|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy |
Ông làm “tư lệnh” của mặt trận Vị Xuyên trong hoàn cảnh nào?
Trước đó tôi không phải là người của Quân khu 2. Năm 1967, tôi là cán bộ của Sư đoàn 304 nổi tiếng với trận đánh Khe Sanh (Quảng Trị). Đến năm 1972, tôi tham gia trực tiếp giải phóng Quảng Trị và được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban quân quản thị xã Quảng Trị.
Sau đó tôi được điều qua Sư đoàn 325 tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết…, cuối cùng là giải phóng Sài Gòn. Sau năm 1975, tôi làm Sư trưởng Sư đoàn 325 đóng ở Cam Lộ (Quảng Trị), rồi tham gia chiến trường Campuchia. Tháng 2.1979, xảy ra chiến tranh biên giới, tôi được lệnh ra Cao Bằng chiến đấu.
Năm 1981, tôi đi học và được điều về làm Sư trưởng Sư đoàn 354 thuộc Quân khu Thủ đô; năm 1983 được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô.
Năm 1984, Trung Quốc đưa quân đánh mạnh ở Vị Xuyên (Hà Giang). Lúc bấy giờ, tình hình hết sức khó khăn nên Bộ Quốc phòng huy động tất cả đơn vị, cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu tham gia mặt trận Vị Xuyên. Bấy giờ tướng Nguyễn Hữu An, một người từng làm làm Tư lệnh Quân đoàn 2, từng là thủ trưởng của tôi trước đó lên làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2.
Thủ trưởng An bảo tại sao đang chiến tranh mà để Huy ở Quân khu Thủ đô. Sau đó tôi được điều lên làm Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang chỉ huy từ đầu đến cuối cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Cuộc chiến Vị Xuyên được coi là cuộc chiến khốc liệt nhất. Ông có thể nói rõ hơn về sự khốc liệt này?
Đây là cuộc chiến có quy mô lớn nhất, chỉ sau chiến tranh giải phóng miền Nam. Trung Quốc huy động 8/10 đại quân khu với hơn 50 vạn quân; phía Việt Nam huy động 9 sư đoàn với số lượng quân có lúc lên tới 15 vạn quân. Đây là cuộc chiến ác liệt nhất khi Trung Quốc cày nát Vị Xuyên, có ngày bắn tới 3 vạn quả đạn pháo, tấn công vào tất cả các điểm cao của ta. Tổn thất của địch trong trận chiến này rất lớn nhưng có những trận trong một ngày quân ta hy sinh khoảng 1.000 chiến sĩ…
Là Tham mưu trưởng, được coi như “tư lệnh” của mặt trận, đã khi nào ông gặp hiểm nguy, đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết trong cuộc chiến này chưa?
Tôi tham gia kháng chiến từ năm 1948 và từng kinh qua các chiến trường ác liệt nhất. Chiến đấu ở Vị Xuyên, không bao giờ tôi thấy sợ. Lúc đó chỉ nghĩ làm thế nào giành được thắng lợi mà tổn thất ít nhất cho lính của mình. Có những trận mà địch và ta chỉ cách nhau chừng 20 - 30m, giành giật nhau từng tấc đất, điểm đóng quân trong suốt nhiều ngày liền. Thắng lợi mà đồng đội hy sinh, tổn thất nhiều thì thắng lợi đó không trọn vẹn.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (thứ hai từ trái sang) gặp lại những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia mặt trận Vị Xuyên tại TP.HCM |
Hàng ngàn hài cốt đồng đội đang chờ tìm kiếm
Như ông nói, "cuộc chiến tranh Vị Xuyên khốc liệt, kéo dài" nhưng trong một thời gian dài ít người biết tới. Là người trực tiếp tham gia chiến đấu, ông và đồng đội có thấy buồn?
Năm 2016 chúng tôi mới thành lập được Ban liên lạc toàn quốc mặt trận Vị Xuyên. Trước đây sử sách các sư đoàn, đơn vị chiến đấu không viết về chiến tranh với Trung Quốc... Với những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở cuộc chiến này thấy rất chạnh lòng. Chỉ đến khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc vào biển Việt Nam (năm 2014) thì cuộc chiến Vị Xuyên mới được nhắc đến nhiều. Cần phải nói về cuộc chiến cho con cháu biết. Những đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu cần được ghi chép vào sử sách.
Tại sao chúng ta không ghi, trong khi năm nào Trung Quốc cũng kỷ niệm cuộc chiến tranh này... Chúng ta không kích động chiến tranh nhưng cần phải nói rõ để giáo dục con em về lòng yêu nước.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên-Hà Giang |
Ngoài việc đề nghị phải nói lên sự thật về cuộc chiến Vị Xuyên, ông có điều gì trăn trở về đồng đội dù cuộc chiến đã lùi xa?
Cuộc chiến tranh Vị Xuyên đã khiến hơn 5.000 chiến sĩ của ta hy sinh, đến nay hơn 3.000 người chưa tìm thấy hài cốt; trong nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên có hơn 1.700 mộ liệt sĩ nhưng tới 700 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Tôi kiến nghị phải tổ chức đội rà phá bom mìn, quy tập mộ và hài cốt liệt sĩ trong cuộc chiến Vị Xuyên để đưa về nghĩa trang...
Mồ hôi và máu các anh thấm đẫm đất rừng Vị Xuyên. Thân thể các anh đã hòa trộn vào đất mẹ. Các anh đã vì Tổ quốc, vì nhân dân hy sinh tuổi trẻ của mình, để lại mẹ già và con thơ dại, để lại người vợ thương yêu thành góa phụ. Thế mà còn biết bao nhiêu hài cốt của đồng đội đã hy sinh đang phải nằm lại trong những hốc đá, khe núi ở Vị Xuyên. Chúng ta cần phải tìm kiếm để cho đồng đội, người thân của họ an lòng.
Hiện Vị Xuyên có Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên nhưng tôi nghĩ quy mô của nghĩa trang chưa xứng với sự hy sinh của biết bao chiến sĩ. Tôi được biết đã có chủ trương mở rộng, nâng cấp nghĩa trang nhưng đến nay mọi việc chưa thấy triển khai.
Cảm ơn ông!
Theo Thanh Niên