Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP, Hong Kong, Trung Quốc) mới đây dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng, Nga đang dần nhận ra rằng việc bắt tay hợp tác với Trung Quốc có thể là con dao hai lưỡi.
Người dân Nga bắt đầu cảm thấy nỗi sợ về người Trung Quốc hiện diện tại vùng Viễn Đông với những nhà đầu tư tăng lên nhanh chóng.
Nông trường của công ty Dongning Huaxin, ở vùng Viễn Đông Nga. Ảnh: Reuters |
Điều này kích thích dòng dân di cư từ quốc gia này sớm khiến quốc gia sở tại cảm thấy rõ rệt về sự bành trướng lãnh thổ.
Theo thống kê của Nga trong năm 2010, số công dân Trung Quốc tại nước này là khoảng 29.000 người, giảm so với 35.000 người trong năm 2002 và chưa bằng 0,5% tổng dân số vùng Viễn Đông.
Trong khi đó, tờ SCMP đưa ra con số thống kê khác lại cho kết quả có tới 300.000- 500.000 công dân Trung Quốc tại Nga.
Thống kê của Nga cho thấy số công dân Trung Quốc đến nước này đang gia tăng nhưng lượng người rời đi cũng tương đương.
Ví dụ trong năm 2015, có 9.083 người Trung Quốc nhập cảnh nước Nga và 9.821 người rời đi.
Tờ báo Hồng Kông kết luận rằng như vậy ngay cả khi có nghi ngờ về hiện tượng người Trung Quốc nhập cư trái phép thì không có bằng chứng nào về sự xâm lấn âm thầm của Trung Quốc với vùng Viễn Đông.
Người Trung Quốc lập gia đình ở Nga và "thâu tóm" đất đai |
Tuy nhiên, sự hiện diện của người Trung Quốc tại vùng Viễn Đông vẫn gây thất vọng tại Nga.
Một trong những lĩnh vực kinh tế chính của Trung Quốc tại vùng Viễn Đông cũng như Siberia là nông nghiệp. Nông dân Trung Quốc trồng trọt ngô, đậu nành, rau và cây trái trong khi nhiều người khác tập trung chăn nuôi lợn. Vì lý do này, Nga đã cho thuê hàng trăm hàng ngàn ha đất kèm nhiều ưu đãi.
Gần đây, một hiệp ước mới được ký kết. Theo đó, Nga đã gật đầu để Trung Quốc thuê khoảng 150.000ha đất nông nghiệp tại vùng Transbaikal ở phía Đông Siberia trong 49 năm với mức giá tượng trưng là 5 USD/ha. Hầu như các vùng đất rừng trong khu vực gần biên giới Nga- Trung đã được cho thuê để khai thác gỗ.
Nhiều ý kiến tại Nga cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc bán đất quê hương với giá rẻ.
Để cải thiện vấn đề này, Nga đã thực hiện các chính sách khuyến khích người dân Nga tới sống và canh tác tại các vùng Viễn Đông nhằm tăng cường sự hiện diện người dân Nga tại khu vực có nguy cơ trở nên nhạy cảm này.
Hồi năm ngoái, Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông Nga, ông Aleksander Galushka công bố việc chính phủ nước này cho phép công dân có nguyện vọng đều được cấp 1ha đất ở bất kỳ nơi nào trên cả vùng Viễn Đông. Người dân chỉ cần thực hiện một yêu cầu là canh tác đất đai trong vòng 5 năm. Sau đó, mảnh đất có thể thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản.
Chính sách này thể hiện phần nào quyết tâm của chính phủ Nga nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Viễn Đông.
Trung Quốc xuất khẩu ô nhiễm sang Nga
Vấn đề lo lắng hàng đầu của người dân Nga là việc sử dụng phân bón hóa học quá mức của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Theo các nhà chức trách Nga, tỉ lệ nitrate trong rau quả do người Trung Quốc trồng trên lãnh thổ Nga thường vượt ngưỡng tiêu chuẩn.
Nhiều chất hóa học người Trung Quốc sử dụng không được biết tới tại Nga trong khi không có kỹ thuật chung để phân tích. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng và gây thoái hóa đất đai.
Một trang trại lợn của người Trung Quốc tại Nga |
Một bất ngờ khác đối với người Nga là các trang trại nuôi lợn do người Trung Quốc vận hành. Lợn được nuôi tại đây lớn nhanh như thổi. Điều này được cho là do sử dụng các chất hóa học trong thức ăn chăn nuôi.
Năm 2009, Nga và Trung Quốc thực hiện chương trình hợp tác dài hạn trong vùng biên giới bao gồm 205 dự án then chốt, trong đó có 94 dự án ở phía Nga và 111 dự án ở bên Trung Quốc. Ở Trung Quốc, các đối tác Nga gặp khó khăn trong tài chính. Trong khi đó, các dự án khai thác quặng kim loại, nguồn tài nguyên thiên nhiên, sản xuất xi măng... của Trung Quốc trên lãnh thổ Nga vẫn cứ tiếp diễn.
Khi tiến hành các dự án hợp tác, phía Trung Quốc trước nhất đều tìm cách để chuyển đến Nga một số lượng lớn các lao động nước này. Đây dường như là điều kiện tiên quyết để khởi động các dự án của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng có thể chuyển thêm các doanh nghiệp đến vùng Viễn Đông, tham gia vào dự án từ xây dựng tới đóng tàu và viễn thông. Phía Nga sẽ sẵn sàng đón nhận các công ty này và tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh.
Những điều này đang tạo đường cho Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào kinh tế vùng Viễn Đông cũng như sự gia tăng cư dân Trung Quốc tại đây.
Trên thực tế, lợi ích kinh tế của hai bên là bổ sung lẫn nhau, không phải xung đột. Vùng Viễn Đông cần lao động Trung Quốc cũng như tiền bạc và công nghệ của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc cần diện tích đất, nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường của vùng Viễn Đông.
Tuy nhiên, rủi ro của sự hợp tác này là ở chỗ mối liên kết mạnh mẽ này có thể làm gia tăng căng thẳng và lo lắng, đặc biệt ở phía Nga.
Giáo sư Ivan Tselichtchev tại Đại học Quản lý Niigata (Nhật Bản) nhận định rằng vấn đề về công dân Trung Quốc tại vùng Viễn Đông chắc chắn có thể quản lý được nếu Nga thu hút thêm người dân Nga đến khu vực này. Nếu không, sự gia tăng của người Trung Quốc hiện diện ở vùng Viễn Đông có thể trở thành quả bom địa chính trị.
Theo Đất Việt