Iran hoàn toàn thắng Mỹ trong cuộc chiến Iraq

Thứ năm, 27/07/2017, 12:02
Nếu xét trong bối cảnh hiện nay, Iran đã hoàn toàn thắng Mỹ trong ván cờ Iraq, theo The new York Times...

Ngày 1/5/2003, khi Washington tuyên bố hoàn tất Chiến dịch Tự do cho Iraq, sau khi lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, dư luận đều nhìn nhận rằng lịch sử đất nước Iraq sẽ gắn liền với "yếu tố Mỹ" trong trang tiếp theo.

Điều đó càng có cơ sở hơn khi Toàn quyền Paul Bremer - người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp tại Iraq thời hậu Saddam trong 13 tháng - thể hiện niềm tự hào khi rời Iraq vào ngày 30/6/2004 với hành trang là “rất nhiều điều tốt mà người Mỹ đã làm được cho đất nước Iraq”.

Tổng thống Nga Putin tiếp Phó Tổng thống Iraq Maliki

Vậy nhưng thực tế hiện nay, sau hơn một thập kỷ, “yếu tố Mỹ” ngày càng nhạt nhòa trên đất nước Iraq, cho dù Washington vừa giúp Baghdad có chiến thắng trước IS tại Mosul - một chiến thắng giúp cho đất nước Iraq tránh được thảm hoạ "quốc gia khủng bố".

Nga – Iran đang chiếm dần ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq

Hãng thông tấn Iran (IRNA) ngày 23/7 cho biết, tại thủ đô Tehran, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan và người đồng cấp Iraq Erfan al-Hiyali đã ký một bản thoả thuận, bao gồm nhiều nội dung hợp tác giữa hai nước.

"Mở rộng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đảm bảo an ninh biên giới, hợp tác về giáo dục, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị quân sự”, nội dung bản thoả thuận nêu rõ.

Giới phân tích cho rằng, Washington không thể không quan ngại trước động thái mới nhất này giữa Tehran và Baghdad.

Đây là một dấu mốc mới trong quan hệ Iran - Iraq, vốn đã được cải thiện nhanh chóng sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ vào năm 2003.

Khi Saddam bị tước bỏ quyền lực, với bàn cờ chính trị mới được Washington sắp đặt tại Iraq lại thì Iran là quốc gia có lợi nhất chứ không phải là Mỹ.

Bởi người Hồi giáo theo dòng Shiite đã chi phối chính trường Iraq thời hậu Saddam, trong khi Iran là quốc gia có đa số người Hồi giáo dòng Shiite.

Không để cho đối thủ đắc lợi, theo The New York Times, Washington đã đổ vào Iraq không dưới 1.000 tỷ USD cùng sinh mạng của 4.500 binh lính Mỹ. Song Washington không những chẳng thu được gì mà còn để Iran ngày càng vượt mặt.

Tehran được cho là đã nhanh chóng thực hiện các nước đi của mình và kết quả là hiện nay trên khắp đất nước Iraq đều có dấu vết của người Iran.

Ảnh hưởng của Iran đối với Iraq trải khắp các lĩnh vực trong đời sống - xã hội tại quốc gia này.

"Các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân ở Iraq như sữa, gà, sữa chua đều có xuất xứ từ Iran. Bất kỳ một kênh truyền hình nào ở Iraq đều phát đi thông điệp thân Iran", theo The New York Times.

Thủ tướng Iraq Abadi và Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khameini

Iran đã biến Iraq thành nơi trung chuyển, tập trung lực lượng cho chiến trường Syria, Liban.

Iran quyết biến Iraq trở thành đồng minh, làm bàn đạp Iran hướng tới Địa Trung Hải, mở rộng ảnh hưởng của Tehran đến Liban, Syria, Yemen, Afghanistan.

"Iran đã khéo léo lợi dụng sự tương đồng về tôn giáo để siết chặt hơn quan hệ với Iraq. Đài truyền hình do Iran tài trợ đã khắc họa Tehran là những người bảo vệ Iraq trong khi người Mỹ là những kẻ xâm lược", The New York Times bình luận.

Tờ báo Mỹ cho rằng, nếu xét trong bối cảnh hiện nay, Iran đã hoàn toàn chiến thắng Mỹ trong ván cờ Iraq. Chính ông Hoshyar Zebari, một cựu quan chức Iraq đã khẳng định:“Iran đang hoàn toàn thống trị tầm ảnh hưởng ở Iraq”.

Hoà điệu cùng Iran là Nga - một đối tác chiến lược của Iran - cũng ngày càng toả tầm ảnh hưởng tại Iraq.

Sau khi giới chính trị tại đất nước Ả-rập này đánh giá cao vai trò ngày càng lớn của Moscow tại khu vực Trung Đông, Baghdad đã đẩy mạnh sự hợp tác với Moscow.

Theo Reuters, ngày 25/7 tại St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Tổng thống Iraq Nuri al-Maliki đã thảo luận về khả năng hợp tác quân sự giữa Nga và Iraq, mà bắt đầu bằng việc Nga cung cấp cho Iraq hàng trăm xe tăng chiến đấu loại T-90.

Baghdad được cho là đặc biệt ấn tượng với các loại xe tăng của Nga đã được sử dụng trong cuộc xung đột Syria, vì vậy họ đã gửi tới Moscow một đơn hàng lớn có giá trị lên đến hàng tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng, dù tiềm lực của cả Nga và Iran đều được cho là rất nhỏ bé so với khả năng của Mỹ, song những nước đi của Moscow và Tehran đang tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều so với những gì mà Washington đã thể hiện trong ván cờ này.

Mỹ đang dính đòn gậy ông đập lưng ông tại Iraq

Theo giới phân tích, việc Mỹ ngày càng mất dần tầm ảnh hưởng tại Iraq, nguyên nhân một phần do các đối thủ có những lợi thế trong nước đi của họ, một phần do những nhược điểm trong chính nước đi của Washington.

Thứ nhất, việc Washington dựa vào hoang tin để lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein luôn khiến cho những con bài chính trị được Mỹ hậu thuẫn phải dè chừng hành động của Washington.

Khi chính quyền Bush cho rằng Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt để lấy cớ phát động cuộc chiến, dư luận nhận ra ngay đó là cái cớ được nguỵ tạo, song Washington vẫn tin sẽ đánh lừa được dư luận - đó là một sự hoang tưởng.

Washington đã hoang tưởng kép qua nguỵ tạo hoang tin tâng công lật đổ Saddam

Và Washington bị cho là càng hoang tưởng hơn khi tin là rằng có thể tạo dựng chính quyền mới tại Iraq thời hậu Saddam nằm trong sự quản lý và điều khiển của Mỹ, mà quên mất rằng họ phải đề phòng, bởi họ có thể là nạn nhân tiếp theo của Mỹ.

Từ sự “hoang tưởng kép” ấy, Washington đã xâm phạm chủ quyển quốc gia của Iraq, xem nhẹ lợi ích dân tộc của Iraq, chính vì vậy Mỹ không thề làm gì được trước sự vô định của bàn cờ chính trị tại Iraq.

Sau 14 năm cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ hai năm 2003, từ sự hoang tưởng của chính quyền Bush đã đưa cả dân tộc Iraq vào vòng xoáy bất ổn không ngừng - người dân Iraq đã phải trả cái giá quá đắt cho sai lầm của chính quyền Mỹ.

Ông Toby Dodge, chuyên viên tư vấn cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London nhận định: người dân Iraq đã hoàn toàn bị phản bội và nỗi thất vọng về một đời sống chính trị vô định, một đời sống xã hội bất định là những gì họ có được sau khi Saddam bị lật đổ, theo VOA.

Thứ hai, Washington sắp đặt bàn cờ chính trị tại Iraq thời hậu Saddam chủ yếu dựa trên ý đồ chiến lược của Mỹ, chứ không dựa trên thực tế lợi ích của các thành phần trong xã hội Iraq.

Việc Mỹ gạt vai trò của người Hồi giáo dòng Sunni, trao vai trò quyết định trong đời sống chính trị tại Iraq thời hậu Saddam cho người Hồi giáo dòng Shiite là đã tạo ra một con dao hai lưỡi với Washington.

Bởi điều đó chẳng khác nào tạo cơ sở cho Iran nâng tầm ảnh hưởng tại Iraq, song Washington không quan tâm tới điều đó vì chiến lược của họ là nâng cao vị thế cho người Kurd nhẳm phục vụ cho việc vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông.

Do vậy, Washington đã tạo ra một cơ chế chính trị cực kỳ bất lợi cho Baghdad, mà mục đích là hướng tới sự phân rã quyền lực của chính quyền trung ương và cuối cùng sẽ là chia cắt đất nước Iraq.

Quân cờ người Kurd chưa phát huy tác hiệu nhưng Washington đã phải chứng kiến đối tác bắt tay đối thủ, kẻ thù đe doạ lợi ích Mỹ

Bởi lẽ, dù đại diện người Kurd được trao nắm giữ vị trí nguyên thủ quốc gia, nhưng chính phủ Kurdistan – thực thể chính trị đại diện cho khu vực tự trị miền Bắc Iraq, đóng tại Erbil lại không có sự thay đổi, gần như độc lập với Bagdad.

Với cơ chế phân chia như vậy khiến tình hình chính trị tại Iraq luôn chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn nội tại mà không thể hoá giải. Đây chính là nguyên nhân khiến cho xã hội bất ổn, đất nước Iraq không thể phát triển.

Khi đời sống chính trị chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đời sống xã hội có nhiều bất ổn, đất nước thì không phát triển, đương nhiên sẽ dẫn tới chia rẽ, phân hoá và phân rã. Và tất yếu sẽ phải dẫn tới một cuộc phân chia quyền lực mới, mà việc chia tách là khó tránh khỏi. Khi đó Mỹ sẽ tiếp tục ra tay.

Chỉ có điều, việc chia cắt Iraq sẽ không dễ dàng, việc độc lập cho người Kurd không phải có thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng việc Baghdad bắt tay với đối thủ của Mỹ, hợp tác với kẻ thù của Mỹ thì đã diễn ra.

Lợi ích Mỹ tại Iraq nói riêng, tại Trung Đông nói chung, đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi Iran - Nga, đặc biệt Moscow và Tehran là đồng minh trong cuộc chiến tại Syria, còn Baghdad thì xem nước đi của Nga tại Syria là một cách đảm bảo cho sự ổn định cho đất nước Iraq.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn