Pháp nhanh tay hái quả ngọt Libya trước mắt Nga

Thứ ba, 25/07/2017, 10:21
Dù được cả hai lực lượng chính đang kiểm soát Libya gửi gắm kỳ vọng nhưng Moscow vẫn chưa có hành động thể hiện vai trò trung tâm hoà giải...

Reuters ngày 23/7 cho hay, chính quyền mới của nước Pháp đã bước vào bàn cờ chính trị Libya qua việc chính thức trở thành cầu nối hoà giải giữa hai lực lượng chính đang kiểm soát hai miền Đông - Tây Libya.

Theo nguồn tin cung cấp cho Reuters, Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), đại diện cho lực lượng miền Đông Libya, tướng Khalifa Haftar đã đến Paris để gặp Thủ tướng chính phủ Libya được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn Fayez al-Serraj nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya, dưới sự trung gian của Pháp.

Đây là bước đi rõ ràng nhất của Paris trong việc can thiệp vào tình hình Libya sau khi có sự thay đổi quyền lực tại Điện Elysees, cùng với đó là những quan điểm và chính sách mới trong quan hệ đối ngoại.

Tướng Khalifa Haftar đã đến Paris - một hành động cụ thể của Pháp trong vai trò trung tâm hoà giải cho Libya

Còn nhớ ngày 19/5 vừa qua, chính quyền mới tại Pháp đã tuyên bố xem xét lại quan điểm của Paris về cuộc xung đột Libya và đây là lần đầu tiên Paris có tín hiệu thay đổi trong chính sách đối với Libya thời hậu Gaddafi.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron công khai kêu gọi Libya cấn phải có một quân đội thống nhất, bao gồm cả lực lượng Quân đội Quốc gia của tướng Haftar đang kiểm soát miền Đông Libya, để chống lại các chiến binh Hồi giáo.

"Libya cần phải xây dựng một đội quân quốc gia dưới sự kiểm soát của chính phủ dân sự, với sự tham gia của tất cả các lực lượng chống khủng bố trên khắp đất nước, bao gồm cả lực lượng của tướng Haftar", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal.

Nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh: "Pháp sẽ làm việc với các đối tác châu Âu để tìm cách tăng cường các hoạt động chính trị và an ninh nhằm giúp khôi phục lại các thể chế cho Libya và xây dựng một quân đội Libya có đủ khả năng đánh bại lực lượng khủng bố".

Điều đó cho thấy chính quyền mới tại Pháp đã thay đổi hoàn toàn lập trường về cuộc xung đột tại Libya so với chính quyền thời cựu Tổng thống Francois Hollande, vốn có sự mâu thẫn trong quan điểm về Libya.

Khi đó Bộ Ngoại giao Pháp công khai ủng hộ chính phủ Libya do Thủ tướng Fayez Serraj đứng đầu tại Tripoli được LHQ hậu thuẫn (GNA), còn Bộ Quốc phòng Pháp lại ủng hộ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của tướng Haftar.

Khi tiếp quản quyền lực, Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Jean-Yves Le Drian, cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các Hollande làm Bộ trưởng Ngoại giao trong nội các mới, từ đó chính sách của Paris về Libya được điều chỉnh và kết nối với cả lực lượng đang kiểm soát miền Đông lẫn miền Tây đất nước Bắc Phi này.

Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi của Pháp về Libya là thách thức rất lớn đối với Nga trong việc tạo thế cờ mới tại Libya, sau khi Moscow được cả chính phủ Libya tại Tripoli lẫn Hạ viện Libya tại Tobruk xem là nhà trung gian hoà giải duy nhất cho xung đột tại Libya.

Cũng nên nhắc lại rằng, Quân đội Quốc gia Libya của Tổng tư lệnh Khalid Haftar, là lực lượng thân Nga, kiểm soát ở miền Đông Libya và đang được hậu thuẫn bởi Hạ viện Libya đóng tại thành phố cảng Tobruk - định chế chính trị căn bản được quốc tế công nhận và hợp hiến tại Libya.

Còn chính phủ Libya tại Tripoli thân phương Tây và được LHQ hậu thuẫn, song lại bị Toà án Tối cao Libya từ chối công nhận tính hợp pháp.

Thực tế đó khiến lực lượng chính trị này đã kết nối với Nga nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ của Moscow trong việc hoà giải với lực lượng tại miền Đông.

Diễn tiến tình hình đã tạo ra một cái thế rất thuận lợi cho Moscow bước vào ván cờ Libya với vị thế đạo diễn cho ván cờ. Không những vậy, trong thời gian gần đây lực lượng thân Nga liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng và qua đó đã giúp Nga hái quả ngọt khi Tập đoàn Rosneft chính thức khai thác dầu thô tại Libya.

Tổng thống Macron đã có hành động thách thức Tổng thống Putin trong ván cờ Libya

Tuy nhiên, sau khi Paris thay đổi quan điểm với Libya thì cái thế của Moscow đã đứng trước nguy cơ bị phá, và nay Paris hiện thực hoá quan điểm bằng hành động thì đã chính thức thách thức cho triển vọng đạo diễn ván cờ Libya của Moscow.

Giới phân tích từng cho rằng, Moscow không thể không giật mình khi Paris hướng về Libya với một cái nhìn mới, mà hậu quả là có thể giúp Paris chiếm thế thượng phong trước Moscow qua việc nắm giữ những quân cờ chủ lực trong ván cờ Libya đang chờ sắp đặt lại.

Mặc dù người Nga đi trước người Pháp một nước cờ trong ván cờ Libya, nhưng cái thế của Moscow hầu hết là nhờ "bất chiến tự nhiên thành" nên Kremlin có vẻ đủng đỉnh trong hành động của mình.

Dù được cả hai lực lượng chính đagn kiểm soát Libya gửi gắm kỳ vọng nhưng cho đến lúc này, Moscow vẫn chưa có hành động cụ thể chính thức nào thể hiện vai trò của một trung tâm hoà giải tại Libya.

Bởi Moscow chưa tổ chức được một cuộc gặp gỡ chính thức nào giữa hai lực lượng kiểm soát hai miền Đông - Tây Libya, để từ đó có thể tìm kiếm một giải pháp khả dĩ cho cuộc xung đột trong một đất nước Libya hỗn loạn thời hậu Gaddafi.

Trong khi Paris đã làm được điều đó. Pháp đi sau nhưng có lợi thế bởi Bộ Ngoại giao Pháp đã có kết nối với GNA, còn Bộ Quốc phòng nước này thì có kết nối với LNA. Do vậy, khi chính phủ Pháp thống nhất quan điểm là ngay lập tức vai trò trung gian hoà giải của Paris được hiện thực hoá.

Có thể thấy rằng, Tổng thống Macron đã chính thức thách thức Tổng thống Putin trong ván cờ Libya với các nước đi cụ thể, nhanh chóng và rất thực tế.

Nếu Moscow không nhanh chóng có hành động thì có thể quả ngọt mà người Nga đang hái sẽ phải chia sẻ với người Pháp trong một ngày không xa.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn