Gây khó cho người khai tử: lý tình đều chưa thỏa

Thứ tư, 26/07/2017, 18:37
Xung quanh việc người dân tố cáo cán bộ phường Văn Miếu gây khó dễ khi cấp giấy chứng tử, ông Phạm Văn Chung - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã có bài viết bày tỏ quan điểm của mình.

Bà Vũ Mai Khanh, chủ tịch UBND phường Văn Miếu, trong buổi gặp với báo chí sáng 26-7

Nhằm góp thêm một góc nhìn, xin giới thiệu ý kiến của độc giả PHẠM VĂN CHUNG (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

"Dư luận đang nóng lên với việc cán bộ phường Văn Miếu (Q.Đống Đa, Hà Nội) bị tố gây khó dễ khi người dân đi làm giấy chứng tử cho người thân. Đặc biệt Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có chỉ yêu cầu làm rõ thông tin báo chí nêu về dấu hiệu tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục cấp giấy khai tử tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa.

Cá nhân tôi khi đọc thông tin về vụ việc rất bức xúc với cách hành xử của cán bộ phường khi bắt người dân đi lại, chờ đợi khi đi làm chứng tử cho người thân vừa qua đời.

Tuy nhiên, dưới gốc độ bài viết này, tôi không bàn đến vấn đề cán bộ phường có gây khó dễ hay vòi vĩnh người dân hay không mà là cách hành xử, thái độ tiếp công dân, nhất là việc giải quyết yêu cầu đăng ký khai tử của người dân. Trong trường hợp này, theo tôi, cán bộ phường và cả UBND phường Văn Miếu đều sai. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, theo Điều 33 Luật Hộ tịch quy định rằng: “Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử”.

Như vậy, pháp luật quy định giải quyết thủ tục đăng ký khai tử là giải quyết ngay, không cần phải hẹn, chỉ trừ một số trường hợp nếu thấy hồ sơ giấy tờ người dân cung cấp chưa đầy đủ, cần xác minh thì mới hẹn lại.

Thứ hai, việc tiếp, giải quyết công việc cho công dân vào giờ hành chính là công việc thường xuyên, yêu cầu bắt buộc của cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là xã, phường là nơi rất gần dân, thường xuyên tiếp xúc với công dân.

Trong vụ việc này, theo lời bà chủ tịch thì lãnh đạo phường bận tiếp khách, đi họp… gần nguyên ngày mà không bố trí cán bộ xử lý, giải quyết yêu cầu hàng ngày, cấp thiết của công dân, khi phường này có đến hai phó chủ tịch. Điều này trái với Luật Tiếp công dân, quy chế làm việc của cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ ba, việc phân công, bố trí cán bộ chuyên môn để giải quyết yêu cầu của công dân cũng chưa hợp lý, khi cử cả hai cán bộ tư pháp dự chương trình về phòng chống sốt xuất huyết tại quận. Trong khi cán bộ tư pháp - hộ tịch ở cấp xã là khá quan trọng, họ phải thường xuyên giải quyết yêu cầu về hộ tịch, chứng thực cho người dân như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực giấy tờ…

Ngoài ra, việc khai tử là vấn đề tình cảm, đạo đức, tâm linh. Việc tử là việc nhân đạo, nghĩa tình nên cán bộ, công chức phải nhận thức được để làm sao linh hoạt, giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho người dân.

Thậm chí vì tình cảm mà có nơi chính quyền, cán bộ còn giải quyết vào ngày lễ, ngày nghỉ cho dân hay đến tận nơi đăng ký, cấp chứng tử cho gia đình có người thân mới mất vừa thể hiện sự quan tâm, động viên, an ủi của chính quyền, cộng đồng đối với người dân đang đau buồn.

Trong khi đó, UBND phường Văn Miếu lại không làm được mà còn gây phiền hà cho người dân, nhất là khi họ đang trong tình cảnh đau buồn và nhiều công việc khẩn cấp cần lo.

Do đó, việc dư luận lên án cách hành xử của cán bộ phường là hợp lý, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời để không xảy ra các trường hợp tương tự về sau.

Theo TTO

Các tin cũ hơn