Sốt ruột nhìn Nga hái quả ngọt Libya, phương Tây mạo hiểm?

Thứ hai, 17/07/2017, 14:38
Xét về uỷ nhiệm quyền lực thì Chính phủ Đoàn kết Dân tộc là do phương Tây dựng lên chứ không phải được bầu chọn bởi cơ quan đại diện....

Reuters ngày 16/7 cho hay, người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya tại Tripoli (GNA) - được các cường quốc phương Tây ủng hộ và có sự hậu thuẫn của LHQ - đã kêu gọi tổ chức cuộc tổng tuyển cử tại Libya vào tháng 3/2018.

Thủ tướng GNA Fayez al-Seraj cũng kêu gọi ngừng bắn và sáp nhập dần các cơ quan quyền lực tại miền đông Libya, mà thực thể chính trị căn bản là Hạ viện Libya đóng tại Tobruk, với các cơ quan quyền lực của chính phủ ở Tripoli.

Giới phân tích rất ngạc nhiên trước việc GNA kêu gọi tổng tuyển cử và cho rằng dường như phương Tây đã quá sốt ruột với ván cờ Libya.

Tuy nhiên, cả phương Tây và thực thể chính trị do họ dựng lên tại Libya đều không thực tế trong động thái này.

Thủ tướng chính phủ không quyền không lực tại Libya Seraj

Thứ nhất về địa vị pháp lý của GNA. Cho dù được hầu hết các cường quốc phương Tây ủng hộ và có sự hậu thuẫn của LHQ, song Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya của Thủ tướng Seraj cho đến nay vẫn không phải là một thực thế chính trị hợp pháp, hợp hiến tại Libya.

Tháng 3/2017, Toà án Tối cao Libya đã ra phán quyết không công nhận địa vị pháp lý của GNA, sau khi GNA không được Hạ viện Libya - thưc thể chính trị căn bản hợp hiến tại Libya - công nhận.

Do vậy, GNA không có đủ tư cách để kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử hợp pháp tại Libya.

Ngược dòng lịch sử, sau khi được NATO hỗ trợ lật đổ chế độ Gaddafi vào tháng 10/2011, Hội đồng Chuyển tiếp Libya (NTC) quản lý đất nước đến tháng 8/2012 thì trao quyền lại cho Đại hội Toàn quốc Libya (GNC).

Đến tháng 6/2014 thì GNC tổ chức cuộc tổng tuyển cử để cử tri Libya bầu ra một cơ quan đại diện quyền lực nhân dân cho quốc gia này. Kết quả là Hội đồng các đại diện (CoR) đã ra đời.

Tuy nhiên, thay vì phải trao quyền lại cho CoR thì GNC không thực hiện điều đó, khiến tại Libya thời hậu bầu cử có tới hai thể chế chính trị đối lập và mâu thuẫn.

Lợi dụng tình hình, lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya đã chiếm thủ đô Tripoli và thành lập chính phủ mới với sự ủng hộ của GNC.

Thực tế đó khiến CoR phải chuyển tới thành phố cảng Tobruk và được bảo trợ của Hạ viện Libya - cơ quan đại diện quyền lực do nhân dân Libya bầu ra.

Tháng 8/2014, cộng đồng quốc tế công nhận Hạ viện tại Tobrouk là thực thể chính trị đại diện duy nhất của nhân dân Libya.

Việc tồn tại cùng một lúc hai chính thể tại miền Đông và miền Tây làm cho đất nước Libya ngày càng hỗn loạn, là cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố có nhiều đất diễn.

Và đó cũng là thời cơ cho phương Tây can thiệp vào Libya một lần nữa.

Ngày 17/12/2015 tại Skhirat, Maroc, các cường quốc phương Tây và LHQ đã tổ chức ký kết một thoả thuận phân chia quyền lực giữa hai thực thể chính trị đang kiểm soát miền Đông và miền Tây Libya.

Kết quả của Thoả thuận Skhirat là sự ra đời của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) và ông Seraj được chọn đứng đầu GNA.

Dường như nhận ra mưu đồ phía sau của đạo diễn kịch bản nên cả hai phe đối địch tại Libya đều phản đối chính phủ mới này.

Vì vậy, GNA được thành lập nhưng phải lưu vong. Đến ngày 30/3/2016 Thủ tướng Seraj cùng nội các mới từ Tunisia về được Libya và đóng tại Tripoli. Ông Sarraj cam kết sẽ thống nhất các phe phái, chấm dứt xung đột tại Libya.

Song một năm sau ngày trở về, người đứng đầu GNA đã không thể thực hiện được lời cam kết, còn phương Tây thì nhận cú đấm trời giáng khi GNA không được Toà án Tối cao công nhận địa vị pháp lý, theo The Guardian.

Tư lệnh Khalifa Haftar nòng cốt sức mạnh của lực lượng miền Đông Libya

Thứ hai về tín nhiệm của người dân. Xét về uỷ nhiệm quyền lực, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc chủ yếu do phương Tây dựng lên chứ không phải được bầu chọn bởi cơ quan đại diện quyền lực nhân dân Libya, tức Hạ viện tại Tobruk.

Báo Le Monde cho biết, Thỏa thuận Skhirat chỉ được 75 trên tổng số 188 đại diện của Hạ viện Libya đồng thuận.

Nghĩa là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya ra đời không phải là thể hiện ý nguyện của người dân Libya, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Theo tờ báo Pháp, Thỏa thuận Skhirat được kí trong trạng thái cấp bách và dưới sức ép mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây dường như chỉ nhằm cho phép một cuộc can thiệp quân sự nữa của phương Tây vào Libya.

Bởi ngay sau Thoả thuận Skhirat được ký kết, ngày 23/12/2015, Anh đã đề xuất HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết về Libya, khi cho rằng tình hình tại quốc gia Bắc Phi này là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới".

Tuy nhiên, từ khi trở về Tripoli vào tháng 3/2016 cho đến nay, chính phủ đoàn kết Libya do phương Tây dựng lên đã không thể khẳng định được vị thế của mình trong đời sống chính trị - xã hội tại Libya.

GNA cũng không thể hiện được vai trò của một cơ quan quản lý nhà nước khi tại khu vực do GNA kiểm soát thường xuyên mất điện, thiếu nước và các dịch vụ công khác, nhưng GNA bất lực.

Điều đó khiến người dân Libya cho rằng GNA vô tác dụng, đồng nghĩa GNA "không quyền, không lực".

Trong khi đó, lực lượng chính trị tại miền Đông Libya - được cho là thân Nga - liên tục khẳng định vị thế và vai trò, thậm chí còn giúp Moscow đã bắt đầu hái quả ngọt.

Có lẽ vì vậy mà phương Tây sốt ruột nên tạo sức ép buộc GNA kêu gọi tổng tuyển cử, nhằm xoá bàn cờ cũ, sắp lại bàn cờ mới theo ý đồ của họ.

Song phương Tây đã rất mạo hiểm, bởi GNA "danh không chính" tại Libya, nên có thể lời kêu gọi của GNA nhân danh cơ quan đại diện quyền lực Libya sẽ bị Toà án Tối cao xem xét và GNA có thể bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn