Trung Quốc ngang nhiên xây rạp chiếu phim ở Hoàng Sa

Thứ ba, 25/07/2017, 09:07
Trung Quốc vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng một rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới phân tích nhận định, trên Biển Đông hiện nay, Bắc Kinh có thể gây chuyện bất kỳ lúc nào.

Trung Quốc xây dựng trái phép nhiều công trình trên đảo Phú Lâm.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin, rạp chiếu phim mang tên Yinlong chiếu phim lần đầu tiên hôm thứ Bảy vừa qua. CCTV nói rằng, rạp được xây để cải thiện điều kiện sống trên đảo. “Sẽ có ít nhất 1 phim mỗi ngày được chiếu cho các quân nhân và người dân để họ có thể thưởng thức những bộ phim và chương trình giải trí như ở các khu vực khác của Trung Quốc”, CCTV dẫn lời ông Gu Xiaojing, quản lý của công ty truyền thông Hải Nam, đơn vị sở hữu rạp chiếu phim.

Phú Lâm là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những năm gần đây, Trung Quốc xây dựng và lắp đặt trái phép nhiều cơ sở, trang thiết bị quân sự trên đảo này và đưa khoảng 1.000 người ra đảo. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngang nhiên xây dựng và quân sự hóa nhằm từng bước hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn dùng những lời lẽ ngụy biện để đánh lạc hướng dư luận. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua nói tại Bangkok rằng, Bắc Kinh muốn “duy trì ổn định” trên Biển Đông, có vẻ để lôi kéo đồng minh trong khu vực. Thái Lan không phải nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông và vẫn duy trì quan điểm trung lập về vấn đề này. Chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Bangkok diễn ra trước thềm hội nghị ASEAN diễn ra tại Philippines vào tháng tới.

Chiến thuật tạm thời

Một năm sau phán quyết được cho là sẽ thay đổi cuộc chơi của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, khu vực dường như đang trong giai đoạn bình lặng. Theo một bài phân tích vừa được đăng trên tạp chí The Diplomat, sự bình lặng sau phán quyết là do nhiều yếu tố, trước tiên là sự kiện Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào tháng 6 năm ngoái và theo đuổi cách tiếp cận với Trung Quốc theo hướng hòa giải.

Trung Quốc đang tận dụng ý tưởng về cái mà giới chức nước này gọi là “hạ nhiệt” tình hình, hô hào để kêu gọi chú ý về phần khung Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và dập tắt nỗ lực của các bên không liên quan, trong bối cảnh Bắc Kinh sắp có Đại hội Đảng lần thứ 19 trong năm nay.

Trong khi đó, nhiều nước khu vực đang chú ý hơn đến những vấn đề khác như mối đe dọa mà lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra ở khu vực, vấn đề chính trị nội bộ trước các cuộc bầu cử sắp tới ở Malaysia, Indonesia, sức ép ngày càng lớn mà Trung Quốc đang tạo nên đối với từng nước thành viên ASEAN, từ Việt Nam đến Singapore, bài viết nhận định.

Dữ liệu của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington cho thấy, dù Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán với ASEAN về bộ khung COC nhưng Bắc Kinh chưa thể hiện dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ dừng xây dựng các cơ sở quân sự và lưỡng dụng trên khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Các nước ASEAN hiểu thực tế này, nên họ lặng lẽ thực hiện các bước đi nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực. Indonesia gần đây thông báo đặt tên và khoanh vùng vùng biển; Malaysia mạnh tay xử lý vi phạm đánh bắt trên biển…

Bên cạnh đó, Mỹ và các cường quốc ngoài khu vực vẫn chưa từ bỏ vấn đề Biển Đông, cho dù họ có vẻ đang làm một cách kín tiếng hơn. Các cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông, các cuộc hiện diện ở khu vực đang diễn ra và đang tăng tốc trong một số trường hợp. Những nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực hàng hải, bảo vệ bờ biển và trên không.

Theo giới quan sát, kiểu hành động của Trung Quốc trên Biển Đông những năm qua cho thấy, bất kỳ giai đoạn bình lặng ngắn ngủi nào như hiện nay cũng chỉ là chiến thuật tạm thời chứ không phải sự thay đổi suy nghĩ chiến lược của họ. Các bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có xu hướng xen kẽ giai đoạn hung hăng, quyết liệt với giai đoạn quyến rũ và xoa dịu.

Chỉ 7 tháng sau khi tiết lộ một chiến lược mới để phát triển quan hệ ASEAN- Trung Quốc nhằm quyến rũ Đông Nam Á, Trung Quốc đưa ngay một giàn khoan dầu lớn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào mùa hè năm 2014. Và khi người ta hy vọng Trung Quốc có thể sắp thay đổi chính sách trên Biển Đông vào năm 2015 khi Bắc Kinh tuyên bố “năm của hợp tác trên biển giữa ASEAN-Trung Quốc” thì nước này cuối cùng tăng cường hoạt động xây dựng bồi đắp đảo trái phép và tiếp tục xâm phạm vùng biển của một số nước ASEAN, trong khi vẫn tham gia các cuộc thương lượng với khối này về COC. Vì thế, có lý do để tin rằng, Bắc Kinh vào thời điểm nào đó sẽ lại đốt nóng Biển Đông, các nhà phân tích nhận định.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn