Những bức thư thời chiến vẫn thấm đẫm hòa hợp dân tộc

Thứ tư, 26/07/2017, 09:27
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng tìm được ở những lá thư thời chiến tinh thần và khát vọng hoà hợp dân tộc của những người lính "Việt cộng" và cả những người lính Việt Nam Cộng hòa “phía bên kia”. 

Những lá thư thời chiến VN được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm

Sáng 25-7, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi 20… tổ chức hội thảo khoa học Những bức thư thời chiến với truyền thống và văn hóa dân tộc.

Những lá thư của thế hệ thanh niên hào hoa

Trong đề dẫn hội thảo, GS Hoàng Chương, tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, ca ngợi: “Mỗi lá thư của những chiến sĩ ở tiền tuyến gửi về cho gia đình đều mang thông điệp tinh thần, đã cổ vũ cho cha mẹ, vợ con và người yêu thêm nghị lực về sự hi sinh để vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc nên rất cảm động. Mỗi bức thư là một khúc Aria tuyệt vời trong bản anh hùng ca giải phóng của dân tộc ta”.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, người sưu tầm, biên soạn để cho ra mắt bạn đọc tuyển tập Những lá thư thời chiến VN, chia sẻ trong thời đại công nghệ số ngày nay, con người chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể gửi thư điện tử trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Trong những thư điện tử ấy không chỉ có con chữ mà đủ cả hình ảnh, âm thanh... sống động.

“Nhưng có lẽ vì thế mà những lá thư viết tay, đặc biệt là những lá thư thời chiến VN, lại càng có giá trị hơn. Giữa sự im lặng của những con chữ và từng trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách VN trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hi sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống”.

Với ông, những lá thư thời chiến là những niềm tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước, qua những trang thư, những lời tâm tình gan ruột của những người anh, người cha, người chồng, người vợ, người con, người thầy, người bạn với những người thân yêu của mình, trong phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận hay trong khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh.

Cựu chiến binh Trương Công Đạo, phó giám đốc Quỹ Mãi mãi tuổi 20, cho rằng người lính VN thời đó có một tình cảm thật đặc biệt. Bởi dù họ là người cầm súng ra trận, đáng được quan tâm, lo lắng nhất, nhưng chính người lính lại dành tất cả sự quan tâm, lo lắng cho cha mẹ, anh em, đồng đội mình.

“Thế hệ chúng tôi đều đã trên dưới tuổi 70, nhưng đọc “Những lá thư thời chiến Việt Nam” vẫn thấy mình trong đó. Một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình mãnh liệt. Một lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ. Một ý chí chiến đấu cao, sự sẵn sàng hi sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân. Một thế hệ mà niềm vui là được ra trận, niềm tự hào là những chàng trai “không phải làm người ở hậu tuyến””, cựu chiến binh Trương Công Đạo nhớ lại.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí và tuyên truyền) chia sẻ với hội thảo, những lá thư của bố ông thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những tài sản được gia đình ông nâng niu như báu vật, dù đó chỉ là những lá thư viết bằng giấy pơluya mỏng dày chi chít những hàng chữ li ti.

“Những lá thư thời chiến Việt Nam được viết bằng tình cảm cá nhân cất lên từ chính trái tim mình, dung dị, không tô vẽ. Người viết thư nhằm mục đích lớn nhất là để chia sẻ những suy tư, tình cảm của mình về chiến tranh, về gia đình, về nhiệm vụ gửi đến người nhận, như Hồi ấy tôi mới 20, Lá thư cuối cùng con trai tôi viết trong đêm mồng một tết, Hai lá thư này rút từ gia phả, Những lá thư của bố mẹ chồng tôi viết cho nhau trước khi ông hy sinh… Chính vì lẽ đó, những lá thư này đã trở thành “một cuốn lịch sử sống” chân thật nhất về con người và bối cảnh cuộc chiến lúc bấy giờ. Nó thực sự mang tính thời đại”, ThS Nguyễn Kim Thành (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đánh giá.

Ở khía cạnh khác, bà Đinh Lệ Hằng (Ninh Bình) lại cảm nhận trong những lá thư thời chiến không chỉ là sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng, ngày Bắc Nam liền một dải mà còn có những dòng chữ thấm đẫm nỗi buồn, nước mắt, sự hoang mang, lo lắng khi nghĩ về cái chết.

Nhật ký của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân viết: “Cái chết đã cận kề bên mình rồi. Lúc này là lúc phân tranh rõ ràng nhất về sự sống và cái chết. Khi nghe nói: Đêm mai các đồng chí bắt đầu được nổ súng, mình thấy giật mình và có phần nào - trong cơ thể nó chếnh choáng làm sao ấy”.

Những lá thư thời chiến VN được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm

Khát vọng hòa hợp dân tộc

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng lại tìm được ở những lá thư thời chiến tinh thần và khát vọng hoà hợp dân tộc của những người lính "Việt cộng" và cả những người lính Việt Nam Cộng hòa “phía bên kia”.

“Chiến tranh phải có sự tham gia từ nhiều phía. Họ đều “máu đỏ, da vàng”, có chung cội nguồn “con Lạc, cháu Hồng”… Nhưng kẻ thù đến xâm lược đã đẩy lên những mâu thuẫn trong chính mỗi gia đình Việt Nam.

Không ít gia đình đã có những đối cực: người là Việt cộng, kẻ là lính Cộng hòa. Nhận thức được cuộc chiến tranh xâm lược ấy phi nghĩa, nhiều người con đất Việt đã trốn lính, đã hủy hoại bản thân, nhưng cũng có kẻ buộc phải cầm súng bắn lại đồng bào mình. Nếu nhìn dưới góc độ tình cảm cá nhân, gia đình… thì những người lính ra trận đều có vợ con, cha mẹ và nỗi nhớ nhung giống nhau. Nếu họ ngã xuống, thì dù ở bên nào, cũng đều để lại nỗi mất mát, trống vắng và đau đớn không thể bù đắp được cho người thân”, nhà văn Lê Thị Bích Hồng chia sẻ cảm nhận.

Khát vọng hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh cũng là động lực để nhà văn Đặng Vương Hưng đưa vào tuyển tập những lá thư thời chiến của những người lính ở phía bên kia chiến tuyến.

Trong bức thư của người lính Việt Nam Cộng hòa Đỗ Trí viết: “Một ngày cũng như mọi ngày, chẳng biết làm gì hơn và chẳng còn tha thiết điều gì. Sống như là một sự chịu đựng, chịu đựng với lẻ loi và buồn nản… Nhìn những con người quằn quại với những vết thương, những cái chết vô lý càng khiến anh chán nản”; “Ngày tháng ở đây buồn tẻ thật, chỉ có thư từ qua lại của chúng mình là khiến cho anh vui thôi, thế mà chờ rụng cả tóc cũng không nhận được thư nào”…

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích