|
Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti được kiên cố hóa bằng 3 lớp tường bảo vệ. (Ảnh: Stratfor) |
Hai ảnh vệ tinh do hai hãng Stratfor Worldview và Allsource cung cấp mới đây cho thấy, căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti, một vị trí chiến lược ở Sừng châu Phi, được bảo vệ kiên cố bằng 3 lớp an ninh và có khoảng không gian rộng tới 23.000m2 dưới lòng đất.
Tuy nhiên hiện chưa rõ căn cứ quân sự của Trung Quốc có tổng diện tích bao nhiêu.
“Lối xây dựng này giống với lối xây dựng thường thấy của Trung Quốc nhằm kiên cố hóa các căn cứ quân sự của họ. Các kết cấu dưới lòng đấy cho phép tiến hành các hoạt động bí mật”, Stratfor, một công ty cố vấn tình báo địa chính trị, nhận định.
Sim Tack, chuyên gia phân tích cấp cao của Stratfor, cho biết, Pháp, Mỹ, Nhật Bản cũng có căn cứ quân sự thường trực ở Djibouti nhưng không kiên cố như của Trung Quốc.
“Mặc dù đây chỉ là một trong rất nhiều căn cứ quân sự mà nước ngoài đặt tại Djibouti, nhưng Trung Quốc có cách làm riêng của họ”, chuyên gia Tack nói.
|
Trung Quốc xây căn cứ quân sự ở Djibouti từ tháng 2/2016. |
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã điều động binh sĩ tới căn cứ ở Djibouti. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng tuyên bố rằng, căn cứ ở Djibouti sẽ hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển, cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, ảnh chụp vệ tinh hôm 4/7 cho thấy Trung Quốc có thể không chỉ dùng căn cứ này cho mục đích như tuyên bố trước đó. Nó có các bãi đỗ và nhà chứa đủ lớn cho nhiều loại trực thăng, song không phải máy bay cánh cố định như máy bay không người lái hay máy bay chiến đấu.
Giới phân tích cho rằng, căn cứ này là một phần trong tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường hiện diện hải quân ở các vùng biển quốc tế.
Theo Dân Trí