Học theo EU
Trang The National Interest của Mỹ cho rằng các nhà lập pháp nước này nên cân nhắc một chiến lược trừng phạt Nga kèm theo kế hoạch thoái lui.
Theo đó, đoàn tàu trừng phạt Nga dường như đang đẩy nhanh tốc độ ra khỏi nhà ga quốc hội. Có rất ít khả năng lưỡng viện Quốc hội Mỹ muốn xem xét lại các đề xuất của họ, đặc biệt vào thời điểm Quốc hội sắp bước vào kỳ nghỉ Hè.
Tuy nhiên, nếu quyết tâm tiếp tục tiến trình này, các nghị sĩ Mỹ cần phải tạm nghỉ và cân nhắc một số thay đổi. Tuyệt đại đa số đã tán thành các dự thảo đề xuất về trừng phạt Nga được soạn thảo riêng rẽ tại Hạ viện và Thượng viện, vượt xa con số cần thiết để có thể vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump.
Quốc hội Mỹ đã "lấn át" cả Tổng thống Donald Trump khi lái con tàu trừng phạt Nga. |
Các đồng minh châu Âu của Mỹ khi lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô đối với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã rất thận trọng đưa một biện pháp an toàn vào quá trình này, đó là lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) phải được xem xét gia hạn 6 tháng một lần.
Do đó châu Âu có cơ hội để đánh giá liệu có bất cứ tiến triển nào sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng hay không. Ngoài ra, EU cũng có cơ hội để điều chỉnh các biện pháp trừng phạt nhằm xử lý những vi phạm tiếp theo hoặc để khuyến khích những tiến triển tích cực.
Cách thức xử lý của EU có một sự linh hoạt lớn hơn, điều mà luật chế tài hiện nay của Mỹ còn thiếu. Hiện về lý thuyết Mỹ không có quy định nào về khoảng thời gian để sau đó có thể xem xét lại các biện pháp trừng phạt, và cũng không có tiêu chí rõ ràng để xác định trong trường hợp nào có thể xét Nga đáp ứng các điều khoản về dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Chuyên gia Mỹ đề xuất học EU trong cách trừng phạt Nga. |
Ngoài ra, cũng không có cơ chế xác định việc phân cấp độ trừng phạt hiệu quả và nhanh chóng có mang lại kết quả tích cực.
Trường hợp ví dụ được dẫn ra là lệnh cấm vận ngũ cốc của Mỹ đối với Liên Xô trước đây sau khi Moscow can thiệp vào Afghanistan. Theo giới phân tích Mỹ biện pháp này sẽ có hiệu quả nhất nếu được ban hành trong một năm. Điều đó sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng về sự phản đối của Mỹ và sẽ tránh cho Washington lâm vào ngõ cụt.
Theo thời gian, Liên Xô đã tìm ra cách để lệnh cấm ban đầu không ảnh hưởng đến chính sách của họ ở Afghanistan, và rút cục lệnh cấm vận đã phải tạm ngừng do sức ép thương mại trong nước khi nông dân Mỹ đòi khôi phục doanh thu. Ngoài ra, các chuyên gia giúp Hạ viện điều chỉnh lại đề xuất cấm vận ban đầu đã bỏ một số điều khoản có thể gây rắc rối với các đồng minh thiết yếu của Mỹ và phá hoại sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương với cơ chế trừng phạt hiện nay.
Tờ The National Interest cho rằng phản ứng lập pháp chống lại Nga là không thể tránh khỏi nếu xét thái độ tức giận tại Quốc hội Mỹ trước các hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Syria và với cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ trong cả hai dự thảo tại lưỡng viện Quốc hội, cùng với hạn chế về thời gian (trong năm 2018 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga và sau đó là bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ) là hành động sáng suốt.
Bằng cách đó, Quốc hội Mỹ sau đó có thể xem xét lại và đánh giá liệu tình hình tại Syria và Ukraine có tiến triển hay chưa, giúp sử dụng các công cụ địa kinh tế của Mỹ một cách hiệu quả hơn.
Máy bay chiến đấu và phi công Nga tại Syria |
Lịch sử cho thấy việc thiếu linh hoạt hoặc các cơ chế chia thang độ trong các biện pháp trừng phạt của Quốc hội Mỹ có thể tạo ra những rắc rối không cần thiết đối với Mỹ. Ví dụ, Mỹ đã mất hai thập kỷ để cân nhắc nên hành xử với Nga như thế nào, ngay cả sau khi đã chứng minh rằng Nga tuân thủ đầy đủ các điều khoản của đạo luật Jackson-Vanik.
Trong quá khứ, Quốc hội Mỹ đã áp dụng “điều khoản hoàng hôn” trong việc trừng phạt các nước như Iran. Những điều khoản này đòi cơ quan lập pháp phải tiến hành xem xét lại định kỳ để xác định việc gia hạn có được đảm bảo không.
Các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Nga không có những quy định như vậy và do đó có nguy cơ không thể buộc Moscow tiết chế hành vi của họ. Thay vào đó, Nga có thể kết luận rằng họ không có động cơ để đưa ra những nhượng bộ vì dường như ít có cơ hội để đáp ứng các điều kiện khiến Quốc hội Mỹ phải bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.
Theo Đất Việt