Kiềm chế Triều Tiên: Washington mắc lỡm Bắc Kinh

Thứ hai, 31/07/2017, 15:33
Việc trừng phạt quân sự Triều Tiên vào lúc này là không thể vì quá nguy hiểm với Mỹ và đồng minh trước tiến bộ kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên...

Việc Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 vào ngày 28/7 - vụ thử nghiệm diễn ra chỉ 3 tuần sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử nghiệm tương tự vào ngày 4/7 - khiến Mỹ vô cùng quan ngại.

Tên lửa phóng thử lần này được cho là có thành tích tốt nhất từ trước đến nay khi nó đã vươn tới độ cao 3.724km, bay xa 998km trong thời gian 47 phút 12 giây, đồng thời trải qua giai đoạn tái trở lại khí quyển. Bình Nhưỡng cho rằng toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Rõ ràng kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên đã có bước phát triển vuợt trội, ngoài dự đoán của các chuyên gia. Với vụ phóng thử tên lửa mới nhất này, Bình Nhưỡng đã đưa Washington vào thế bất lợi, mà tác nhân gây nên điều đó chính là Bắc Kinh.

Việc Bình Nhưỡng phóng thành công ICBM khiến Mỹ không thể tấn công quân sự Triều Tiên

Chính Tổng thống Donald Trump đã lên án mạnh mẽ Trung Quốc vì  không có bất kỳ hành động đáng kể nào với Triều Tiên, khiến cho Bình Nhưỡng tiến xa và tiến nhanh hơn trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.

“Tôi rất thất vọng với Trung Quốc. Những lãnh đạo ngốc nghếch của chúng ta trước kia đã cho họ có lợi hàng trăm tỉ USD trong thương mại. Nhưng họ không làm bất kỳ điều gì cho chúng ta về vấn đề Triều Tiên, tất cả chỉ là nói miệng. Tôi sẽ không để điều này tiếp tục diễn ra”.

Theo thông cáo từ quân đội Mỹ, 2 máy bay ném bom B-1B của nước này vừa được triển khai đến Hàn Quốc như một động thái biểu dương sức mạnh trước Triều Tiên. Tuy nhiên vấn đề dường như đã muộn với Washington!

Bắc Kinh lừa Washington bằng việc gia tăng độ cách ly với Bình Nhưỡng mỗi khi Kim Jong-un đưa Triều Tiên đối mặt với nguy hiểm

“Hiện tại chúng tôi không có bất kỳ liên hệ hoặc quan hệ quân sự với Triều Tiên. Trong quá khứ chúng tôi đã làm điều đó, chúng tôi đã có rất nhiều liên lạc và trao đổi. Điều này phản ánh một sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng tôi vì những lý do mà mọi người đều đã biết”.

Đó là lời đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo Channel News Asia đăng tải ngày 9/7, khi được hỏi về mối quan hệ giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với quân đội Triều Tiên.

Nhà quân sự Trung Quốc nhấn mạnh: “Triều Tiên và Trung Quốc là những nước láng giềng của nhau và chúng tôi đã cùng chiến đấu trong cuộc chiến tranh Triều Tiên diễn ra cách đây đã lâu. Nhưng Trung Quốc hiện đang thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của LHQ và chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này”.

Bình luận của ông Zhou Bo được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng phóng thử thành công tên lửa một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 4/7, khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên gia tăng thêm căng thẳng, làm tăng nguy cơ Mỹ trừng phạt quân sự Triều Tiên.

Trong bối như vậy, việc Bắc Kinh tuyên bố chấm dứt liên lạc quân sự với chính quyền Triều Tiên được nhận diện như việc mở đường cho một hành động quân sự của Washington đối với Bình Nhưỡng. Song thực ra đó chỉ là động tác giả.

Washington đã bị Bắc Kinh đánh lừa, khiến Kim Jong-un đủ thời gian cho việc nâng cao trình độ kỹ thuật tên lửa cho Triều Tiên

Bởi lẽ, gần đây sau mỗi vụ thử tên lửa của Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế chỉ trích hay trước những hành động của Kim Jong-un khiến Triều Tiên gặp nguy hiểm, Trung Quốc lại có những động thái trừng phạt đồng minh mang tính cứng rắn, thậm chí chế tài còn nặng hơn cả biện pháp trừng phạt của LHQ.

Phản ứng với việc chỉ trong vòng hai tuần, từ ngày 24/8 đến ngày 9/9/2016, Triều Tiên thực hiện 5 lần liên tiếp các vụ phóng thử tên lửa, tại Hội nghị G-20 Hàng Châu 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ngày 26/2 Bắc Kinh đã có những quyết định đánh mạnh vào hoạt động kinh tế của Triều Tiên, khi cấm nhập khẩu than đá của nước này, trong khi than đá được xem là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Triều Tiên.

Ngày 14/4, khi nguy cơ một cuộc tấn công quân sự đối với Triều Tiên có thể diễn ra trong Ngày Thái Dương tại xứ Bắc Hàn, Bắc Kinh đã quyết định cho hãng hàng không Air China tạm ngừng các chuyến bay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Khi Bình Nhưỡng phóng thử thành công tên lửa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khiến gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự Mỹ - Triều, Bắc Kinh lại thực hiện  biện pháp cách ly mới với Bình Nhưỡng, như để cho Washington muốn làm gì thì làm.

Vậy nhưng trước việc Bình Nhưỡng phóng thử thành công ICBM lần thứ 2, ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đưa ra thông cáo khuyến khích các bên hành động cẩn trọng, ngăn cản căng thẳng tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Theo giới phân tích, có lẽ Bắc Kinh sẽ không thực hiện thêm biện pháp mạnh với Bình Nhưỡng nữa. Điều đó một phần bởi Washington đã nhận ra mình bị mắc lỡm, một phần là việc ngăn chặn hành động của Washington không cần thiết nữa.

Bắc Kinh đã ngăn chặn thành công việc Washington có hành động quân sự với Triều Tiên

Từng nghĩ rằng Tập Cận Bình giật mình khi Tomahawk Mỹ bay vào Syria ngay trong yến tiệc, song thực ra Trump ngày càng giật mình trước những nước đi của đối thủ

Giới phân tích luôn cho rằng, Trung Quốc và Triều Tiên có thể giảm tầm trong quan hệ, thậm chí không còn là đối tác kinh tế của nhau, song thực tế lại khác.

Khi Bình Nhưỡng thể hiện sự bất tuân, Bắc Kinh chỉ trích, ủng hộ cấm vận của LHQ và chủ động trừng phạt kinh tế Triều Tiên. Song tất cả những hành động đó chỉ là chiến thuật của Bắc Kinh nhằm khiến Washington phải thay đổi chiến lược.

Việc Air China dừng các chuyến bay tới Triều Tiên trong bối cảnh đang gia tăng căng thẳng Mỹ - Triều, đã khiến Washington không còn xem"cho Tomahawk bay vào Triều Tiên" là cần thiết nữa.

Bởi thực ra, trong cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng chỉ là mục tiêu Washington hướng tới, còn Bắc Kinh mới là mục đích chiến lược của Mỹ tại khu vực này. Do vậy, khi Bắc Kinh có dấu hiệu bỏ mặc Bình Nhưỡng khiến cho Washington chẳng khác nào "bất chiến tự nhiên thành".

Đó được cho là nguyên nhân chính khiến Lầu Năm Góc điều tàu sân bay USS Carl Vinson rời khỏi vùng biển Đông Bắc Á chuyển qua hoạt động tại khu vực khác, chứ không phải sự nguy hiểm từ bán đảo Triều Tiền đã giảm xuống.

Khi Bình Nhưỡng thử thành công ICBM lần thứ nhất, nguy cơ cho hành động quân sự của Washington gia tăng, Bắc Kinh thực hiện một bước cách ly đặc biệt nhất từ trước đến nay - ngưng tiếp xúc quân sự với Bình Nhưỡng. Điều đó lại khiến cho Washington yên tâm hơn với những gì đang diễn ra trong quan hệ Trung - Triều.

USS Carl Vinson đã rời Đông Bắc Á sau khi không gửi được bất cứ thông điệp nào tới Bình Nhưỡng

Bắc Kinh đã bắt mạch quá chính xác đối với Washington, mà theo giới phân tích đó là nhờ món quà mà Trump tặng Tập Cận Bình qua chính sách “ngoại giao tên lửa hành trình” khi cho “Tomahawk Mỹ bay vào Syria” để chào mừng quốc khách - Bắc Kinh có thể đổi trao với Washington mọi thứ mà họ thấy và đối phương muốn.

Nay Bình Nhưỡng thử thành công ICBM lần thứ hai thì mọi việc đã trở nên hoàn toàn bất lợi với Washington. Việc trừng phạt Triều Tiên bằng hành động quân sự vào lúc này là không thể, vì điều đó quá nguy hiểm với Mỹ và đồng minh của Mỹ trước tiến bộ kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên.

Việc trả đũa kinh tế Trung Quốc lại càng không thể khi 2 quý liên tiếp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo, trong đó cơ cấu trong GDP của Trung Quốc đã thay đổi khiến cho những đòn trừng phạt của Trump tung ra đều khiến Mỹ lãnh hậu quả trước. Đó cũng là nguyên nhân khiến đàm phán thương mại Mỹ - Trung thất bại.

Khi được chất vấn rằng Trung Quốc theo đuổi lợi ích riêng của mình trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Zhou Bo cho rằng vấn đề đó có nguyên nhân từ việc lắp đặt hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.

Như vậy, Bắc Kinh không bỏ qua những gì mà Washington đã thực hiện tại các quốc gia đồng minh, gây bất lợi cho Trung Quốc. Chỉ có điều Washington đã không nhận ra những nước đi của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên chỉ là động tác giả để bây giờ thì mọi việc đã trở nên muộn màng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn