pháp tích cực nào mà Mỹ có thể đề nghị các bên tham gia cuộc xung đột này. Và việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bây giờ không còn phụ thuộc vào Nhà Trắng nữa”.
Nga cảnh báo Mỹ về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine |
Để tăng thêm sức nặng cho những cảnh báo, ngày 3/8, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhận định Mỹ có thể và phải sử dụng ảnh hưởng của mình để buộc chính quyền Ukraine thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Phát biểu với báo giới khi được hỏi về thông điệp Điện Kremlin muốn truyền đạt tới Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, Kurt Volker, ông Peskov nhấn mạnh Mỹ không tham gia khuôn khổ "Bộ Tứ Normandy" (gồm Đức, Pháp, Ukraine và Nga), song Moscow cho rằng Washington "có thể và phải sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để hối thúc Ukraine thực hiện trách nhiệm chính trị trong các thỏa thuận Minsk”.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng với chính quyền tiền nhiệm của Mỹ, “các bên đã nhất trí thiết lập một kênh trao đổi thông tin với Mỹ để trao đổi thông tin trực tiếp về việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine”.
Theo Đất Việt