|
Thiếu úy Tạ An Hữu - người gợi ý gia đình bà Y. chi 60 triệu đồng để “giải cứu” người nhà - Ảnh cắt từ clip |
Theo thượng tá Lê Văn Hải, ban chỉ huy công an huyện đã họp khẩn ngày chiều 31-7, chỉ đạo đội chính trị hậu cần làm việc trực tiếp với lãnh đạo và các cá nhân sai phạm.
“Báo đăng tới đâu họ nhận tới đó, thậm chí còn quanh co nên tôi đang yêu cầu viết lại. Quan điểm của tôi là sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, sai đến đâu sẽ củng cố hồ sơ xử lý đến đó” - ông Hải nói.
Gợi ý chung chi 'giải cứu' người cai nghiện là sai hoàn toàn
Ông có thể nói rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của hai ông Tạ An Hữu và Nguyễn Hoàng Phúc?
Thông tin báo nêu là rất chính xác. Trong hai người thì ông Tạ An Hữu có hàm thiếu úy, phụ trách tổ phòng chống tội phạm và mới chuyển về công tác tại Công an xã Vĩnh Lộc B chưa được một năm. Còn ông Nguyễn Hoàng Phúc là công an viên (bán chính quy), thuộc sự quản lý của công an xã.
Ông đánh giá mức độ sai phạm của hai ông Tạ An Hữu và Nguyễn Hoàng Phúc như thế nào khi gợi ý người nhà chung chi từ 50-60 triệu đồng để “giải cứu” người?
Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở xã hội thuộc chức năng, phạm vi của tổ phòng chống tội phạm. Hiện tại tôi mới chỉ được báo cáo sơ bộ vụ việc và đang chờ xem các báo cáo cụ thể để có báo cáo về ban giám đốc Công an TP và UBND huyện. Việc lợi dụng nhiệm vụ được giao để gợi ý gia đình người bị bắt chung chi để “giải cứu” người là sai hoàn toàn rồi.
Thông tin PV nắm được đây không phải là lần đầu ông Tạ An Hữu ra giá “giải cứu” người từ cơ sở xã hội?
Đây là lần đầu tôi nghe thông tin này. Tuy nhiên, từ vụ việc này tôi sẽ chỉ đạo cho xem lại tất cả các hồ sơ mà trước đây có biểu hiện nghi vấn để xem các quyết định hủy (giải tỏa) đó có tiêu cực hay không để xử lý nghiêm.
Không nên quá ép buộc đưa người vào cơ sở cai nghiện
Gia đình người bị bắt cho rằng họ có sai sót khi chưa kịp làm đăng ký tạm trú. Tuy nhiên họ cũng khẳng định đã sinh sống ở khu vực này từ lâu và các cán bộ thụ lý biết rõ điều đó... Việc công an xã đưa con họ vào cơ sở một cách... nhanh chóng, sau đó gợi ý chung chi khiến họ bức xúc?
Thực tế, UBND TP cho phép đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định, không có hộ khẩu, địa chỉ cụ thể trên địa bàn về cơ sở cai nghiện cắt cơn, giải độc tâm lý trước trong thời hạn 15 ngày. Trong thời gian đó, cơ quan chức năng bắt đầu làm các thủ tục thẩm tra xác minh, nếu có gia đình bảo lãnh, địa phương xác nhận thì giải tỏa đưa họ về địa phương quản lý giáo dục.
Theo quy định, khi đưa người nghiện về xã trong thời gian 24 giờ phải hoàn chỉnh tất cả các thủ tục đó, hoặc đưa đi hoặc giải tỏa. Mặc dù về ý thức biết là gia đình này từng sống trên địa bàn nhưng bây giờ tiếp tục chuyển qua một nơi khác chưa rõ được nơi ở thì việc đưa vào cơ sở xã hội theo tôi là không sai.
Tuy vậy, đối với trường hợp này có thể địa phương đã xử lý hơi vội vàng và thiếu linh động. Các cán bộ nên khéo léo hỏi gia đình, sau đó xác minh thêm từ cảnh sát khu vực chứ không nên quá ép buộc đưa người vào cơ sở cai nghiện.
Công an sẽ có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào sắp tới?
Ngoài việc xác minh làm việc với người tố cáo để có kết luận đình chỉ hoặc tạm đình chỉ các cán bộ sai phạm cho xác đáng, chúng tôi sẽ tập trung việc củng cố tài liệu xử lý các sai phạm không chỉ ở xã Vĩnh Lộc B mà các trường hợp tương tự tại các xã khác (nếu có).
Bên cạnh đó cũng sẽ cho xem xét lại quy trình xử lý đối với trường hợp nêu trên để kịp thời có những biện pháp xử lý hợp tình, hợp lý.
Theo TTO