Pháp chặn Trung Quốc đánh cắp công nghệ tàu sân bay

Thứ hai, 31/07/2017, 10:06
Pháp nhanh chóng quốc hữu hóa một công ty đóng tàu để ngăn các bí mật công nghệ, trong đó có tàu sân bay, rơi vào tay Trung Quốc.

Chặn đứng tham vọng của Trung Quốc

Chính phủ Pháp quyết định quốc hữu hóa công ty đóng tàu STX France kể từ ngày 28/7. Nếu không nhanh chóng, toàn bộ công xưởng ở Saint-Nazaire sẽ rơi vào tay tập đoàn nhà nước Italy Fincantieri.

Quyết định can thiệp này đã được Tổng thống Macron bật đèn xanh và được dư luận Pháp ủng hộ. Nguyên nhân chính là yếu tố Trung Quốc và người Pháp sợ bị đánh cắp bí mật công nghệ quân sự.

Câu hỏi là vì sao lại có yếu tố Trung Quốc? Vì sao Pháp lại nuốt lời hứa trước đây của Tổng thống Holland để cho Italy hai phần ba số cổ phần?

Một du thuyền khổng lồ được STX France đóng

Thay đổi quan trọng trong thời gian qua là tập đoàn Fincantieri đã ký thỏa thuận hợp tác với một công ty đóng tàu của Trung Quốc. Chính vì thế, Pháp không muốn những kỹ năng của Pháp bị chuyển về Thượng Hải.

Tờ Le Figaro giải thích rõ rằng nguyên nhân ở đây là nhằm bảo vệ bí mật quân sự, quản lý cạnh trạnh và chặn “con ngựa thành Troy” của Trung Quốc đánh cắp công nghệ của phương Tây.

Theo Le Figaro, các công xưởng đóng tàu của Pháp không chỉ sản xuất du thuyền xuất khẩu như phần đông dân chúng lầm tưởng. Tập đoàn STX France ở Saint-Nazaire là công xưởng duy nhất của Pháp có khả năng đóng tàu sân bay, tàu chiến đa năng.

Đây được coi là một “bảo vật” của hải quân Pháp trong bối cảnh lực lượng này đang muốn có thêm một chiếc tàu sân bay khác.

Tàu sân bay Charle De Gaulle của Pháp

Tập đoàn Fincantieri có thể là nơi ký gửi “con ngựa thành Troy” của giới doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc vốn luôn tìm cách thu thập công nghệ đóng tàu biển của thế giới đem về làm của riêng.

Năm 2016, tập đoàn Fincantieri ký với hai đối tác Trung Quốc, trong đó có tổ hợp quốc doanh CSSC ở Thượng Hải để đóng du thuyền theo mẫu Vista của Italy.

Vượt mặt Nga

Theo một đánh giá mới đây của giới chuyên gia Australia, trong ngành công nghiệp đóng tàu hải quân toàn cầu, dường như Trung Quốc đang là nước dẫn đầu.

Theo ấn phẩm đặc biệt về quốc phòng của tờ The Australian, hải quân Nga và Trung Quốc đang nỗ lực theo cách riêng của mình để tăng quy mô lực lượng. Cả 2 nước đều có công nghệ quân sự tiên tiến và đang nỗ lực đóng mới tàu chiến.

Tuy nhiên, nếu so sánh về mặt kinh tế thì Trung Quốc vượt xa nỗ lực xây dựng hải quân của Nga. Ngân sách của Nga gặp khó khăn do các biện pháp trừng phạt kinh tế và giá dầu thấp.

Tàu chiến của Nga diễu binh trên sông Neva nhân ngày Hải quân Nga 30/7

Hơn 2/3 trong số 108 tàu chiến mặt nước của Nga được trang bị từ thời Chiến tranh Lạnh. Kể từ năm 2000, hải quân Nga được trang bị 21 tàu chiến mặt nước mới, trong đó có 17 tàu hộ tống nhỏ.

Tàu hộ tống của Nga có xu hướng được trang bị vũ khí phù hợp với kích cỡ và được bố trí hoạt động ở biển Baltic và Caspi. Tuy nhiên, nếu coi đây là thước đo để đánh giá khả năng công nghiệp thì tàu hộ tống nhỏ là không phù hợp.

Nga đã đóng 4 tàu khu trục mới cỡ trung bình kể từ năm 2009, chiếc thứ 5 hoàn tất trong năm nay. Đây là những chiếc khu trục lớn nhất của hải quân Nga được trang bị kể từ năm 1999 khi tàu khu trục lớp Udaloy cuối cùng được trang bị.

Nga có thể đóng mới nhiều tàu khu trục hơn song động cơ lại được sản xuất tại Ukraine. Kiev đã ngừng xuất khẩu đơn đặt hàng trong năm 2014 do cuộc khủng hoảng Crimea, chính điều này đã làm trì hoãn các kế hoạch của Moscow từ 2-3 năm qua.

Trong tương lai, nhiều khả năng Nga sẽ thúc đẩy các kế hoạch thay thế tàu chiến cỡ lớn hơn, tiếp tục nâng cấp tàu khu trục từ thời Chiến tranh Lạnh và tàu tuần dương với khả năng hiện đại.

Việc đóng tàu ngầm của Nga cũng còn chưa rõ ràng. Các dự án hiện đại cho cả 2 loại tàu ngầm tấn công dùng năng lượng hạt nhân (SSN) và dùng điện-diesel (SSK) đều giảm đáng kể. Tuy nhiên, các dự án hiện đại hóa tàu SSK lớp Kilo từ những năm 1980 là phần bổ sung hiệu quả và tàu lớp Kilo là sản phẩm xuất khẩu thành công nhất của Nga.

Tổng thống Nga V. Putin trong lễ kỷ niệm ngày Hải quân Nga 30/7

Chiếc SSN lớp Yasen thứ 2 sẽ hoàn tất vào năm tới cho dù thiết kế được điều chỉnh khiến cho chiếc tàu ngầm này có giá thành đắt gấp đôi chiếc đầu tiên cùng loại. Nga chắc chắn vẫn là một trong số ít nước có khả năng đóng tàu SSN trong một vài thập kỷ tới.

Trong khi đó, những tàu lớn cũ ngày càng lỗi thời và Nga đang phải nâng cấp, sửa chữa và hiện đại hóa những tàu chiến cũ để duy trì năng lực hải quân. Theo giới phân tích phương Tây, ngành công nghiệp hải quân của Nga nay chỉ là cái bóng so với ngành này của Liên Xô trước đây.

Trong lĩnh vực đóng tàu hải quân, Trung Quốc lại hoàn toàn khác với Nga. Nhờ có được lợi thế từ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và coi trọng vai trò ngày càng gia tăng của an ninh hàng hải, Trung Quốc đã đóng mới hàng chục tàu chiến lớn, nhỏ khác nhau.

Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ cho hải quân

Những năm gần đây, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc hoạt động không ngừng, duy trì ổn định đóng tàu chiến mặt nước cho hải quân.

Hải quân Trung Quốc được trang bị 15 tàu khu trục có lên lửa dẫn đường Type 052 với nhiều biến thể khác nhau kể từ năm 1994. Khoảng một nửa số này đã đi vào hoạt động kể từ năm 2014 và 8 chiếc khác sẽ được đưa vào hoạt động năm 2020.

Hải quân Trung Quốc cũng được trang bị khoảng 25 chiếc tàu khu trục cỡ trung bình Type 054 kể từ năm 2005, trung bình khoảng 2 chiếc/năm, và 33 chiếc tàu hộ tống nhỏ Type 056 kể từ năm 2013.

Mặc dù nhịp độ xây dựng của hải quân Trung Quốc chậm nhưng liên tục. Những chiếc tàu ra đời sau có khả năng tốt hơn những chiếc trước. Không giống như Nga, Trung Quốc đang trong giai đoạn đóng tàu hải quân mạnh mẽ nhất của mình.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích