Bình Thuận kiến nghị không nhận chìm bùn thải

Thứ tư, 26/07/2017, 10:32
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo sơ kết tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức chiều 25.7. 

Nhà máy Vĩnh Tân 1 (phải), Vĩnh Tân 2 (trái)

Tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị “chuyển sang hình thức khác chứ không thực hiện nhận chìm”.

Cuộc họp do ông Nguyễn Đức Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các sở ngành.

Công ty Vĩnh Tân 1 tự ý bao lưới

"Bây giờ mọi vấn đề, thông tin không rõ ràng thì kết quả khảo sát lại cũng không ai tin. Vấn đề ở đây là chúng ta đang bảo vệ không phải chỉ có Hòn Cau mà cả vùng biển Nam Trung Bộ",

 Luật sư Nguyễn Toàn Thiện

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết: “Ngày 19.7, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (Hà Nội) có văn bản đồng gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nhiều cơ quan khác đề nghị phải rút lại giấy phép nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân mà Bộ TN-MT cấp. Nếu không rút lại giấy phép, họ sẽ khởi kiện Bộ này”.
Buổi họp báo thu hút rất đông phóng viên tham dự và đặt câu hỏi tập trung vào vấn đề xả thải 1 triệu m3 bùn cát ra biển Vĩnh Tân. Một nội dung quan trọng được các báo quan tâm là UBND tỉnh đã giao biển cho Công ty Vĩnh Tân 1 chưa mà đơn vị này đã tiến hành bao lưới khoảng 600m ở khu vực được cấp phép nhận chìm bùn thải? Làm như vậy có đúng quy định?
Ông Lê Hùng Việt, Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, trả lời: Việc bàn giao này theo luật là thuộc quyền của Bộ TN-MT, cụ thể là Tổng cục Biển và Hải đảo, chứ không thuộc trách nhiệm của tỉnh. Hiện Bộ TN-MT chưa bàn giao biển cho Công ty Vĩnh Tân 1. Đối với việc công ty này tự ý bao lưới ở vị trí nhận chìm trước khi có quyết định giao biển để triển khai dự án là sai.
Ông Huỳnh Thái Dương, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, cũng cho biết: Tỉnh ủy đã có nhiều công văn, văn bản gửi các cơ quan T.Ư về việc này, trong đó kiến nghị chuyển sang hình thức khác chứ không thực hiện nhận chìm. Đối với việc mạo danh các nhà khoa học, tỉnh đang chờ trả lời của các cơ quan T.Ư.
“Tôi nghĩ là chỉ nay mai thôi, Chính phủ sẽ có ý kiến về việc này.Liệu có thể lấy làm đê kè, lấn biển hay thậm chí phải tính đến xuất khẩu cát từ nguồn nạo vét này thì cũng phải bảo đảm hài hòa. Vừa để các nhà máy đi vào hoạt động, vừa phải hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường”, ông Hòa nói và cho biết HĐND tỉnh đã có một nghị quyết chuyên đề giám sát ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân. Tỉnh có rất nhiều vấn đề gửi lên T.Ư rồi, nhưng đều là văn bản mật nên không thể công bố.
Bộ TN-MT vẫn “bí mật”
ĐTM đã không trung thực từ danh sách chuyên gia tham gia thì những nội dung trong đó rõ ràng là không có cơ sở khoa học và giấy phép phải được rút lại. Nếu không rút giấy phép thì việc khởi kiện cũng có thể xem là một khía cạnh pháp lý đáng quan tâm.
PGS-TS Lê Anh Tuấn
Ngày 25.7, Viện Hải dương học Nha Trang báo cáo kết quả khảo sát độc lập tại vùng biển Vĩnh Tân với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN. PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, đã trực tiếp báo cáo kết quả này với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà.
Các kết quả mà ông Tuấn báo cáo là thông số kỹ thuật ở 13 địa điểm quan trắc trong giấy phép. Trong đó có cả kết quả khảo sát nước biển, độ lắng trầm tích, tầng bề mặt, tầng giữa và đáy biển nơi vị trí nhận chìm. Từ kết quả độc lập này, Bộ TN-MT sẽ so sánh với báo cáo ban đầu và đi đến quyết định cuối cùng.
“Hiện nay Bộ và Viện Hàn lâm đang yêu cầu chúng tôi hoàn thiện bản báo cáo này để chính thức công khai. Kết quả sau quan trắc thì có cái giống, có cái không giống (so với giấy phép nhận chìm - PV). Cho nên chiều nay tôi chưa thể công bố cho nhà báo các thông số đó được”, PGS Tuấn nói.
Sau khi rộ lên việc mạo danh các chuyên gia trong hồ sơ xin cấp phép xả thải hồi giữa tuần trước, tính đến thời điểm này, Bộ TN-MT vẫn “đóng cửa” với báo chí. Ngày 25.7, PV nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Bộ TN-MT về kết quả khảo sát sơ bộ của Viện Hải dương học Nha Trang, tuy nhiên mọi cố gắng đều bị từ chối. Điều này một lần nữa dấy lên hoài nghi về sự công khai minh bạch thông tin bảo vệ môi trường từ chính Bộ TN-MT.
Còn lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN cho biết: Ngày 25.7, Chính phủ đã có văn bản giao Viện chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, các nhà khoa học tiến hành đánh giá độc lập tác động môi trường của dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Ngay sau khi nhận văn bản, Viện đã thành lập tổ chuyên môn, huy động nhiều nhà khoa học tham gia, họp phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các tổ chuyên môn sẽ sớm bắt tay vào công việc được giao. Kết quả khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang sẽ được tổ chuyên môn xem xét đánh giá, đối chiếu với hồ sơ xin cấp phép.
Theo TS Tô Văn Trường, văn bản pháp luật quy định mọi thông tin môi trường đều phải được công khai, tuy nhiên cho đến nay hình như mọi thông tin đều được “xử lý” rồi mới công khai. “Một nửa sự thật không phải là sự thật”, đằng này lại chưa được một nửa, lại còn bị “nhào nặn” không còn hình hài ban đầu thì đã là gian dối.
Cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận
Đủ cơ sở thu hồi giấy phép
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, phân tích: Thứ nhất, chúng ta đang đi ngược quy trình thực hiện một dự án là cấp phép rồi mới kiểm tra xem thực tế có đúng như hồ sơ xin cấp phép hay không. Thứ hai, hồ sơ không được xây dựng trên cơ sở khoa học và sự xác thực khi nhiều nhà khoa học bị mạo danh.
Chính vì vậy, về mặt pháp lý phải thu hồi giấy phép. "Bây giờ mọi vấn đề, thông tin không rõ ràng thì kết quả khảo sát lại cũng không ai tin. Vấn đề ở đây là chúng ta đang bảo vệ không phải chỉ có Hòn Cau mà cả vùng biển Nam Trung Bộ", luật sư Thiện nói.
Cùng suy nghĩ trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), khẳng định: Sau tất cả những “bê bối” về việc mạo danh chuyên gia, đây là thời điểm hơn lúc nào hết Bộ TN-MT cần công khai mọi thứ trước công luận.
Theo TS Tô Văn Trường, việc khảo sát lại nền đáy biển khu vực này là cần thiết vì VN rất thiếu các cơ sở dữ liệu. Việc khảo sát này nên bao trùm cả khu vực MPA (khảo sát hết vùng bảo tồn biển) để có số liệu môi trường nền, có cơ sở xem xét, cân nhắc khi cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển cho các dự án khác theo quy định của luật Tài nguyên môi trường biển. “Nếu hồ sơ gian dối thì tất yếu là kết quả thẩm định và cấp giấy phép dựa trên hồ sơ này phải bị hủy bỏ”, TS Trường tái khẳng định.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích