Chỉ vài tuần sau khi tảng băng nặng 1 nghìn tỷ tấn tách khỏi Nam Cực, các nhà khoa học đã tìm thấy một vết nứt mới ở thềm băng Larsen C.
"Chúng tôi phát hiện một vết nứt mới dài khoảng 6km hướng về phía Bắc, từ khu vực vết nứt cũ hình thành trước khi tảng băng khổng lồ A68 tách ra", Adrian Luckman, giáo sư về sông băng tại Đại học Swansea, Anh, người đứng đầu dự án nghiên cứu MIDAS, cho biết.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh theo dõi tảng băng trôi mang tên A68 cho thấy nó đã thay đổi hình dạng và di chuyển khoảng 24km xa khỏi thềm băng.
Hình ảnh vết nứt nhìn từ trên cao. Ảnh: Corpernicus Sentinel. |
A68 là một phần đã tách khỏi thềm băng Larsen C. Tảng băng rộng 6.000km2, nặng 1.000 tỷ tấn này là kết quả sau khi vết nứt khổng lồ ở Nam Cực đạt tới điểm phá vỡ từ ngày 10 đến 12/7.
Hôm 23/7, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã thông báo trên Twitter rằng A68 không còn là một tảng băng trôi lớn nữa. Thay vào đó, nó đã chia thành 3 tảng băng lớn và nhiều phần nhỏ khác.
Hiện tại, thềm băng Larsen C đang ở quy mô nhỏ nhất trong lịch sử. Các nhà khoa học đang theo dõi độ ổn định của nó sau vụ tách rời của khối băng khổng lồ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng A68 bị tách khỏi Nam Cực là tự nhiên và không phải là kết quả của sự biến đổi khí hậu, nhưng số phận phần còn lại của thềm băng Larsen C vẫn khá mong manh.
Nhà nghiên cứu Eric Rignot thuộc trường Đại học California nói với Scientific American: "Nước ấm hiện là yếu tố chính gây tan chảy. Nếu không khí ấm hơn đủ để làm tan bề mặt thì sau đó lớp băng sẽ vỡ và mực nước biển dâng cao từ Nam Cực sẽ rất lớn".
Theo Zing