Cuộc sống đời thường của Thiếu tá tình báo 6 lần bị địch cưa chân

Thứ năm, 27/07/2017, 09:08
Trong một lần đi chuyển tài liệu bí mật từ căn cứ về Sài Gòn, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương bị quân Mỹ phát hiện và vây bắt. Quân địch dùng tiền bạc để dụ dỗ nhưng không thành, chúng tiếp tục tra tấn bằng cách cưa đôi chân của ông hết lần này đến lần khác.

Trải qua những năm tháng bị địch tra tấn dã man, sức khỏe của cựu Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (78 tuổi, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) đã giảm sút, mắt đã mờ, tai kém đi và trí nhớ đã không còn minh mẫn. Thế nhưng, câu chuyện bị địch cưa chân tới 6 lần ông vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết.

Chúng tôi gặp ông Thương trong ngôi nhà nhỏ đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM để nghe ông kể về những năm tháng gian khổ của cuộc đời làm tình báo.

Cha của Thiếu tá Nguyễn Văn Thương là một chiến sĩ quân báo, bị địch bắt và hy sinh trong nhà tù ở Tây Ninh năm 1959. Mẹ ông cũng là một nữ đảng viên, là giao liên hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Bà bị địch bắt, tra tấn, đày ra “chuồng cọp” Côn Đảo rồi hy sinh vào năm 1947.

Năm 20 tuổi, ông Thương quyết định tham gia quân ngũ. Sau thời gian huấn luyện, năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định).

Một thời gian sau, ông Thương được giới thiệu sang hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Đại tá Nguyễn Nho Quý (biệt danh Mười Nho) lúc đó là Trưởng ban tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trở thành chiến sĩ tình báo, ông Thương nhiều lần hoàn thành nhiệm vụ chuyển tài liệu mật từ căn cứ về trung tâm an toàn. Nhưng trong 1 lần đang chuyển nhiều tài liệu bí mật quan trọng thì ông bị địch phát hiện và bắt giữ.

"Chúng đưa tôi về Sài Gòn, lúc đầu dùng tiền bạc và phụ nữ để dụ dỗ tôi nhưng không thành. Sau đó, chúng lại dùng đòn tra tấn để ép tôi phải khai ra các cơ sở bí mật của ta", cựu Thiếu tá Nguyễn Văn Thương nhớ lại.

Mỗi ngày, địch bẻ gãy hoặc đập nát từng bộ phận nhỏ trên chân của ông Thương để ép ông phải khai. Ngày đầu tiên, chúng bẻ gãy từng ngón chân, rồi đập nát bàn chân, tiếp tục cưa từng đoạn tới 6 lần cho tới khi đôi chân của ông Thương cụt ngủn mới chịu dừng lại.

Sau khi tra tấn không thành, địch đày ông ra giam giữ tại Côn Đảo đến năm 1973 mới được thả tự do về đoàn tụ với gia đình.

Đang hào hứng kể về cuộc đời làm tình báo của mình, ông Thương thoắt trở nên giận dữ, xua đuổi mọi người. Vợ ông vừa ngồi bên cạnh xoa dịu, vừa thay ông tiếp chuyện chúng tôi: "Mấy năm nay sức khỏe của ông kém lắm, phải đi viện thường xuyên. Đôi lúc tự nói lẩm nhẩm, rồi tức giận vô cớ".

Bà Trần Nam Em (vợ ông Thương) tâm sự, tai ông không còn nghe rõ, trí nhớ giảm sút nên có ai đến chơi đều phải có bà ngồi bên cạnh để hỗ trợ.

Cựu Thiếu tá Nguyễn Văn Thương sống cùng vợ và con cháu trong ngôi nhà trên đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh.

Bình thường, cựu Thiếu tá chỉ quanh quẩn ở nhà đọc sách báo. Để di chuyển trong nhà, ông dùng 2 chiếc ghế gỗ.

"Đêm ngủ ông thường nằm nói lung tung, lâu lâu còn tự nổi nóng", vợ ông Thương tâm sự. Thiếu tá Thương hiện phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày ở nhà. Cơ thể không lành lặn khiến việc sinh hoạt của ông gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng ý chí của người lính, ông đã vượt qua tất cả để sống mạnh khỏe.

Vài tháng ông Thương lại phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Mỗi lần có khách tới nhà chơi, vợ ông Thương phải ngồi cùng để hỗ trợ vì tai của cựu Thiếu tá tình báo đã nghe không còn rõ.

Những hôm nắng đẹp, ông cùng vợ và cháu trai đi dạo gần nhà.


Dù là người lớn hay trẻ nhỏ đi qua, ông đều vẫy tay chào hỏi.

Vợ chồng cựu Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương có 3 người con đều đã có gia đình.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương thường được mời đi nhiều địa phương để kể về cuộc chiến đấu của mình cho lớp trẻ.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích