Triều Tiên khiến Mỹ rơi mặt nạ?

Thứ bảy, 29/07/2017, 18:41
Triều Tiên đã chứng kiến Mỹ can thiệp quân sự trên khắp thế giới, sử dụng sức mạnh để thay đổi chế độ ở Grenada, Panama, Haiti, Afghanistan, Iraq và Libya.

Ai đe dọa ai?

Triều Tiên đêm qua, 28/7, đã bất ngờ tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng.

Động thái này của Triều Tiên chắc chắn tạo ra làn sóng "phẫn nộ" mới từ phía Mỹ và kèm theo là những lời bóng gió về gia tăng sức ép, thậm chí đe dọa chiến tranh.

Lâu nay, luận điểm được Washington đưa ra rằng chương trình hạt nhân tên lửa của Triều Tiên đe dọa an ninh nước Mỹ có lẽ đã không còn xa lạ. Nhưng ngay cả những người ít quan tâm nhất cũng có thể biết được nước nào mới thực sự có khả năng tạo ra mối đe dọa đối với một nước khác.

Đêm 28/7, Triều Tiên bất ngờ tiến hành vụ phóng thử tên lửa thứ 11 trong năm 2017.

Trang The National Interest của Mỹ vừa có bài phân tích cho thấy giữa Mỹ và Triều Tiên ai mới thực sự là mối đe dọa.

Trang này mỉa mai rằng, nếu lắng nghe những lời phát biểu của Chính quyền Mỹ hiện nay, mọi người sẽ cho rằng Mỹ là một quốc gia nhỏ bé, không thể phòng vệ và đang bị đe dọa bởi một loạt cường quốc thù địch. Cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia mới nhất của Mỹ liên quan đến “đế chế khổng lồ” Triều Tiên.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Daniel Coats đã tuyên bố trên kênh NBC rằng Triều Tiên đã “trở thành mối đe dọa tiềm tàng tới sự sinh tồn của nước Mỹ”. The National Interest bình luận phát biểu này như thể các sư đoàn vũ trang, các tàu sân bay, máy bay và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng đang bao vây nước Mỹ.

Năm 2016, Mỹ có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 19 nghìn tỷ USD, gấp 650 lần GDP của Triều Tiên. Nền kinh tế của Triều Tiên chỉ tương đương với quy mô nền kinh tế của thành phố Portland, bang Maine; thành phố Anchorage, bang Alaska, thành phố El Paso, bang Texas; hay thành phố Lexington, bang Kentucky.

Dân số Mỹ cũng lớn gấp 13 lần dân số Triều Tiên. Quân đội Mỹ cũng vượt trội hơn lực lượng vũ trang của Triều Tiên với mức chi tiêu quân sự lớn hơn 100 lần.

Cụm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ ra uy ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Câu hỏi tu từ được The National Interest đặt ra là ai mới là mối đe dọa tới sự sinh tồn của ai?

Theo tờ báo này, Mỹ đã can thiệp để bảo vệ Hàn Quốc sau cuộc tấn công của Triều Tiên năm 1950 và lẽ ra đã giải phóng toàn bộ bán đảo nếu Trung Quốc không can thiệp. Tướng Douglas MacArthur khi đó đã ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân - lời đe dọa mà chính quyền Eisenhower cũng sử dụng để thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn.

Mỹ đã thúc đẩy hiệp ước quốc phòng chung với Hàn Quốc. Trong những năm tiếp theo, Chính phủ Mỹ đã duy trì binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc và các đơn vị bổ sung gần đó, như tại Okinawa.

Mỹ đặt các vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thường xuyên tổ chức tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, điều động lực lượng hải quân, bao gồm các tàu sân bay, tới ngoài khơi bờ biển Triều Tiên và triển khai các máy bay ném bom chiến lược bay qua Triều Tiên.

Mỹ cũng khẳng định rằng “tất cả các lựa chọn đang được tính đến”, điều đồng nghĩa với hoạt động quân sự.

Binh sĩ Mỹ cùng Hàn Quốc và Nhật Bản thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn mà Triều Tiên cho là chuẩn bị để xâm lược.

Nguy cơ từ Mỹ đối với Triều Tiên đã trở nên trầm trọng hơn sau khi Chiến trạnh Lạnh kết thúc, khi trước tiên là Nga và sau đó là Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.

Mặc dù Trung Quốc hiện nay hậu thuẫn Triều Tiên về mặt kinh tế, nhưng The National Interest cho rằng Bắc Kinh sẽ không giúp đỡ Triều Tiên trong cuộc chiến với Mỹ.

Vì thế, Triều Tiên thực sự đơn độc khi phải chống lại Hàn Quốc với nhiều nguồn lực hơn, được sự hậu thuẫn của siêu cường duy nhất trên thế giới.

Việc Washington chỉ đơn thuần bảo vệ các đồng minh đã là điều đủ nghiêm trọng. Tuy nhiên, Triều Tiên đã chứng kiến Mỹ can thiệp quân sự “vô tội vạ” trên khắp thế giới. Các chính quyền ở Mỹ đã sử dụng lực lượng vũ trang để thúc đẩy sự thay đổi chế độ ở Grenada, Panama, Haiti, Afghanistan, Iraq và Libya.

Tờ báo Mỹ thừa nhận rằng Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là để bảo vệ họ trước các “mối đe dọa” đó. Vũ khí hạt nhân cũng để nhằm các mục đích khác như thúc đẩy vị thế của Bình Nhưỡng trên trường quốc tế, củng cố sự trung thành của quân đội với chế độ và mở ra các cơ hội khác. Tuy nhiên, các tên lửa tầm xa chỉ có một mục đích duy nhất: ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ chống lại Triều Tiên.

Chim sợ cành cong

Bình Nhưỡng chưa bao giờ thể hiện sự quan tâm đến việc đe dọa “thế giới”. Triều Tiên chưa bao giờ đe dọa tiêu diệt Nga, châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ, Canada, Trung Đông hay Nam Á. Triều Tiên chỉ tập trung vào Hàn Quốc, Nhật Bản và siêu cường đứng sau đó là Mỹ.

Với việc Mỹ đã can thiệp và đe dọa chiến tranh, biện pháp phòng thủ chắc chắn duy nhất của Bình Nhưỡng là biện pháp răn đe, điều đồng nghĩa với việc kiểm soát ít nhất một vài thành phố của Mỹ trong tầm bắn.

The National Interest đề xuất cách phản ứng tốt nhất của Washington sẽ là lùi bước khỏi cuộc chiến mà họ không cần tiến hành. Hàn Quốc từ lâu đã có những nguồn lực cần thiết cho sự phòng thủ của họ.

Máy bay F/A-18F Super Hornet hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson.

Một lần nữa tờ báo này đặt câu hỏi: Có phải Triều Tiên đang đe dọa Mỹ? Câu trả lời kết luận được đưa ra là: Điều đó là bởi Mỹ đã áp sát Triều Tiên trong gần 7 thập kỷ qua, chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại nước này.

Trong khi đó, hãng tin CNN đã "ôn lại" Chiến tranh Triều Tiên cách đây 64 năm với hậu quả khủng khiếp. Chỉ trong vòng 3 năm, cuộc chiến này đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người và đã làm thay đổi bán đảo Triều Tiên cho đến ngày hôm nay.

Theo các số liệu của Lực lượng Không quân Mỹ, vào thời điểm hiệp định đình chiến được ký kết ngày 27/7/1953, số lượng người dân và binh lính Triều Tiên – quốc gia có dân số vào khoảng 9,6 triệu người ở thời điểm bắt đầu cuộc chiến – thương vong ước tính lên tới 1,3 triệu người. Trong khi đó, bên phía Hàn Quốc, 3 triệu dân thường và 225.000 binh lính, trong tổng số 20,2 triệu dân ở nước này vào năm 1950, cũng bị thiệt mạng.

Hình ảnh một cuộc tập trận pháo binh của quân đội Triều Tiên được KCNA công bố.

Theo CNN, đây là một cuộc chiến mà rất nhiều người không muốn tham gia, bởi nó nổ ra chỉ 5 năm sau khi Thế chiến II kết thúc. Tướng Douglas MacArthur, một nhân vật huyền thoại của quân đội Mỹ, người đã trở thành Chỉ huy trưởng các lực lượng thuộc Liên hợp quốc ngay khi cuộc chiến bắt đầu, phát biểu trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 1951 rằng, ông chưa bao giờ chứng kiến một sự tàn phá khủng khiếp đến như vậy.

Hơn 33.000 lính Mỹ thương vong và 600.000 binh sỹ Trung Quốc cũng đã thiệt mạng hoặc mất tích. Nhiều người Trung Quốc và Mỹ đã có thể trở về nhà sau chiến tranh, nhưng người Triều Tiên vẫn phải sống giữa những tàn tích của cuộc chiến. Toàn bộ cơ sở hạ tầng của họ đã bị tàn phá, các thị trấn và thành phố của họ đã hoàn toàn bị xóa sổ.

Đối với người Triều Tiên, chính các cuộc không kích của Mỹ là nguyên nhân khiến họ phải hứng chịu những tàn phá nặng nề này. Đây cũng được xem là chiến dịch không kích quy mô lớn đầu tiên mà Lực lượng Không quân Mỹ thực hiện. Theo nhà sử học Charles Armstrong, các máy bay cường kích Mỹ đã thả khoảng 635.000 tấn chất nổ xuống Triều Tiên (nhiều hơn so với lượng chất nổ mà Mỹ thả xuống toàn bộ mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II), trong đó có 32.000 tấn bom napal.

Nỗi lo sợ thường xuyên về những cuộc không kích của quân đội Mỹ càng khiến Triều Tiên cảnh giác và lo ngại Mỹ có thể sẽ làm điều đó một lần nữa.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn