|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Theo Times of India, đánh giá những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, ông Tập nói: “Chúng ta không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức hay đảng chính trị nào chia tách dù chỉ một phần lãnh thổ của Trung Quốc, vào bất kỳ thời điểm nào hay bằng bất kỳ cách thức nào".
Ông Tập nói thêm: “Người Trung Quốc yêu hòa bình. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm cách gây hấn hoặc bành trướng, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ ngậm trái đắng làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh hoặc lợi ích phát triển”.
Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đưa ra hai ngày sau lễ diễu binh vào ngày 30.7. Khi đó, ông Tập nói trước 12.000 binh sĩ rằng, quân đội Trung Quốc có đủ tự tin và năng lực để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
Tuyên bố của ông Tập không trực tiếp nhắc đến Ấn Độ hay bất kỳ đối thủ nào, nhưng được truyền thông Ấn Độ đặc biệt chú ý. Tờ India Today đặt câu hỏi, “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi Ấn Độ là kẻ thù xâm lược?”
Binh sĩ Trung Quốc tại khu vực biên giới Trung-Ấn ở Sikkim. |
Báo Ấn Độ cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đang chịu nhiều sức ép và không có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biên giới. Ông Tập không muốn thể hiện sự mềm yếu trước Đại hội 19 sẽ diễn ra vào cuối năm nay, theo India Today.
Tại điểm nóng tranh chấp ở cao nguyên Doklam, 3.000 binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ canh gác tại các cứ điểm cách nhau 150 mét. Ấn Độ muốn cả hai bên rút quân đồng thời nhưng Trung Quốc dường như không muốn từ bỏ dự án xây đường sá ở biên giới.
Căng thẳng Trung-Ấn bắt nguồn từ tháng 6 khi Trung Quốc tố quân Ấn Độ vượt qua biên giới Trung Quốc-Bhutan. Ấn Độ nói Trung Quốc xây đường sá trái phép và binh sĩ được điều đến theo yêu cầu trợ giúp quân sự từ Bhutan.
Theo Dân Việt