Djibouti là một quốc gia nghèo tài nguyên, ít dân số nhưng sự ổn định ở đây có ảnh hưởng chiến lược tới rìa phía Tây của Ấn Độ Dương, vốn là tuyến đường biển quan trọng cho phát triển trên toàn thế giới.
Đây cũng là vị thế quan trọng đối với thương mại và năng lượng toàn cầu bởi vùng lân cận của nó là eo biển Mandeb và kênh Suez-Aden, nơi chứa 10% hàng xuất khẩu dầu của thế giới và 20% hàng xuất khẩu thương mại hàng năm.
Chẳng vì thế mà sự xuất hiện của căn cứ quân sự Trung Quốc tại quốc gia này không phải là điều đáng để lưu tâm.
Cờ Trung Quốc tung bay tại căn cứ quân sự mới ở Djibouti. |
Từ ngày 21/1 năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố thỏa thuận với Djibouti để tiếp nhận căn cứ đầu tiên ở nước ngoài và việc xây dựng căn cứ đã bắt đầu vài ngày sau đó.
Căn cứ quân sự mới của Bắc Kinh ở Djibouti theo các chuyên gia nói với The Huffington Post tiềm ẩn nguy cơ phát sinh xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở đây.
Vị trí dần suy giảm của Mỹ ở Djibouti
Kể từ tháng 11/2002, Djibouti đã từng tồn tại trại Lemonnier là một căn cứ viễn chinh của Mỹ - căn cứ Mỹ duy nhất ở lục địa châu Phi, cùng các căn cứ khác thuộc liên minh Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Trại Lemonnier của Hoa Kỳ duy trì rất nhiều tiền đồn nhỏ và sân bay ở châu Phi nhưng chính thức coi Lemonnier là căn cứ quân sự toàn diện duy nhất trên lục địa đen.
Là cơ sở quân sự duy nhất ở Châu Phi, Lemonnier là một căn cứ phục vụ đầy đủ các chức năng quan trọng của Hoa Kỳ.
Đây là nhà của 4.000 nhân viên quân và dân sự, là trung tâm đầu não của 6 trạm phóng tên lửa trên khắp lục địa và đã có khả năng tấn công các mục tiêu xa xôi như Al-Shabab ở Somalia, Boko Haram ở Nigeria và Al-Qaeda ở Yemen, bán đảo Arabia.
Đây cũng là trụ sở của Tổ công tác 48-4, một đơn vị chống khủng bố nhằm vào các chiến binh ở Đông Phi và Yemen. Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cơ quan giám sát của Không quân và Hải quân cũng tụ tập tại đây.
Như bàn đạp cho các hoạt động chống cướp biển do Mỹ đứng đầu, Trại Lemonnier được coi là giúp Mỹ duy trì vai trò là người bảo hộ chính cho an ninh ở Vịnh Aden, vùng Sừng Châu Phi và Ấn Độ Dương.
Vào năm 2014, Hoa Kỳ đã ký một hợp đồng thuê mới trong 20 năm cho cơ sở này với chính phủ Djiboutian và cam kết hơn 1,4 tỷ USD để hiện đại hóa nó trong những năm tới. Chi tiêu đáng kể này đã bị chỉ trích với xu hướng của chính sách Tổng thống Barack Obama khi đó là giảm bớt các cam kết quân sự của Mỹ ở nước ngoài.
Sau đó, tình trạng hoạt động của căn cứ này đã bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc và Saudi Arabia.
Các cam kết của Chính phủ Mỹ cũng giảm bớt. Hoa Kỳ cung cấp hàng triệu đô la viện trợ lương thực hàng năm thông qua USAID như một phần của Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên Hợp Quốc, điều hành các dự án y tế và giáo dục chỉ ở mức khiêm tốn, chỉ đạt 152 triệu đô la thương mại vào năm 2015.
Ngoài ra, cũng không có nỗ lực chung nào trong tham gia cuộc thảo luận công khai ở Djibouti nhằm phục vụ các mục tiêu hoặc giá trị của Mỹ.
Trung Quốc tập trung cho chuỗi ngọc trai chiến lược
Ngược lại với Mỹ, Trung Quốc chưa từng có một căn cứ quân sự nào ở nước ngoài.
Do đó, dự án Djibouti dù khiêm tốn nhưng là bằng chứng thúc đẩy nhận thức rằng, dấu chân quân sự của Trung Quốc ngày càng trải rộng và đây cũng là cách Bắc Kinh gửi đi một thông điệp với các đối thủ của mình.
David Shedd, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói với The Huffington Post rằng: "Người Trung Quốc muốn báo hiệu với thế giới rằng họ có sự hiện diện trên toàn thế giới. Một phần nhiệm vụ của Trung Quốc được định nghĩa đơn giản là được các quốc gia khác chứng thực căn cứ này".
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Các cơ sở sẽ chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng vũ trang của Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển ngoài khơi Somali và hỗ trợ nhân đạo".
Nó cũng sẽ cho phép di tản nhanh chóng các công dân Trung Quốc sống ở Trung Đông và châu Phi trong tình huống khẩn cấp. Bài học cũ của Trung Quốc trong cuộc cách mạng Mùa xuân Arabia đã cho thấy vai trò của căn cứ quân sự này.
Thời điểm đó, 35.680 công dân Trung Quốc chủ yếu là công nhân làm việc trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Libya, 629 công nhân ở Yemen đã bị mắc kẹt trong cuộc cách mạng này. Trong cuộc di tản ở Libya, Trung Quốc chỉ có một chiếc tàu khu trục có sẵn trong vùng lân cận, vì vậy, hầu hết những người sơ tán đã phải ngôi trên những chiếc máy bay thương mại thuê.
Trong cuộc phỏng vấn với mạng tin tức quốc gia Taiwan Today, nhà phân tích chính trị người Đài Loan Lai Yueqian đánh giá rằng, căn cứ của Trung Quốc có thể sử dụng để "hạ bệ" Mỹ.
"Căn cứ quân sự của Trung Quốc có thể được sử dụng để hạ bệ Hoa Kỳ và bất kỳ tổ chức nào do Hoa Kỳ lãnh đạo và nếu Mỹ muốn can thiệp vào lợi ích của Trung Quốc, họ sẽ phải suy nghĩ cẩn thận, bởi vì Trung Quốc sẽ sử dụng quân đội của mình để bảo vệ công dân và tài sản của họ" - ông Lai Yueqian đánh giá.
Cùng chung quan điểm này, Thượng nghị sĩ Chris Coons trong phiên họp của Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về Các vấn đề Châu Phi cũng đã đặt vấn đề quan ngại liên quan đến căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti.
"Hoa Kỳ phải cảnh giác đối mặt với tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc" - ông Chris Coons nhấn mạnh.
Những triển vọng của Bắc Kinh ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông khác với các chính sách của Mỹ và vì đó, cuộc can thiệp quân sự do Hoa Kỳ và khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã làm Bắc Kinh tức giận.
Tại Hội đồng Bảo an LHQ sau đó, Bắc Kinh sau đó đã chặn những nỗ lực để thiết kế một cuộc can thiệp quân sự của phương Tây ở Syria.
Bên cạnh đó, một căn cứ quân sự mới trong vùng ở quốc gia Bắc Phi cũng như ở bán đảo Arabia hứa hẹn sẽ làm tăng cường quan điểm chính trị của của Trung Quốc - dù với quy mô khiêm tốn
Bản đồ chuỗi ngọc trai của Trung Quốc tại khu vực bán đảo Arabia. |
Theo dự thảo chính sách quốc phòng mới nhất của Bắc Kinh, phát hành tháng 5/2015, "lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ làm việc chăm chỉ hơn để tạo ra một tư thế chiến lược thuận lợi với dấu ấn về việc sử dụng các lực lượng quân sự và phương tiện".
Công thức này được cho là ám chỉ đến chuỗi ngọc trai của Trung Quốc và sáng kiến "Một Vành đai - Một con đường".
Đây sẽ là một mạng lưới các cảng hải quân, chủ yếu dọc Ấn Độ Dương, nhằm đảm bảo các tuyến đường biển từ Trung Quốc đại lục sang Sudan.
Sáng kiến "Một Vành đai - Một con đường" nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu của Trung Quốc thông qua các tuyến đường biển thương mại, phần lớn dọc theo con đường tơ lụa lịch sử, nằm rải rác ở châu Âu và Trung Đông.
Cơ sở của Trung Quốc ở Djibouti sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của Bắc Kinh ở mục tiêu thương mại này.
Ông Toshi Yoshihara, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Trường Cao Đẳng Hải quân Hoa Kỳ đã lập ra bản đồ giao lộ của Hải quân Trung Quốc và liên doanh thương mại ở khu vực Thái Bình Dương và cho rằng: "Chúng trông như một chuỗi ngọc trai".
Djibouti - "quê hương" của cả hai căn cứ non trẻ và sự đầu tư kinh tế rộng rãi của Trung Quốc, rõ ràng sẽ là một viên ngọc trai mới trên sợi dây này.
Vào thời điểm các dự án sản xuất máy bay và tàu sân bay Trung Quốc trở nên phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh với ngành công nghiệp quân sự Mỹ, căn cứ ở Djibouti của Trung Quốc phản ánh một khát vọng của Trung Quốc để đáp ứng mục tiêu vượt qua Mỹ về sức mạnh quân sự và kinh tế trong khu vực.
Cùng với năng lực quân sự, sự đầu tư của Trung Quốc vào Djibouti còn đi kèm với các sáng kiến quyền lực mềm để xây dựng mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội ở quốc gia này.
Từ năm 2015, Bắc Kinh đã đổ hơn 14 tỷ USD vào phát triển cơ sở hạ tầng ở Djibouti, tạo ra thiện chí của Trung Quốc với người dân ở đây.
Mức đầu tư hơn 10 lần so với mức đầu tư của Mỹ là món quà niềm tin rất lớn với Chính phủ của Tổng thống Isma'il Omar Guelleh.
Không chỉ đầu tư vật chất, Trung Quốc cũng có hoạt động giao lưu văn hóa như xây dựng Học viện Khổng Tử ở Thành phố Djibouti.
Khi ảnh hưởng của Trung Quốc phát triển ở Djibouti, khả năng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và các chiến lược an ninh của chính phủ hứa sẽ phát triển cùng với nó.
Theo Đất Việt