|
Một người chăn nuôi tại Đồng Nai tự tổ chức giết mổ heo rồi đưa thịt lên bày bán tại một vỉa hè ở TP.HCM |
Huy động cả gia đình đi bán heo
11h trưa nắng. Bên lề đường Đình Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9, TP.HCM), anh Trương Văn Duy (quê Nghệ An) vẫn không ngớt lời mời gọi người đi đường ghé sạp mua thịt: “Heo nhà nuôi chỉ 50.000 đồng/kg cô bác ơi, ghé vào mua giúp ủng hộ cháu với”.
Một bà cụ ngoài 70 tuổi xách lỉnh kỉnh đồ đi chợ về ghé vào lật từng miếng thịt nạc: “Xắt cho bà nửa ký con ơi”.
Cẩn thận cho miếng thịt vào bịch, anh Duy báo giá 25.000 đồng nhưng bà cụ nhăn mặt: “15.000 đồng thôi”.
Suy nghĩ giây lát, anh Duy chậc lưỡi chấp nhận bán với giá 15.000 đồng/nửa ký thịt heo.
Dắt díu gia đình từ huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) vào Trảng Bom (Đồng Nai) lập nghiệp khoảng chục năm nay, anh Duy bảo nghề chăn nuôi heo giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định.
Thế nhưng giá heo “tụt dốc” từ đầu năm đến nay, gia đình anh và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác bị lỗ nặng, đàn heo được nuôi bằng... sổ đỏ.
Theo anh Duy, với tổng đàn 300 - 400 con heo thịt, chỉ riêng tiền cám đã ngốn hết 200 triệu đồng/tháng, trong khi rất khó tiêu thụ heo.
Do đó hơn một tháng trước, gia đình anh Duy cùng người em đã thuê mảnh đất trống giá 3 triệu đồng/tháng trên đường Đình Phong Phú để bán thịt heo.
Lúc đầu người đi đường còn ái ngại, nhưng khi kiểm tra có dấu kiểm dịch và biết là heo “nhà làm” nên nhiều người ghé mua.
Ngoài hộ anh Duy, dọc tuyến đường này cũng có 7 - 8 hộ gia đình chăn nuôi heo từ Định Quán và Long Thành (Đồng Nai) mang thịt heo “sạch, nhà nuôi” đưa ra bán.
Tương tự, tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), nhà anh Vương (45 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cũng huy động sáu người nhà xử lý số heo đã đến tuổi xuất chuồng.
Mỗi ngày, gia đình anh Vương mổ thịt khoảng ba con heo, rồi chia nhau ra đứng bán trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM.
Anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bán thịt heo “nhà nuôi” trên đường Lê Văn Chí (Q.Thủ Đức) cho biết trang trại gia đình anh có đến 2.000 con, trong đó có khoảng 200 heo thịt đến tuổi xuất chuồng, nhưng do giá heo thấp và khó tiêu thụ nên đã huy động người mổ heo mang bán.
“Hơn hai tuần nay, mỗi ngày tui bán được khoảng sáu con, chủ yếu cho khách vãng lai dọc đường hoặc người đi chợ” - anh Tâm cho biết.
Lo heo bệnh trà trộn
Ông Khương Trần Phúc Nguyên - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết do giá heo thấp nên một số người chăn nuôi tự mổ heo bán, chủ yếu được đưa vào từ Đồng Nai.
Theo ông Nguyên, ngoài những hộ làm ăn đàng hoàng, không loại trừ nguy cơ heo bệnh chết được trà trộn vào heo “nhà nuôi”.
“Việc kinh doanh giết mổ này nếu kéo dài sẽ phá vỡ hệ thống quy hoạch giết mổ heo của TP.HCM, tạo tiền lệ xấu và sự cạnh tranh không lành mạnh...” - ông Nguyên nói.
Ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai - cho rằng tình trạng người chăn nuôi tự mổ thịt đưa ra ngoài đường bán là tình thế bất đắc dĩ, do giá heo xuống thấp và đầu ra khó khăn. Hơn nữa, người dân tự mổ heo ra bán có lời hơn so với bán heo hơi tại chuồng.
Tuy nhiên, theo ông Quang, việc người dân tự mổ heo rồi bày bán trên đường sẽ gây khó khăn trong việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, sẽ không tránh khỏi tình trạng một số người mạo danh “giải cứu” heo để bán các loại thịt heo không đảm bảo chất lượng như heo bệnh, heo chết.
“Hiện cơ quan chức năng tỉnh đã hướng dẫn người dân tự mổ heo phải bán đúng địa điểm quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng tình trạng này sẽ chấm dứt trong thời gian tới vì giá heo đang lên rất nhanh” - ông Quang nói.
Theo ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, lượng heo thịt tồn đọng trên địa bàn đã giảm và giá heo hơi đã tăng mạnh trở lại, nhưng vẫn chỉ mới đến điểm hòa vốn. Số liệu thống kê từ ngày 8 đến 14-7 cho thấy tổng đàn heo thịt tại Đồng Nai chỉ còn hơn 1,588 triệu con và trong tuần này đã xuất bán thêm hơn 55.300 con. “Giá heo hơi đã tăng trở lại và với lượng heo tiêu thụ mạnh như hiện nay, có khả năng giá heo sẽ tiếp tục tăng. Nếu giá heo tăng lên 39.000-40.000 đồng/kg, người bán heo đã có lời” - ông Quang khẳng định. Trong khi đó, theo Chi cục Thú y TP.HCM, trên địa bàn có 230 hộ chăn nuôi với khoảng 9.375 con heo thịt đến tuổi xuất chuồng vẫn chưa tiêu thụ được. |
Theo TTO