Lãnh đạo UBND TP.HCM vừa chấp thuận, giao cho Tập đoàn Quang Trung thí điểm lắp đặt máy bơm công suất lớn để chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Dự kiến ngày 10/8, hệ thống siêu máy bơm này sẽ lắp đặt xong, bắt đầu hoạt động tại "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh.
Tại buổi khảo sát việc thi công lắp đặt hệ thống máy bơm vào giữa tháng 7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết nếu vận hành hệ thống tốt thì TP.HCM tiếp tục thuê doanh nghiệp và sẽ triển khai ra các khu vực khác.
Trao đổi với Zing.vn, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết giải pháp dùng máy bơm để hút nước chống ngập được TP.HCM áp dụng lâu nay nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Theo TS Phi, mô hình máy bơm để chống ngập chỉ là giải pháp kỹ thuật mang tính tương đối, khó để đạt hiểu quả chống ngập tối đa. Máy bơm chỉ đạt hiệu quả đến một mức nào đó, nên dù nâng công suất máy lên cũng không tăng lượng nước thoát do còn phụ thuộc vào hệ thống cống thoát nước.
Siêu máy bơm đang được tập đoàn Quang Trung lắp đặt dọc sông Sài Gòn ở khu vực Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh, TP.HCM). |
"Tôi đánh giá siêu máy bơm của doanh nghiệp chuẩn bị thí điểm ở đường Nguyễn Hữu Cảnh không đạt được hiệu quả cao, chỉ giảm được phần nào lượng nước ngập khoảng 30%. Nếu muốn hiệu quả, ngoài việc lắp máy bơm công suất lớn cần cải tạo hệ thống thoát nước", ông Phi phân tích.
Chuyên gia này đánh giá khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh đất nền khá yếu, lún, khu dân cư nhiều nên khi áp dụng giải pháp lắp máy bơm cần cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước.
Theo chuyên gia hạ tầng TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, để máy bơm phát huy được tác dụng chống ngập cho khu vực này thì cần khoanh vùng, ngăn dòng chảy ngược vào khi nước triều lên rồi bơm nước ra ngoài thì sẽ hết ngập.
“Theo tôi, máy bơm sẽ hoạt động dựa trên lượng nước có trong cống, tốc độ nước vào cống nên không cần lo ngại máy bơm sẽ hút sập, làm lở cống. Đồng thời, cần khoanh vùng, cô lập khu vực này lại để nước ở ngoài không vào được thì máy bơm sẽ phát huy tác dụng chống ngập”, TS Võ Kim Cương nói.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn công nghiệp Quang Trung, cam kết đến ngày 10/8 công ty sẽ lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống máy bơm và chính thức đưa vào vận hành.
Theo ông Cường, khi hệ thống được đưa vào sử dụng, máy sẽ vừa bơm vừa vừa lọc tách rác tự động, bơm được tất cả khu vực môi trường khắc nghiệt như triều cường dâng cao, trong cống có nhiều tạp chất đất đá.
Hệ thống được thiết kế bằng máy bơm ly tâm có thể hút nước với công suất từ 27.000 đến 96.000 m3/h, hoạt động bằng dầu hoặc điện. Máy bơm hút nước từ chỗ thấp lên chỗ cao, gắn trực tiếp vào cống thoát nước có sẵn của TP.
Siêu máy bơm dự kiến có công suất lớn hơn 30 lần so với máy bơm hiện hữu của TP. |
Về chi phí thực hiện, công ty trên cho biết lắp máy bơm ly tâm chỉ tốn khoảng 10% so với các dự án chống ngập và công tác duy tu, vớt rác. Một máy bơm hoạt động trong một trận mưa cần chi phí nhiên liệu khoảng 5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tăng Cường cũng khẳng định hệ thống máy bơm có công suất lớn gấp hơn 30 lần so với máy bơm hiện hữu của thành phố. Tuy nhiên, hệ thống bơm thông minh sẽ điều tiết được công suất tuỳ theo lượng nước và mức độ ngập, tốc độ nước vào cống để bơm nên chắc chắn không ảnh hưởng gì đến hệ thống cống.
“Trước khi đưa máy bơm vào hoạt động, công ty sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống cống để khắc phục các đoạn cống bị hư hỏng”- ông Cường nói.
Sở GTVT TP.HCM từng báo cáo không ủng hộ thí điểm siêu máy bơmVào tháng 5 vừa qua, Sở GTVT có báo cáo lên UBND, Thành ủy TP.HCM, về nội dung không đồng ý phương án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh mà Tập đoàn Quang Trung đưa ra sau khi có chuyến khảo sát thực tế ở Quảng Ninh. Sở GTVT cho rằng do đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún, hệ thống thoát nước bị hư hỏng nên dù lắp đặt máy bơm công suất lớn thì cũng không thể phát huy hiệu quả chống ngập do không thể thu gom nước như mong muốn. Ngoài ra, việc dùng máy bơm công suất lớn hút bùn cát, đất đá trong lòng cống có thể gây ra tình trạng sụp lún mặt đường. Tuy nhiên, hôm 24/6, tại cuộc họp với đại diện Sở GTVT TP.HCM, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành uỷ TP.HCM..., Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chấp nhận phương án thử nghiệm chống ngập bằng máy thông minh do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Tập đoàn Quang Trung) chế tạo. |
Theo Zing