Bão số 4 đang có tốc độ di chuyển rất nhanh, hướng vào đất liền

Thứ ba, 25/07/2017, 11:22
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết, bão số 4  đang có tốc độ di chuyển rất nhanh, hướng vào đất liền, chiều tối nay, sẽ đổ bộ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Ông Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão số 4

Ngày 25.7, tại Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp trực tuyến lãnh đạo các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế để chỉ đạo các biện pháp ứng phó với bão số 4.

Vẫn còn 520 tàu hoạt động ở vùng có bão

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết, qua theo dõi trong nhiều giờ qua, bão số 4 di chuyển lệch sang hướng tây thay vì hướng tây tây bắc như ngày hôm qua. Dự kiến khoảng chiều tối nay 25, bão số 4 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Trong đó, vùng trọng tâm của bão, gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10 là khu vực phía nam Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Ngay sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 4 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đớitrên khu vực biên giới Việt - Lào.

Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng thông tin, trên vùng biển Hoàng Sa ảnh hưởng của bão số 4 vẫn còn 520 tàu với 3.493 lao động của các tỉnh Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Bình Quảng Nam và Quảng Ngãi đang hoạt động nhưng đã được liên lạc để hướng dẫn di chuyển đến nơi an toàn. Ngoài ra, 4 tàu cá khác của tỉnh Quảng Bình đã vào neo đậu tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN - PTNT) cũng yêu cầu, các tỉnh ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Trị áp dụng ngay lệnh cấm biến từ sáng nay 25.7.  Các tỉnh vùng trọng tâm bão đổ bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị có phương án sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm, trên các chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ sản để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh. Trước 16 giờ chiều nay, các địa phương này phải hoàn thành công tác ứng phó với bão số 4.
Hoãn họp để ứng phó bão
Báo cáo với Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4, ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến sáng nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có 2.887 với 6.608 lao động đã vào tránh trú an toàn. Ở vùng biển ngoài tỉnh, 18 tàu với 189 lao động cũng đã vào neo đậu tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Ngay từ 14 giờ chiều qua, tỉnh Quảng Trị đã ra lệnh cấm biển và kích hoạt các phương án, kịch bản theo dõi toàn bộ các công trình, hồ đập có nguy cơ mất an toàn. Hiện tại, Quảng Trị đang có 16 hồ đập trữ nước với dung lượng lớn trên 70%.
Cũng theo ông Chính, toàn tỉnh Quảng Trị đang có 22.000 lúa đang vào thời kỳ trổ đòng, nếu mưa lớn ngập úng kéo dài thì nguy cơ mất mùa là rất lớn. Theo đó, UBND tinh Quảng Trị có chỉ đạo mở các cống, kích hoạt các phương án chống ngập và di dân khỏi vùng nguy hiểm khi cơn bão đổ bộ.
Còn tại tỉnh Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đã có chỉ đạo các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết và tạm dừng công tác tìm kiếm cứu nạn 2 thuyền viên VTB 26 còn mất tích để tập trung ứng phó bão số 4. Trên địa bàn Nghệ An cũng có 625 hồ chứa, trong đó có 263 hồ đã đầy nước, còn lại đa số có mực tích nước từ 60 - 70 %. “Tỉnh đã có chỉ đạo đối với các hồ đã đầy thì công tác điều tiết phải khoa học, hợp lý tránh xả lũ, gây thiệt hại cho vùng hạ du. Các công trình không đảm bảo an toàn thì kiên quyết ông cho tích nước”, ông Hồng nói.
Kiên quyết cưỡng chế người dân lên bờ tránh bão
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, bão số 4 có quy luật đổ bộ bất thường, thay vì hướng ra các tỉnh phía Bắc thì lại đi vào khu vực Trung bộ, giống với cơn bão số 2. Đặc biệt khu vực này vừa chịu ảnh hưởng của mưa bão số 2 vẫn còn nhiều thiệt hại chưa thể khắc phục.
Nền địa chất ở khu vực này đã no nước và sản xuất nông nghiệp đang ở thời gian nhạy cảm, lúa đang trổ đòng, nên mưa bão số 4 sẽ gây tổn thương, thiệt hại lớn nếu công tác phòng chống, ứng phó không tốt. Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu, các địa phương không chủ quan cho rằng bão cường độ nhỏ, lượng mưa không quá lớn, vùng tác động không phải như dự báo mà có thể mở rộng hơn, để chuẩn bị các phương án ứng phó cao nhất.
Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bài học trong công tác ứng phó bão vừa qua là trên biển ngư dân đông, tàu thuyền lớn, nhưng không có thiệt hại, mà chủ yếu thiệt hại nặng nề nhất về con người, tài sản lại là khu vực ven bờ. Tai nạn chìm tàu VTB 26 vừa qua tại Nghệ An là điển hình, các địa phương phải rút kinh nghiệm, chỉ đạo ứng phó phải kiên quyết để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Ông Cường lưu ý, rút kinh nghiệm từ bão số 2, các địa phương phải chuẩn bị tốt nhất về nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền tránh bão và có biện pháp đảm bảo an ninh tốt nhất, thuyết phục người dân rời tàu thuyền để lên bờ, thuyết phục không được thì phải dùng biện pháp hành chính, cưỡng chế không để người dân ở lại phương tiện khi bão đổ bộ.
Đối với các công trình hồ đập ở khu vực Trung bộ, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương rà soát chặt chẽ phương án đảm bảo an toàn cho các công trình xung yếu, nguy cơ mất an toàn.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích