Trung Quốc lẳng lặng chuẩn bị cho khủng hoảng Triều Tiên

Thứ ba, 25/07/2017, 12:50
Bắc Kinh đã và đang tăng cường phòng thủ dọc tuyến biên giới với Triều Tiên để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, bao gồm khả năng Mỹ đánh phủ đầu Bình Nhưỡng.  

Binh sĩ Trung Quốc bắt đầu tuần tra tại thành phố Đan Đông, giáp giới với Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Street Journal, các nhà quan sát quân sự nhận định Bắc Kinh đã thực hiện nhiều thay đổi trong tuyến phòng thủ sát biên giới Triều Tiên kể từ năm ngoái, trong đó bao gồm việc tái bố trí lực lượng ở các khu vực xung quanh.

Động thái của Trung Quốc trùng với những cảnh báo liên tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng ông đang cân nhắc hành động quân sự để chặn đứng tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chuẩn bị cho mọi tình huống

Những biện pháp quân sự Trung Quốc thực hiện gần đây ở vùng biên giới gồm: thành lập một lữ đoàn phòng thủ mới, thực hiện giám sát bằng camera 24/7 với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, xây dựng hệ thống hầm tránh hạt nhân và vũ khí hóa học…

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn cho sáp nhập, di chuyển và hiện đại hóa nhiều đơn vị ở khu vực biên giới; công bố chi tiết các cuộc tập trận có sự tham gia của lính đặc nhiệm, không quân… hàm ý sẵn sàng gửi lực lượng này sang Triều Tiên nếu khủng hoảng nổ ra.

Hai sự kiện gần đây nhất là cuộc diễn tập bắn đạn thật của phi đội trực thăng chiến đấu hồi tháng 6 và một đơn vị xe bọc thép trong tháng 7.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đề cập trực tiếp đến mục đích của những thay đổi quân sự trên, chỉ nói một cách lấp lửng rằng “họ cần duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.

Một người phát ngôn của bộ này lên tiếng hôm 24-7: “Quân sự không nên là giải pháp giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đều chia sẻ cùng nhận định rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị mọi phương án dự phòng liên quan đến Triều Tiên, bao gồm sự sụp đổ của nền kinh tế, ô nhiễm phóng xạ hoặc xung đột quân sự.

Những thay đổi gần đây trong cấu trúc, trang bị và huấn luyện của lực lượng vũ trang Trung Quốc nằm trong chương trình cải tổ quân đội khởi động từ năm ngoái.

Nhưng riêng ở khu vực đông bắc, sự thay đổi chủ yếu là nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng Triều Tiên, theo các chuyên gia.

Binh sĩ Triều Tiên di chuyển trên sông Áp Lục - biên giới tự nhiên với Trung Quốc - Ảnh: AFP

Không chỉ để phòng thủ

“Sự chuẩn bị của Trung Quốc không chỉ vì lý do an ninh biên giới" - ông Mark Cozad, cựu quan chức tình báo quân đội Mỹ chuyên về Đông Á, nhận định.

Ông Cozad cho rằng giống với Mỹ và Hàn Quốc, Trung Quốc có thể nhắm đến khả năng chiếm đóng một khu vực ở Triều Tiên, chiếm kho vũ khí hạt nhân hoặc nhiều hơn thế.

Cũng theo các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc, dù trên danh nghĩa là đồng minh của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh không nhất thiết sẽ bảo vệ nước này nếu chiến tranh nổ ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ quyết tâm chặn đứng dòng người tị nạn Triều Tiên đổ vào khu vực đông bắc và bảo vệ người Trung Quốc sinh sống tại đó.

“Thời gian đang cạn dần. Chúng ta không thể để ngọn lửa chiến tranh lan vào Trung Quốc” - thiếu tướng Wang Haiyun, cựu tùy viên quân sự Trung Quốc tại Nga, bình luận.

Hồi tháng 5, ông Wang từng kêu gọi Bắc Kinh “vạch ra lằn ranh đỏ” cho Washington: Nếu Mỹ đánh Triều Tiên mà không thông qua Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ can thiệp quân sự.

“Nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc cần nhanh chóng chiếm đóng miền bắc Triều Tiên, kiểm soát các cơ sở hạt nhân, phân ranh giới vùng an toàn để ngăn dòng người tị nạn và binh sĩ Triều Tiên đổ vào đông bắc Trung Quốc”. Đó là nội dung bài phân tích của tướng Wang đăng tải trên mạng. Gợi ý này không vấp phải sự kiểm duyệt nào từ nhà chức trách, cho thấy Bắc Kinh đã hé cửa thông báo giải pháp của mình.

Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng sự chuẩn bị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn chưa đủ cho một chiến dịch lớn như Triều Tiên.

“Tôi không nghĩ là PLA sốt sắng lắm trước khả năng nhận một nhiệm vụ lớn ở Triều Tiên trong tương lai gần” - ông Dennis Blasko, cựu tùy viên quân sự Mỹ tại Bắc Kinh, nhận xét.

Các nhà ngoại giao quốc tế đánh giá Trung Quốc, cũng như Mỹ, đã khá bất ngờ trước những bước tiến thần tốc của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân và tên lửa.

Giờ đây, Bắc Kinh lo rằng hành động của Bình Nhưỡng sẽ làm tổn hại đến lợi ích an ninh của chính Trung Quốc vì Mỹ không thể nào khoanh tay ngồi nhìn.

Theo TTO

Các tin cũ hơn