South China Morning Post cho biết ông Ammann, người làm phim và nhà bảo tồn người Thụy Sĩ, nói rằng những con voi bị bắt ở Lào được bán với giá khoảng 30.000 USD rồi được dắt bộ qua biên giới để vào Trung Quốc. Từ đó, chúng được chuyển đến cơ sở nhận. Những cơ sở này sẽ được trả cho người môi giới khoảng 300.000 USD/con voi.
Hồi đầu năm nay, Ammann và các cộng sự đã khám phá ra vụ buôn bán bất hợp pháp này trong lúc đang điều tra vụ 16 con voi châu Á bị bán từ Lào sang một safari ở Dubai. Không con voi nào có giấy phép xuất khẩu. Giao dịch với Dubai bị chặn đứng. Khi đó, máy bay chở hàng của Emirates Airlines đã ra đến đường băng ở thủ đô Vientiane.
"Sau đó chúng tôi xem xét nguồn gốc của những con voi và gặp gỡ một vài chủ voi, cũng như người môi giới đã sắp xếp vụ mua bán", ông Ammann giải thích.
Khi tìm hiểu sâu hơn, nhà bảo tồn và các cộng sự phát hiện các vụ mua bán voi sống từ Lào phần lớn đều liên quan Trung Quốc, với khoảng 100 con đã ở trong các sở thú và cơ sở của Trung Quốc.
Một con voi được sở thú Trùng Khánh (Trung Quốc) mượn từ sở thú ở tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Reuters. |
Những con voi này thường có mẹ là voi được nuôi giữ nhưng bố là voi rừng. Để tiết kiệm chi phí, người thuần voi thường trói voi cái vào một thân cây trong rừng để chúng giao phối với voi đực. Theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), một cá thể có bố hoặc mẹ sống trong môi trường hoang dã thì cá thể đó không được xem là vật nuôi, không thể đem trao đổi thương mại.
Khoảng 100 con voi châu Á được cho là đã bị bán từ Lào sang Trung Quốc trong vài năm qua.
Tương tự voi châu Phi, voi châu Á được xếp vào nhóm bị đe dọa tuyệt chủng và mọi hình thức mua bán quốc tế đều bị cấm. Các ngoại lệ là việc mua bán không vì mục đích thương mại hay động vật phải có nguồn gốc nuôi giữ từ các cơ sở được CITES chấp thuận. Lào không có cơ sở nuôi giữ nào được CITES chấp thuận và việc mua bán trên, với giá voi bị đội lên gấp 10 lần, rõ ràng là vì mục đích thương mại.
Voi là động vật được yêu thích tại các sở thú, safari và rạp xiếc tại Trung Quốc dù chúng phải sống trong điều kiện nghèo nàn ở một số nơi. Ông Ammann chỉ trích cả chính phủ Lào lẫn Trung Quốc vì thiếu những biện pháp ngăn chặn các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Theo Zing