Sửa chữa sao cho toàn diện
Bí thư Thành ủy TP.HCM vừa chỉ đạo thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án nhằm điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong thời gian tới.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV, ngày 31/7, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM cho biết: "Quan điểm của tôi, dù là phương án nào được đưa ra cũng phải có tầm nhìn dứt khoát, chứ không phải các phương án đều có tính lợi ích. Ở đây, rõ ràng phải công khai minh bạch tất cả các phương án thì mới làm được. Còn nhóm lợi ích muốn giữ cái này cái kia chắc chắn là thất bại, dù có 4 hay 10 phương án đi nữa. Thành ra, tôi cho rằng điểm quan trọng nhất là phải có tầm nhìn dài hạn, không có lợi ích nhóm".
Bên cạnh đó, theo ông Hòa, cũng như quan điểm chưa có tiền mà đòi xây sân bay Long Thành đó là quan điểm sai lầm, dù không có đủ lực làm sân bay Long Thành thì cũng phải làm sân bay Tân Sơn Nhất.
Cần tầm nhìn dài hạn với phương án mở rộng Tân Sơn Nhất |
Bây giờ, phải thực hiện đúng chiến lược vùng trọng điểm phía Nam phải có 2 sân bay quốc tế mới cất cánh được, cả nghĩa đen nghĩa bóng.
Còn về sân bay Tân Sơn Nhất, phương án sửa sân bay là phương án tối ưu, nhưng nên làm nhiều giai đoạn, lồng ghép các phương án vào với nhau. Mặt khác, đằng nào cũng phải sửa, nên phải sửa sao cho toàn diện, mỗi sân bay 70-80 triệu hành khách/năm, tạo ra vùng sân bay mạnh, các nước đầu tư thêm, tiềm lực lúc đó vô cùng mạnh.
"Như phương án thứ 2, năng cao năng lực điều hành hàng không. Vốn dĩ đây không phải phương án mà là việc phải làm, kể cả không mở rộng sân bay thì cũng phải làm. Nó chỉ là động lực nhất định chứ không biến từ không thành có, chỉ là một phần hỗ trợ, làm sao cho an toàn, không thể từ điều hành không lưu mà làm được tất cả mọi thứ.
Cho nên, phải mở rộng sân bay, phát triển toàn diện, cả 4 phương án đều cần thực hiện, nhưng tốt nhất là sửa chữa theo phương án 3,4, mở rộng về phía Bắc, xây dựng thêm nhà ga hành khách, nhà ga phía Nam, thậm chí đường hầm nối hai nhà ga hành khách, giống như các nước đang làm.
Về lâu dài phải có tầm nhìn, chỗ 36 Gò Vấp, phía quận Tân Bình phải được chuyển đi chuyển trong vòng 20-30 năm nữa, để 2 sân bay tồn tại song song.
Nhưng với thực tế hiện nay, còn lâu mới làm được sân bay Long Thành, nên cần làm song song, vẫn sửa chữa Tân Sơn Nhất, đồng hành vẫn đầu tư Long Thành nhưng lùi lại. Long Thành không phải chúng ta nghĩ ra mà Mỹ nghĩ ra cách đây 50 năm rồi, nhưng chúng ta chỉ thực thi", ông Hòa cho biết thêm.
Hãy công bằng
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cùng với sự gia tăng dân số, đặc biệt là dân số cơ học của TP.HCM, các cầu vượt xây dựng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng sớm bị quá tải. Các tuyến đường được mở rộng xung quanh cũng có nguy cơ rơi vào tình huống ấy.
Cho nên, đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận về tổ chức hệ thống giao thông trong đô thị.
Mạng đường hiện có và những tuyến đường đang cải tạo, mở thêm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chỉ là mạng đường đô thị, người dân không đi vào sân bay vẫn có thể đi qua đó.
Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, người ta xây dựng và tổ chức các tuyến đường chuyên dùng khác tới các khu vực quan trọng trong đô thị như sân bay quốc tế.
“Theo tôi TP.HCM nên sớm xây dựng đường chuyên dùng cho sân bay Tân Sơn Nhất. Nên chăng, làm thêm một hệ thống đường trên cao nối từ sân bay ra thẳng các đường vành đai để kết nối nhanh với các tỉnh xung quanh.
Vị trí nào trên các đường vành đai này phải được tính toán kỹ, để hành khách từ các địa phương khác hoặc các quận, huyện ven thàng phố có thể đi đến sân bay Tân Sơn Nhất một cách thuận lợi.
Cái quan trọng nhất là tầm nhìn chiến lược phải thống nhất, 2 sân bay kết nối với nhau, làm đường sắt đô thị nối với nhau, từng bước nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên, nhưng đừng vội vàng", ông Hòa nhận định.
Đồng thời, theo vị chuyên gia trên, đừng phát triển hàng không một cách quá nóng, một số doanh nghiệp mua vài chiếc máy bay về rồi tận dụng sân bay cũ là bay, đầu tư phải là chất lượng lâu dài.
Phải để hàng không phát triển cạnh tranh lành mạnh, tiết chế hãng hàng không giá rẻ, chất lượng kém.
"Phải mạnh mẽ, kiên quyết thu hồi sân golf, ở đây chính là nhóm lợi ích, vì sân golf cũng chỉ là của một chủ đầu tư. Tại sao khi thu hồi hàng mấy chục nghìn nhà dân, cán bộ có đắn đo hay không? Tiêu biểu dự án đưa dân ra khỏi khu vực xây dựng hầm Thủ Thiêm.
Nếu giữ sân golf thì có khác nào thương xót cho chủ đầu tư, mà không thương dân, hãy công bằng với dân thì mọi chuyện sẽ tốt hơn.
Chủ đầu tư nói rất đúng, không phải họ bỏ tiền ra làm sân golf là sai, vì họ đều xin giấy phép cả, nhưng lúc đó tầm nhìn quản lý quy hoạch còn kém, nhưng khi đã nhìn ra thì phải đối xử với Tân Sơn Nhất cho đàng hoàng.
Đừng nóng vội, tôi ủng hộ phương án mời các chuyên gia tư vấn quốc tế về sân bay sang giúp đỡ. Thực ra, về mặt hàng không, chúng ta chỉ mới bắt đầu làm sân bay, trong khi Mỹ có hàng trăm năm phát triển", ông Hòa cho biết thêm.
Theo Đất Việt