Tờ Kommersant của Nga trích dẫn các nguồn tin trong Bộ Ngoại giao cho biết, Điện Kremlin có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng các biện pháp tương đương như trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ hay thu giữ các tài sản của Đại sứ quán Mỹ, theo Sputnik.
Tổng thống Nga Putin sẽ trực tiếp tuyên bố các đáp trả trừng phạt nếu Mỹ thông qua dự luật mới. |
"Bởi việc hoàn trả các tài sản ngoại giao Nga tại Mỹ dưới thời Tổng thống Obama không được thực hiện, giới chức Liên bang Nga có thể đưa ra các lệnh thu giữ tổ hợp nhà nghỉ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Serebryanyi Bor và các bất động sản khác của họ tại Nga" - nguồn tin cho Kommersant hay.
Tờ báo Nga cũng lưu ý rằng, Nga có thể trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ như con số mà chính quyền Obama đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Đồng thời chính quyền Nga cũng đang thảo luận "khả năng hạn chế tối đa nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Moscow".
Dẫu vậy, Điện Kremlin vẫn chưa có các phản ứng chính thức về dự thảo luật mới của Washington nhằm vào Nga.
Thư ký báo chí của Tổng thống Putin - ông Dmitry Peskov hôm 26/7 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đích thân tuyên bố về các biện pháp đáp trả trừng phạt Nga của Mỹ nếu có.
"Lúc này mới chỉ là dự luật, vì vậy chúng tôi chưa cho bất kỳ đánh giá nào về nội dung. Thái độ sẽ được chúng tôi bày tỏ sau khi sự phân tích kỹ lưỡng, và chắc chắn quyết định sẽ do nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Putin thực hiện" - ông Peskov nói.
Ông Peskov nhận định, dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua mới đây là một tin tức đáng buồn xét từ quan điểm triển vọng phát triển quan hệ Mỹ - Nga.
"Không ít thất vọng đứng từ quan điểm luật pháp quốc tế và quan hệ thương mại quốc tế, theo những thông tin mà chúng tôi được biết về dự luật này. Nhưng tôi nhắc lại một lần nữa, vì vẫn cần Thượng viện thông qua, chúng ta hãy chờ đợi khi dự luật này trở thành luật" - ông nói thêm.
Dự luật mới được Hạ viện Mỹ thông qua mới đây nhằm trừng phạt Nga đang khiến phía châu Âu nổi giận, đặc biệt là Đức.
Ngày 26/7, 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp để bàn về các lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ nhằm vào Nga, đa phần đánh giá về tác động của nó tới các vấn đề mà châu Âu cũng sẽ chịu ảnh hưởng, đặc biệt là năng lượng.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries, các lệnh trừng phạt mới mà các nghị sỹ Mỹ đề xuất áp đặt lên Nga có thể phương hại tới các công ty Đức và gây khó khăn thêm cho mối quan hệ song phương Đức-Mỹ.
“Mỹ đã từ bỏ đường lối chung với châu Âu khi áp đặt các lệnh trừng phạt Nga" - bà Zypries nhấn mạnh trên Đài ARD.
Người đứng đầu Bộ Kinh tế Đức đồng thời cho rằng việc Washington không hợp tác với châu Âu về vấn đề trừng phạt Nga có nguy cơ khiến các công ty Đức bị tổn hại.
Động thái của Mỹ khiến giới quan sát cho rằng, đây là một biểu hiện "kỳ vọng đế quốc toàn cầu".
Nga có thể đóng cửa một số tài sản ngoại giao của Mỹ tại Nga. Ảnh: Tòa Đại sứ quán Mỹ tại Nga |
Nhà kinh tế học, cựu giảng viên về tài chính tại Đại học Bremen, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Lao động và kinh tế (IAW) Rudolf Hikkel trả lời Sputnik cho rằng, nếu Mỹ thông qua dự luật về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, đây sẽ là biểu hiện rõ ràng nhất của Mỹ trong tham vọng đế quốc toàn cầu.
"Biện pháp trừng phạt là biểu hiện kỳ vọng đế quốc toàn cầu của Mỹ" - nhà kinh tế học nhận định. Đồng thời cho rằng, động cơ của quyết định này là những lý do chính trị trong nước. Là sự khiêu khích Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông nhấn mạnh rằng "không có lý do trực tiếp nào lúc này để áp dụng những trừng phạt đó."
"Toàn bộ cuộc điều tra, xác minh có hay không sự tấn công của tin tặc Nga và can thiệp vào bầu cử tại Hoa Kỳ vẫn chưa kết thúc. Trong trường hợp này các trừng phạt là phản tác dụng" - ông Hikkel kết luận.
Theo Đất Việt