|
Những đường ống đầu tiên cho dự án Nord Stream 2 được chuyển bằng đường sắt đến đảo Rugen, Đức |
Theo CNN, sự khác biệt trở nên nghiêm trọng đến nỗi Ủy ban châu Âu cảm thấy những lợi ích kinh tế của họ đang bị đe dọa, thậm chí còn gợi ý trả đũa nếu Quốc hội Mỹ thông qua những đề xuất trừng phạt mới của Mỹ dành cho Nga mà không xem xét đến những tác động có thể ảnh hưởng đến EU.
Vấn đề ngoại giao nhức nhối này chủ yếu chỉ tập trung vào một vấn đề, đó là khí tự nhiên. Mặc dù đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc nhập khẩu năng lượng từ Nga bằng cách mua thêm khí đốt từ các nước khác như Qatar và Mỹ, nhưng nhu cầu về khí tự nhiên của nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung và Tây Âu vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ đất nước Á - Âu. An ninh năng lượng vì thế đã bị chính trị hóa cao. Đồng thời đây cũng là một vấn đề mà EU không muốn các nước bên ngoài, thậm chí là những đồng minh thân cận như Mỹ, can thiệp quá giới hạn.
Điều EU lo lắng hiện nay là nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn các biện pháp chế tài mới, thì không chỉ Moscow bị ảnh hưởng trực tiếp mà nội bộ EU cũng sẽ trở nên chia rẽ và một số dự án năng lượng quan trọng trên lục địa có thể bị cản trở. “Lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu và ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của EU”, Kristine Berzina, một thành viên cao cấp của quỹ German Marshall Fund, nói.
Trong số các dự án năng lượng tại châu Âu, Nord Stream 2, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga qua biển Baltic để đến Đức, được đánh giá là dự án đặc biệt vấp phải áp lực từ các thế lực đối lập. Những người phản đối ở EU nói rằng đường ống này sẽ chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong khi đó lại có không ít người đồng ý hỗ trợ Nord Stream 2 và phản đối sự can thiệp từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi có những quan ngại về tác động kinh tế đang cần được xem xét và điều này vượt xa ra khỏi phạm vi Nord Stream 2”, Margaritis Schinas, phát ngôn viên trưởng của EU, cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, lệnh trừng phạt mới có thể làm suy yếu quan hệ hợp tác giữa EU và các công ty Nga trong việc phát triển những dự án năng lượng ngoài khơi ở Ai Cập. Nó cũng có thể ngăn cản các doanh nghiệp Nga - Ý phối hợp với nhau trong dự án được gọi là “hành lang khí đốt phía nam” đi xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới các nước phía nam của EU.
Dữ liệu nhập khẩu của EU cho thấy sản lượng khí mua từ Nga tương đối ổn định từ năm 2014 và thực sự đã tăng vào năm 2016 khi giá giảm. Trong bối cảnh này, những động thái từ các nhà lập pháp Mỹ gây ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng tại EU có lẽ sẽ không còn nhận được sự hoan nghênh.
Theo Thanh Niên