|
Ông Nguyễn An Ninh dù có số nhà mới nhưng vẫn phải dùng số cũ vì chưa đổi được trên giấy tờ |
Tương tự như hẻm 1806 đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè (TP.HCM) hẻm 36 đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân có số nhà dài dằng dặc hơn số điện thoại khiến người dân không thể nào nhớ nổi số nhà của mình.
Đi cùng đó là rất nhiều phiền toái như không gọi được taxi, cấp cứu, không mời được người quen đến nhà.
Từ tháng 3.2016, UBND phường đã lập hồ sơ đổi số nhà mới cho một số hộ dân trong hẻm. Thế nhưng, từ khi cấp số nhà mới, việc dễ tìm kiếm nhà hơn chưa thấy đâu mà chỉ thấy bao nhiêu phiền toái mới xuất hiện.
Lao đao vì số nhà
Ông Nguyễn An Ninh (53 tuổi) số nhà 36/45/32/49/13/48 đường Bùi Tư Toàn cho biết bao năm qua, không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ dân tại đây rất ngán ngẩm vì số nhà dài.
Dù thành thạo sử dụng internet thế nhưng chưa bao giờ ông Ninh gọi được xe taxi, grab hay giao hàng online vì số nhà quá dài. “Mỗi lần đọc số nhà cho bạn bè hay khách hàng là họ cũng kêu trời, nói thôi dài quá tới đầu hẻm rồi chạy ra đón chứ họ nhớ không nổi. Mà thiệt, nhà tôi nhưng tôi còn không nhớ huống gì họ mới nghe qua một lần”, ông Ninh thở dài.
Khi chưa đổi số nhà, ông Phan Văn Lực phải ghi số nhà của mình trong túi áo để lấy ra xem khi cần |
Ông Phan Văn Lực (78 tuổi), số nhà 36/45/32/97/7A cũng chia sẻ rằng ông không thể nào nhớ nổi số nhà của mình, đi đâu ông cũng phải để mẩu giấy ghi số nhà trong túi áo để khi nào cần thì lấy ra xem.
Anh Trần Thái Hòa (30 tuổi), số nhà 36/45/32/97/9 cũng kể lại một kỷ niệm đáng nhớ của mình liên quan tới số nhà.
"Để số cũ thì nhiều xuyệt, số mới ít xuyệt hơn thì lại gặp rắc rối với tên đường 2D, bởi xung quanh còn nhiều đường nhánh nhỏ như: 2C, 2A, 2F, 3C, 1A, 3B,… đã vậy lại còn 2D nối dài. Các đường này sắp xếp lộn xộn, làm sao mà tìm được. Sao tên đường không phải là tên một ai đó?" Anh Trần Thái Hòa |
Năm 2015, ba mẹ ở quê vô chơi, anh gọi taxi để đưa ba mẹ đi vào trung tâm. Sau khi nghe anh đọc số nhà, nhân viên tổng đài đã lặp đi lặp lại rất nhiều để nhớ và nhắn cho tài xế. Vậy nhưng hơn 1 giờ sau vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc taxi nào, dù con hẻm trước nhà anh rộng tới 6m.
Rắc rối theo sau đổi số nhà
Khi người dân phản ánh quá nhiều, UBND phường An Lạc đã đề xuất UBND quận Bình Tân đổi số nhà cho tất cả hộ dân ở đây vào tháng 3.2016.
Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi trong cùng hẻm 36 nhưng nhà đã có số mới, nhà vẫn dùng số cũ. Khoảng một nửa số hộ trong hẻm vẫn đang phải dùng số cũ vì chưa biết số nhà mới của mình. Số mới, số cũ, xuyệt ngắn, xuyệt dài đan xen lẫn lộn khiến việc tìm địa chỉ khó khăn hơn gấp bội.
Số nhà mới của anh Trần Thái Hòa là 2/17 đường số 2D nối dài.
Anh nói: “Để số cũ thì nhiều xuyệt, số mới ít xuyệt hơn thì lại gặp rắc rối với tên đường 2D, bởi xung quanh còn nhiều đường nhánh nhỏ như: 2C, 2A, 2F, 3C, 1A, 3B,… đã vậy lại còn 2D nối dài. Các đường này sắp xếp lộn xộn, làm sao mà tìm được. Sao tên đường không phải là tên một ai đó?”.
Tương tự, ông Nguyễn An Ninh cho biết mặc dù được UBND phường cho biết số nhà mới nhưng ông chưa nhận được quyết định đổi số nhà vì tờ quyết định cấp số nhà ban đầu của ông đã bị thất lạc.
Hẻm Bùi Tư Toàn có nhiều nhánh nhỏ nên xuyệt cũng siêu nhiều |
Chính vì vậy, trên tất cả các giấy tờ như CMND hay sổ hộ khẩu ông Ninh vẫn đang để số nhà cũ. “Tôi thấy rất lằng nhằng, nhà tôi là mua lại của người ta thì giờ tìm đâu cho ra tờ quyết định cấp số nhà ban đầu. Không được đổi nhưng cả xóm đổi số mà giờ tôi để số cũ cũng kỳ, vậy nên tôi treo cả hai tấm bảng, vừa số cũ vừa số mới”, ông Ninh cho hay.
Có nhà vẫn chưa được đổi số mới vì không thể tìm ra được tờ quyết định cấp số nhà ban đầu |
Có thể thấy, số nhà dài dằng dặc hơn số điện thoại mang lại rất nhiều phiền toái cho người dân. Được đổi số nhà mới, tưởng rằng mọi việc sẽ thuận lợi hơn, ai dè vẫn kéo theo vô vàn rắc rối mang tên “thủ tục”.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi để tất cả hộ dân ở đây được đổi số nhà để số nhà được thống nhất đồng bộ, không còn tình trạng đan xen số mới, số cũ. Ngoài ra, với những hộ được đổi số nhà mới, việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ liên quan cũng cần được giải quyết nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định cuộc sống.
Trao đổi cùng PV, ông Huỳnh Trần Thanh Trúc, cán bộ địa chính phụ trách cấp số nhà UBND phường An Lạc cho biết do đường Bùi Tư Toàn kết nối với nhiều đường xung quanh và có nhiều đường nhánh nên có nhiều xuyệt.
Hiện nay, UBND phường đã làm hồ sơ cấp đổi số nhà chuyển UBND quận để đổi cho một số hộ dân. Một số hộ còn lại thì phường vẫn đang tiếp tục giải quyết. Nhanh chóng hơn, người dân có thể trực tiếp mang quyết định cấp số nhà cũ lên UBND phường gặp cán bộ địa chính để được hướng dẫn.
Cũng theo ông Trúc, trong quá trình cấp số nhà mới, một số hộ làm mất hoặc thất lạc quyết định cấp số nhà cũ nên chưa được giải quyết vì người dân chưa đến công an làm giấy báo mất và xin xác nhận.
Quy trình cấp đổi số nhà là 5 ngày ở phường và thêm 10 ngày ở quận. Sau khi có quyết định cấp số nhà mới, người dân có thể nhờ phường chuyển thẳng lên công an quận để thay đổi địa chỉ trong sổ hộ khẩu hoặc tự đi làm.
|
Theo Thanh Niên