Thế giới không ai làm
UBND tỉnh An Giang vừa lên tiếng xác nhận với báo chí về việc dùng ngân sách từ Trung ương và địa phương để lấp hố xoáy trên sông Vàm Nao, đoạn qua trung tâm xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới. Đây là địa điểm vừa bị sạt lở kinh hoàng khiến hơn chục căn nhà sụp đổ xuống sông, khoảng 108 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Việc lấp hố xoáy này dự kiến hoàn thành trong vòng 3 tháng với tổng kinh phí là 47 tỷ đồng.
Theo đại diện UBND tỉnh An Giang, việc lấp hố xoáy cách bờ khoảng 20m chứ không phải giữa sông. Việc tư vấn và lập dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT giao cho Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam khảo sát, lập hồ sơ tư vấn.
Hiện trường vụ sạt lở |
Trước thông tin trên, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT bày tỏ nhiều băn khoăn về phương án lấp hố xoáy trên sông Vàm Nao.
Theo ông Hồng, việc lòng sông xói lở hay bồi đắp là quy luật của tự nhiên. Con người không thể nào dùng vật liệu để đổ xuống được. Khi vận tốc dòng chảy giảm thì bồi đắp còn khi tốc độ tăng lên sẽ dẫn tới hiện tượng xói mòn.
“Quy luật là nếu bên này chúng ta ép để bồi thì bên kia sẽ xói lở. Trong khi đó, An Giang là tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, đất rất yếu. Cộng với thủy triều ảnh hưởng cho nên thường xảy ra hiện tượng xói lở khoét sâu dưới hầm đáy chứ không khoét trên mặt. Để nhồi cát vào trong là việc rất khó.
Cho nên trước đây Bộ Thủy lợi và sau này là Bộ NN-PTNT đều khuyến cáo tạm thời di dân đi. Khi nào bồi trở lại thì sẽ để dân quay trở lại sinh sống”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ở góc độ một nhà khoa học, GS Vũ Trọng Hồng không đồng tình với việc UBND tỉnh An Giang chi ra một khoản tiền lớn lên tới 47 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương để lấp hố xoáy trên sông Vàm Nao.
Theo ông Hồng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không có hiệu quả lâu dài. Hơn nữa trên thế giới các quốc gia cũng không làm kiểu này mà luôn hướng tới các biện pháp bền vững.
“Hố xói này có 2 nguyên nhân chính. Một là do dòng chảy siết vào mùa lũ. Thứ hai là do mất cát. Thời gian qua, chúng ta phải khoét sâu xuống lòng sông để lấy cát. Do lượng cát mất đi nhiều nên dẫn tới hiện tượng xói lở.
Cả lý thuyết và thực tiễn ngành thủy lợi chưa bao giờ cho phép trị thủy là đổ cát xuống sông lấp hố xói cả. Nếu không xử lý tận gốc vấn đề khai thác cát thì chúng ta tìm cách lấp hố xói lở cũng vô ích, không thể nào cứu được”, ông Hồng phân tích.
Phải thiết kế công trình đẩy dòng chảy
GS Vũ Trọng Hồng chia sẻ, trong trường hợp UBND tỉnh An Giang tìm được một nhà đầu tư tự bỏ vốn ra để khắc phục tình trạng trên thì ông không có ý kiến.
Tuy nhiên ở đây kinh phí 47 tỷ đồng mà An Giang dự định triển khai cải tạo dòng sông là lấy từ tiền thuế của dân. Do đó việc này bắt buộc phải hỏi ý kiến của người dân, cụ thể nhất là các nhà khoa học, nhà chuyên môn của Bộ NN-PTNT.
“Phải để các chuyên gia phân tích đánh giá và xem họ có đồng ý hay không. Đó là một vấn đề rất lớn chứ không phải anh muốn làm gì thì làm. Tôi cho rằng chả ai đồng ý cả. Cá nhân tôi cũng không đồng tình trước kế hoạch này. Nếu làm sẽ chẳng khác gì chúng ta ném bạc xuống sông, lấy trứng chọi đá”, GS Hồng tâm tư.
Với tình trạng xói lở hiện nay của An Giang, vị chuyên gia đề nghị địa phương cần phải nghiên cứu, hướng đến những giải pháp lâu dài, bền vững để ngăn chặn tận gốc thay vì lấp hố xoáy.
“Biện pháp tốt hiện nay là An Giang tính toán làm một công trình hướng dòng chảy đi chỗ khác để cát tự bồi đắp. Nếu có ý định như vậy, An Giang nên thuê thiết kế thủy lợi thiết kế một hệ thống công trình đẩy dòng chảy đi để cho nó tự gây bồi. Trong vòng 1-2 năm sẽ tự bồi đắp chứ không thể 1 vài tháng được. Khi bờ sông đã bồi được 1 ít rồi thì chúng ta có thể tính đến phương án đắp thêm cát cũng được”, GS Hồng nhấn mạnh.
Theo Đất Việt