Không đại diện cho tất cả, những mẩu chuyện bên lề nơi góc chợ như của chị Phan Cẩm Nhung (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cũng cho thấy ít nhiều bế tắc mà các nông hộ vẫn đang cố chống chọi theo cách riêng, mong qua cơn khốn khó.
Đổi nghề theo giá lợn
Ngày đó, thời giá lợn còn hoàng kim, chị có nghề kinh doanh hẳn hoi với một sạp hàng quần áo trong chợ Dốc Mơ (xã Gia Tân 1), nhưng chị vẫn bền tâm nuôi lợn. Đàn lợn của chị có lúc lên đến 50 con nái sinh sản. Ở huyện Thống Nhất, việc nhà nhà nuôi lợn không hiếm.
Kiếm tiền mua cám để duy trì đàn lợn vẫn là áp lực lớn với nhiều hộ chăn nuôi |
Cơn “bão giá” hồi tháng Tư kéo qua, người người “xuống đường” xẻ thịt ra bán, chị cũng đóng cửa sạp quần áo, bày mẹt thịt bên hông chợ Dốc Mơ. Tính đến nay đã 3 tháng, vẫn những mặt hàng quen thuộc, nhưng tính chất công việc thì đã đổi khác.
“Ngày trước “lợn ăn thì còn, con ăn thì hết”, nay tái đàn mà thiếu tiền mua cám, lợn ăn hết luôn cửa nhà. Ai biết xoay trở kinh doanh cũng xuống đường như tôi. Trước xẻ thịt lợn nhà để giảm nái, giảm đàn. Bán riết, giờ thành lái lợn luôn rồi”, chị Nhung giới thiệu về công việc của mình.
Bán thịt lâu ngày, quen thêm nhiều mối bỏ sỉ, chị lại có thêm nghề mới. Vì lò mổ có nhiệt tình cũng chỉ giúp xẻ ra heo mảnh. Không biết ra thịt (pha lóc thành từng loại thịt riêng – PV) thì phải tốn 150.000 đồng công khoán cho người khác.
Cơn "bão" giá lợn khiến nhiều người duy trì việc bán thịt lợn như một cách đối phó với khó khăn |
Trong lúc chờ đợi họ ra thịt thì chị tự tay làm lấy. Thành thử bây giờ, chị tự chăn nuôi, tự làm thương lái mua lợn bên ngoài, tự bắt lợn đưa ra lò mổ, tự tay ra thịt, rồi lại tự đi giao hàng cho khách. Mỗi ngày chịu khó xẻ bán từ 3 đến 5 con, chị vẫn kiếm được mấy trăm ngàn tiền lời.
Những giọt nước mắt trong đêm
“Cứ tưởng có lời vậy chứ không dễ ăn, vì kiếm được một đồng mua cám cho lợn thì mất giấc ngủ”, bà Phạm Thị Xuân, bán trái cây ở gian hàng kế bên chia sẻ. Bà nói việc mua bán này lấy công làm lời, vì chính bà ngày trước cũng xẻ thịt như vậy.
Công việc này cực lắm. 12 giờ đêm, phải thức dậy, vào lò mổ xếp hàng để tranh thủ có thịt tươi giao chợ sớm. Kết thúc buổi chợ thì về nghỉ trưa đến 15 giờ vào trại nuôi. Lo xong đàn lợn lại vào rẫy vì đang mùa chôm chôm, đến tối lại ra lò mổ. Bán ngoài lề đường thì giang nắng, phơi sương. Biết là có lời, nhưng không có người phụ giúp, thì một mình không làm được.
Giá lợn trồi, sụt, nên việc mua bán thịt không phải lúc nào cũng thuận lợi |
Nhưng việc mua bán không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có ngày chợ ế, người bán có thể lỗ cả triệu đồng. Thịt, xương còn thừa, nếu không biếu hàng xóm thì đem cho cơ sở từ thiện hoặc đem về nhà trữ đông.
Các con của chị Nhung đặt mục tiêu hết lớp 12 thì theo học nghề thú y. Nhưng từ lúc giá lợn gặp cơn tai biến, các em ở nhà phụ mẹ. Bao nhiêu nhọc nhằn, kinh nghiệm ứng phó, mấy mẹ con tự chia sẻ cho nhau. “Những ngày ế chợ, tôi chỉ nuốt nước mắt một mình, không dám cho các con hay. Sợ chúng biết thì không còn động lực để phụ giúp công việc nữa”, chị Nhung chia sẻ.
Còn tại chợ Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất), bà Trần Lệ Quyên kể rằng bà chẳng đủ dũng cảm để xẻ thịt lợn nái. Lúc giá thấp, người người đua nhau giảm nái. Có người túng quá, bán đại cho mình hoặc nói dối là lợn chưa mang bầu. Mổ thịt ra mới thấy chục lợn con đỏ hỏn như bầy chuột nằm thoi thóp mà choáng váng mặt mày.
Để duy trì đàn lợn, nhiều người vẫn phải tự tìm cách riêng |
“Nghĩ tới đàn lợn con, giờ vẫn còn ám ảnh. Chuồng trại chỉ còn thưa thớt vài chục con thịt nhưng cứ để đó. Trời thương mình sẽ chăn nuôi lại chứ chưa biết được ngày mai. Chẳng ai mong giá lợn lên chót vót rồi rớt xuống vực sâu như thế”, bà Quyên nói.
Ông Trần Hữu Trung, tổ trưởng tổ chăn nuôi heo Vietgahp (xã Gia Tân 2): “Ngay cả lợn chăn nuôi theo dự án cạnh tranh Lifsap cũng chưa thể khá hơn. Các hộ chăn nuôi vẫn chật vật theo cách riêng của từng người. Nhưng hình thức đối phó này không thể lâu bền vì không cạnh tranh được với các trang trại lớn hoặc công ty chăn nuôi”. |
Theo Dân Việt