|
Tổng thống Donald Trump (trái) bắt tay chúc mừng đồng minh Jeff Sessions sau khi ông tuyên thệ cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp trong buổi lễ tổ chức tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 9-2-2017 |
Những tuyên bố khó lường của Tổng thống Trump tiếp tục gây sóng gió. Lần này sự bàn tán càng nhiều hơn bởi người bị ông tấn công lại chính là tay mặt, tay trái vài tháng trước.
Từ khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử cách đây hai năm, tỉ phú Trump đã khiến công chúng quen dần với kiểu ông mô tả các đối thủ của mình gắn với một từ ngữ khó nghe như: "Crooked Hillary" (Mụ Hillary bất lương) dành cho bà Hillary Clinton, "Lying Ted" (Cha Ted dối như cuội) để chỉ Thượng nghị sĩ Ted Cruz và "Little Marco" (Thằng Marco bé con) để mô tả TNS Marco Rubio.
Ghét nhau bồ hòn cũng méo
Nhưng những ngôn từ miệt thị đó có thể hiểu được vì đó là đối thủ của ông. Còn người bị ông mạt sát mới nhất chính là Jeff Sessions, đương kim Bộ trưởng Tư pháp.
Chưa kể ông Sessions chính là một trong những đồng minh thân cận ngay từ đầu của ông Trump trên con đường chinh phục Nhà Trắng.
"Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã thể hiện vị thế RẤT yếu ớt về các tội ác của Hillary Clinton", Tổng thống Trump đã viết tweet với sự nhấn mạnh như thế vào sáng 25-7 trong chuỗi chỉ trích nhắm vào ông Sessions.
Có thể vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ vẫn chưa dành cho cấp dưới của mình một từ ghép miệt thị, nhưng chuỗi chỉ trích của ông cũng là khá nặng nề suốt nhiều ngày qua.
Thậm chí ông Trump đã làm điều chưa từng có trong lịch sử ngoại giao đương đại là chỉ trích chính Bộ trưởng của mình trong cuộc họp báo với Thủ tướng Saad Hariri của Li Băng trong sân vườn Nhà Trắng.
"Tôi thấy thất vọng với Bộ trưởng Tư pháp", ông Trump nói thẳng trong cuộc họp báo ngày 25-7.
Vị lãnh đạo Nhà Trắng trách cứ Bộ trưởng Sessions tỏ ra nhún nhường trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái.
Trong mắt ông Trump, vị cựu Thượng nghị sĩ bang Alabama đã né tránh cuộc điều tra đó nên không ngăn cản được điều mà ông Trump xem như cuộc truy đuổi kiểu vạch lá tìm sâu.
"Làm thế nào mà bạn có thể nhận một vị trí rồi sau đó núp lùm? Nếu ông ta nói thể hiện thái độ né tránh đó trước khi nhận ghế Bộ trưởng thì chắc tôi đã nói ‘Cám ơn Jeff, vậy thì tôi không thể bổ nhiệm ông được rồi’”, Tổng thống Trump nói thẳng trong phần trả lời phỏng vấn với báo New York Times tuần rồi.
"Đó là điều cực kỳ bất công, tôi xin nhấn mạnh từng từ như thế, đối với Tổng thống”, ông Trump kết luận về nhận xét của mình đối với vị trí Bộ trưởng Tư pháp vốn là một trong những vị trí quan trọng nhất của nội các.
|
Tổng thống Donald Trump (trái) trò chuyện cùng Bộ trưởng Jeff Sessions khi hai người dự một sự kiện ở Washington hôm 15-5 |
Mọi người chưng hửng
Cách Tổng thống Trump huỵch toẹt công khai như thế khiến cả những người bảo thủ ủng hộ ông cũng chưng hửng.
Hôm 24-7, nhà báo truyền thanh đầy ảnh hưởng là Rush Limbaugh cũng phải lên tiếng: "Ta có thể thấy rằng Bộ trưởng Sessions không cần phải co vòi như thế. Nhưng đồng thời ta cũng thấy bối rối và không phù hợp về cái cách ông Trump tấn công một người ủng hộ trung thành đến thế”.
Với ông Larry Sabato, nhà nghiên cứu chính trị của ĐH Virginia, thái độ tấn công nhiệt tình như thế của Tổng thống đối với thành viên trong chính phủ của mình là “chuyện chưa từng có”.
"Kiểu hạ nhục công khai như thế, cái kiểu hướng đến sa thải như thế, là chưa từng có", ông Larry Sabato phân tích với hãng tin AFP. "Ta chưa từng thấy một Tổng thống Mỹ tỏ thái độ gạt bỏ đối với người từng ủng hộ mình ngay từ đầu như thế".
Ngoài chuyện chỉ trích Bộ trưởng Jeff Sessions một cách thậm tệ, Tổng thống Trump còn khiến nhiều người chưng hửng khi ông phát biểu trước hàng ngàn hướng đạo sinh ở West Virginia.
Thay vì nói về tương lai, về những định hướng tốt đẹp cho giới trẻ Mỹ, Tổng thống Trump lại nói đến "tin tức giả mạo" trên truyền thông gây hại cho ông, chỉ trích cựu Tổng thống Barack Obama, bà Hillary Clinton, và đề cập đến những mục tiêu công kích quen thuộc khác.
Nhà chính trị học Larry Sabato phải buông lời trách cứ: “Trước các hướng đạo sinh như thế lẽ ra phải nói về lòng yêu nước và cờ Tổ quốc. Vậy mà ông ấy đã nói gì? Ông ấy biến nó thành một buổi diễn thuyết chính trị. Điều đó không phù hợp với một Tổng thống. Các em đó chỉ là trẻ em. Nói năng như thế là không phù hợp”.
"Không phù hợp" cũng là cụm từ mà Thượng nghị sĩ Lindsey Graham dùng đến khi nói về cách Tổng thống Trump chỉ trích Bộ trưởng Sessions trên mạng Twitter.
"Nếu có muốn truy tố ai đó (trong trường hợp này ông Trump trách cứ ông Sessions không điều tra những tội ác của bà Hillary) thì điều đó chỉ được làm nhằm đảm bảo rằng luật pháp được tôn trọng chứ không thể vì động cơ chính trị”, TNS Lindsey Graham viết trong một thông cáo phát đi.
Liệu ông Trump có thay ngựa giữa dòng và để làm gì? Người ta có thể đoán già đoán non rằng lúc này Bộ trưởng Sessions cũng đang nằm trong tầm ngắm của các Ủy ban điều tra của Quốc hội. Họ đòi đích thân ông phải ra điều trần.
Bộ trưởng Sessions vẫn chưa nói gì nhiều về những chỉ trích mang tính miệt thị của lãnh đạo cũng là đồng minh thân hữu của mình. Ông chỉ nói vẫn muốn làm ở vị trí Bộ trưởng.
Liệu ông Sessions sẽ bất ngờ từ chức để làm "Lê Lai cứu chúa"?
Hồi tháng Ba, ông Sessions tự nguyện rút ra khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga, sau khi xuất hiện thông tin ông đã không tiết lộ đầy đủ chi tiết về những cuộc tiếp xúc giữa ông với đại sứ Kislyak của Nga, khi ra điều trần trước ủy ban Thượng viện để được chuẩn thuận cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp. Ông Sessions bác bỏ chỉ trích cho rằng ông nói dối với Ủy ban Thượng viện, và tuyên bố tự nguyện rút lui không tham gia bất cứ cuộc điều tra nào liên quan tới Nga, vì ông đã từng là cố vấn của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử. Quyết định rút lui đó đã làm ông Trump giận dữ. Ông đổ lỗi cho ông Sessions là vì quyết định của ông này đã đưa tới việc bổ nhiệm cựu giám đốc FBI Robert Mueller vào ghế công tố viên đặc biệt - người dẫn đầu cuộc điều tra để xem liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga hay không. |
Theo TTO