Kỹ sư Bùi Hiển: Nhà tài trợ Hàn Quốc đã ngỏ lời

Thứ tư, 26/07/2017, 10:51
Dự án máy bay Giấc Mơ và máy bay không người lái của kỹ sư Bùi Hiển đang nhận được sự quan tâm của một nhà tài trợ Hàn Quốc.

Hoàn thiện mọi bộ phận, đợi bộ điều khiển

Ngày 25/7, trao đổi với PV, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) - cha đẻ của máy bay trực thăng “made in Vietnam” mang tên Giấc mơ cho biết: "Tháng 5 vừa qua, tôi đã ra làm việc trực tiếp với Hiệp hội hàng không vũ trụ Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội để bàn bạc về dự án máy bay không người lái, nhưng vẫn trong thời gian đang hoàn thiện.

Hiện nay, đã có nhà đầu tư lên tiếng hỗ trợ, đây là người Hàn Quốc, cho nên bây giờ tiền bạc, vốn đầu tư không là gì. Bản thân nhà đầu tư đã vào tận Bình Dương, xem xưởng sáng chế máy bay của tôi, nên ông cũng dặn đợi xem bay thử chiếc đầu tiên thành công sẽ hỗ trợ sản xuất nhiều, sử dụng đại trà.

Được biết, đây là người làm bên công ty Samsung, đang hợp tác một số dự án với Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau khi biết ý tưởng của tôi, ông đã vào trực tiếp và quyết định đầu tư sau khi từ Bình Dương trở về".

Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc máy bay Giấc Mơ

Bên cạnh đó, theo ông Hiển, giai đoạn đang hoàn thiện vẫn chưa được đầu tư thì bản thân ông cũng phải bỏ ra vài trăm triệu để thiết kế phần thô bên ngoài của máy bay, toàn bộ về phần cơ khí, quan trọng nhất là bộ cánh.

Còn thiết bị quan trọng nhất là bộ điều khiển, do Đại học Bách Khoa Hà Nội nghiên cứu, rất độc đáo. Được biết, thiết bị này Viettel cũng đang nghiên cứu, rất khó chứ không đơn giản. Trực thăng bay không ổn định, phần mềm lắp lên trực thăng rất phức tạp.

"Máy bay không người lái này sẽ cố gắng hoàn thiện và bay thử trong năm 2017. Khi bay thử thành công, sẽ đưa máy bay không người lái vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyên đi phun thuốc trừ sâu.

Nếu mô hình này mà hoạt động được thì tôi đã bàn với nhà đầu tư người Hàn Quốc là phải mở công ty, làm dịch vụ cho nhân dân, sắm một đội ngũ máy bay tầm 5-6 chiếc. Tính sơ qua thì giá trị một chiếc máy bay chỉ dao động 500-600 triệu cả bộ điều khiển, giá thành cũng không quá đắt.

Nhưng rút kinh nghiệm chiếc máy bay trước, lần này cứ bao giờ bay thử thành công, tôi mới đặt tên cho máy bay", ông Hiển nói thêm.

Sẽ bay thử máy bay Giấc Mơ vào tháng 8

Nói về chiếc máy bay đã sáng chế trước đó, mang tên Giấc Mơ, theo ông Hiển, ngày 25/7, Sư đoàn 370 đã cấp cho ông thẻ Hội viên Câu lạc bộ hàng không, nên có thể bay thử bất cứ lúc nào.

"Tôi cũng đã trực tiếp đi khảo sát sân bay Phú Lợi, cách nhà tôi vài km, để chuẩn bị cho buổi bay thử. Nghị định 27 quy định độ cao Câu lạc bộ không được cấp phép quá 50m, nên có thể xin giấy phép bay thử.

Nhưng vì dự án máy bay không người lái đang đến giai đoạn nước rút nên tôi chưa dám bay thử, nhưng lần này tôi định bay thật, trước đó sẽ tập lại các bài bay một thời gian cho nhuần nhuyễn, tránh xảy ra sự cố không mong muốn", ông Hiển cho biết thêm.

Theo ông Hiển, điều quan trọng là mong muốn được cất cánh tự do trên bầu trời của ông được thực hiện, bản thân ông sẽ bay hoàn thiện một bài bay, tại sân bay đúng độ cao mong muốn.

"Cái may mắn của tôi là được hỗ trợ nhiều từ Hiệp hội hàng không vũ trụ, nên việc cấp phép cho bay thử cũng dễ dàng. Mà thực tế thủ tục xin bay cũng đơn giản, các tỉnh cũng đã có máy bay hết, Đà Nẵng, miền Tây xin bay được hết", ông Hiển hy vọng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích