Dư luận cũng cho rằng, việc đầu thú có thể sẽ là một trong những cơ sở để tháo gỡ một số nút thắt liên quan quá trình điều tra, cũng như liên quan đến bản chất vụ việc. Trước kia do đối tượng bỏ trốn, phải truy nã, nay đối tượng đã ra đầu thú sẽ thuận lợi hơn và sẽ đẩy nhanh được tiến độ điều tra xử lý...
Từ trước đến nay, chúng ta có quy định và đã thực hiện về công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là đối với tội phạm trốn đi nước ngoài. Tuy nhiên, sau vụ Trịnh Xuân Thanh, có thể nói cũng có những sơ hở nhất định trong công tác quản lý cán bộ. Đặc biệt nếu đã thấy có những dấu hiệu vi phạm như thế, đáng lẽ các cơ quan pháp luật phải quản lý đối tượng chặt chẽ hơn. Thế nhưng chúng ta lại chưa làm được việc này, cần phải rút kinh nghiệm.
Vụ việc này có liên quan đến nhiều người nên cơ quan điều tra cũng cần xem xét, làm rõ những hành vi của những người khác có liên quan. Làm sao cho đúng bản chất của vấn đề và từ việc này để xem xét các vụ việc liên quan, làm cơ sở để giải quyết các vụ việc khác như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu khi kết thúc phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong... Tổng Bí thư cũng nhắc lại, đã nói khi đi tiếp xúc cử tri: Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai đứng ngoài và không thể đứng ngoài được.
Đó là một sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tính tuyên ngôn rất đúng đắn. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, kiên trì của công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và chống các hành vi vi phạm pháp luật. “Củi tươi, củi khô” ở đây cũng có thể hiểu là kể cả những người đã rời bỏ nhiệm sở, đã về hưu, không còn chức nữa vẫn có thể xử lý, kể cả những người đang có quyền có chức cũng bị xử lý.
Theo Tiền Phong