|
TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao. |
Thưa ông, sự việc Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - ra đầu thú sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt nào đang gặp phải trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án?
Có thể khẳng định rằng việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú đã mở ra những cánh cửa, khả năng rất lớn để làm rõ những vụ việc liên quan đến Thanh trong suốt thời gian vừa qua mà báo chí đã phản ánh và dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.
Chúng ta đã biết rằng, vào tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam” và khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh cùng rất nhiều đồng phạm khác liên quan đến việc lãnh đạo, điều hành gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Đến ngày 15/3/2017, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về hành vi “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Việc thứ ba sẽ làm rõ được khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, việc này cũng rất quan trọng, là tại sao Thanh điều hành PVC yếu kém mà lại được thăng quan tiến chức nhanh như vậy. Cụ thể, tháng 9/2013, khi Trịnh Xuân Thanh đang điều hành PVC, thua lỗ trầm trọng lại được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng.
Sau đó ít lâu, Thanh tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương và đến tháng 5/2015, Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Đến ngày 22/5/2016 thì trúng cử Đại biểu Quốc hội tại một đơn vị bầu cử ở tỉnh Hậu Giang.
Đó là một quá trình thăng tiến thần tốc và có thể coi sự việc của Trịnh Xuân Thanh là yếu kém trong công tác quy hoạch cán bộ. Việc xây dựng quy hoạch cán bộ đã được quy định rất cụ thể và được tiến hành theo trình tự chặt chẽ, thận trọng, kỹ lưỡng nhưng tại sao lại để xảy ra chuyện này? Thiết nghĩ những cơ quan, cá nhân cụ thể nào phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Thanh cần phải được các cơ chức năng làm rõ và theo tôi cũng phải được xử lý nghiêm minh.
Tôi hy vọng rằng Trịnh Xuân Thanh sẽ phải có trách nhiệm khai báo thành khẩn trước cơ quan điều tra Bộ Công an tất cả những việc đó.
Qua sự việc này tôi thấy cũng cần phải cảm ơn báo chí rất nhiều. Trong buổi đồng chí Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri mới đây, tôi rất may mắn được dự và phát biểu rằng: Quốc hội cần phát huy hơn nữa sự giám sát của nhân dân, các cơ quan báo chí. Đây là kênh thông tin rất quan trọng giúp Quốc hội phát hiện và ngăn ngừa vi phạm. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào phát huy tốt sự tham gia giám sát của nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng thì nơi đó sẽ làm tốt công tác tuyên truyền và chấp hành pháp luật.
Ví dụ, chỉ từ việc người dân phát hiện và báo đài vạch ra “cái biển xanh” của Trịnh Xuân Thanh và dưới sự chỉ đạo kiên quyết của đồng chí Tổng Bí thư, đã phát hiện cả một loạt cán bộ từ cấp Bộ đến cấp tỉnh có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Nếu người dân, báo chí không lên tiếng, đồng chí Tổng Bí thư không kiên quyết chỉ đạo thì rất có thể vụ việc này sẽ “chìm xuồng”.
|
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trao quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương. |
Dư luận cho rằng nếu không có "ô dù" đủ mạnh thì Trịnh Xuân Thanh khó có thể làm được những việc như vậy?. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi cơ quan điều tra làm rõ trong thời gian tới?
Dư luận có quyền đặt ra những câu hỏi như vậy và trách nhiệm của cơ quan chức năng phải điều tra phải làm rõ vấn đề: Tại sao Trịnh Xuân Thanh làm ăn thua lỗ, đã được phát hiện rồi nhưng vẫn thăng tiến thần tốc như vậy?. Những ai đã nâng đỡ, che chắn cho Thanh?.
Tôi cho rằng nếu Trịnh Xuân Thanh khai báo thành khẩn những vấn đề trên này thì đây là căn cứ được cơ quan pháp luật nghiên cứu, xem xét khi quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú như vậy có được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Pháp luật hiện hành quy định để được giảm án có mấy điều kiện như tự thú, khai báo thành khẩn, chủ động khắc phục hậu quả,... Tuy nhiên tôi đọc thông tin trên báo mới đây thấy nói Trịnh Xuân Thanh đã chủ động tẩu tán rất nhiều tài sản trước khi bị khởi tố.
Chính vì thế, để đạt được điều kiện xem xét giảm nhẹ, Trịnh Xuân Thanh phải khai báo thành khẩn, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm và phải tích cực khắc phục hậu quả.
Thanh là một nhân vật được dư luận quan tâm “đặc biệt”, vụ việc của Thanh đang được điều tra nên lúc này đặt vấn đề xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hinh sự, giảm án là quá sớm.
Như trên đã nói, nếu Thanh muốn được xem xét giảm nhẹ thì không có cách nào khác là phải khai báo thành khẩn, giúp cơ quan điều tra làm rõ được trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc nghiêm trọng này và chủ động khắc phục hậu quả.
Việc tại sao Trịnh Xuân Thanh có thể bỏ trốn ra nước ngoài ngay trước thời điểm bị khởi tố cũng là vấn đề cần được làm rõ thời gian tới, thưa ông?
Hiện nay luật quy định mọi công dân có quyền xuất nhập cảnh nếu không bị hạn chế gì. Nếu khi chạy trốn Trịnh Xuân Thanh chưa bị hạn chế, chưa bị khởi tố, cấm xuất cảnh thì Thanh vẫn có quyền xuất cảnh bình thường.
Còn nếu đã có thông báo của cơ quan chức năng về việc cấm xuất cảnh rồi mà Trịnh Xuân Thanh vẫn trốn ra nước ngoài được thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên tôi cho rằng đây cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm, thiết nghĩ trong thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Trí