Đường sắt Cát Linh đói vốn: Việt Nam chủ động bỏ vốn?

Thứ hai, 24/07/2017, 10:52
Nếu phía Trung Quốc chưa giải quyết số vốn bổ sung 250 triệu USD, phía Việt Nam cần chủ động có giải pháp tự bỏ vốn để làm.

Lỗi lớn nhất ở phía Việt Nam

Mới đây, ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính là thiếu vốn.

Cụ thể, theo ông Thành, Hiệp định vay bổ sung 250 triệu USD đã được ký kết ngày 11/5, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thống nhất và thực hiện.

Trước vấn đề trên, trao đổi với PV, ngày 21/7, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho biết:

"Tôi đã từng nói nhiều lần, hợp đồng về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều khiếm khuyết, không ràng buộc về phạt, về thưởng, về trách nhiệm, về chất lượng cũng như giá cả, thời gian.

Hoặc cũng có thể có ràng buộc nhưng ràng buộc một cách sơ hở, có nhiều kẽ hở, nên Trung Quốc đã gây khó khăn rất nhiều trong vấn đề chất lượng, tiến độ, công nghệ, vấn đề an toàn, vốn đầu tư.

Dự án chậm tiến độ do thiếu vốn

Chúng ta vay ODA của họ, nhưng lại không được chủ động, phía Trung Quốc đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu, chứ không đưa một khoản lớn để chúng ta chủ động trong vấn đề điều vốn, đầu tư vốn.

Đây là khuyết điểm về phía Việt Nam, hợp đồng của chúng ta không chặt chẽ, không có dự báo phát sinh, có kẽ hở để cho cả hai bên lợi dụng được. Vấn đề giá cả chỉ có 500 triệu USD, mà bây giờ lên tới 800 triệu USD, rõ ràng bên A và bên B đều có lỗi, lỗi lớn nhất thuộc về phía Việt Nam".

Theo ông Thủy, trước đây, Bộ GTVT hứa tháng 9 đưa vào chạy thử, quý I/2018 đưa vào vận hành chính thức tôi biết chắc là không thể.

Trong khi, chậm tiến độ công trình mà ùn tắc kéo dài, thì phần thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về phía Việt Nam. Cho nên, từ trước đến nay chúng ta nhìn nhận vấn đề không đúng trọng tâm, điểm nút cần tháo, nên không giải quyết được dứt điểm vấn đề dù họp hành nhiều.

"Qua đây có thể thấy, đầu tư các dự án giao thông đô thị, đường sắt đô thị cần phải có một ràng buộc, thống nhất giữa hai bên. Nếu không sẽ gây áp lực về ùn tắc kéo dài, gây ra những phức tạp, bất ổn cho xã hội, bất lợi cho nền kinh tế.

Đường sát Cát Linh - Hà Đông đã chậm mấy năm nay, nếu chậm nữa thì quá nan giải, giàu nghèo không biết nhưng cần có quyết đoán trong vấn đề này, về vấn đề vay vốn, Bộ Tư pháp, GTVT, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xem ý kiến hai bên thống nhất ra sao. Mục tiêu của chúng ta sớm ngày nào hay ngày đó, giảm bớt ùn tắc giao thông, nhất là khu vực Nguyễn Trãi (Thanh Xuân).

Nếu tiếp tục chậm tiến độ, công trình khai thác phục vụ xã hội chậm thì chúng ta thiệt, ODA có tăng lãi suất thì tổn hại rất lớn, gây bức xúc trong xã hội.

Bên Tổng thầu Trung Quốc cũng có thiệt theo điều khoản hợp đồng, nếu tiến độ kịp thời thì ra sao, chậm thì ra sao, nhưng họ không mất mát gì nhiều, vì họ đổ cho nguyên nhân này, nguyên nhân kia, trong khi, chưa có điều khoản nào phạt vì chậm tiến độ.

Đáng lẽ, trong hợp đồng cần quy định, nếu chậm tiến độ 1 năm phạt 5%, chậm 2 năm thì 10% thì mới làm tốt được", ông Thủy nhận định.

Chuyển sang thế chủ động tự bỏ vốn ra làm?

Đề xuất về giải pháp nếu như Trung Quốc tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân số vốn bổ sung, ông Thủy cho rằng, nếu chúng ta quyết tâm làm thì dùng vốn Việt Nam, về phía Trung Quốc phải chịu lãi suất.

Giờ muốn chủ động, không còn cách nào khác, tự đưa tiền sử dụng tiền của mình một cách có chủ đích, rồi gửi thư qua Trung Quốc, phải thúc đẩy tiến độ vì nó là vấn đề sống còn của ùn tắc giao thông.

"Việc bây giờ cần phải làm là triển khai nhanh dự án này, cần có những chỉ thị rõ ràng. Đồng thời, cần sự tư vấn của Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp xem sai trái của nhà thầu Trung Quốc nằm ở đâu.

Trung Quốc thống nhất làm tuyến đường đó chỉ có 500 triệu USD giờ lên 800 triệu USD, ai chịu trách nhiệm? Đề xuất vay thêm 250 triệu USD cũng được đề cập cách đây 3 năm, đến nay chưa được giải quyết, thì sẽ xử lý ra sao, tất cả phải làm rõ?.

Còn cái sai của chúng ta là do hợp đồng không chặt chẽ, nội dung lỏng lẻo, không ràng buộc trách nhiệm. Hơn nữa, trong giải quyết vấn đề chúng ta rất chủ quan, nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp, nhưng trong điều kiện họ gây khó khăn cho mình, theo tôi cần có giải pháp quyết toán, cứng rắn, sử dụng vốn của chúng ta để làm, còn lại số tiền đó Trung Quốc chịu trách nhiệm.

250 triệu USD thì Việt Nam nên bỏ ra trước, vì đằng nào cũng phải làm đường cho dân đi. Có thể kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dưới hình thức xã hội hóa, tôi nghĩ họ sẽ sẵn sàng hợp tác", ông Thủy khẳng định.

Và khi đã đề xuất dùng vốn chủ động thì cần phải động viên anh em làm đêm, làm ngày, thưởng cho người làm đêm, thì công trình sẽ có tiến độ rất nhanh.

Phải đưa ra một khoảng thời gian nhất định, tuyên bố nếu như Trung Quốc không giải quyết số tiền cần vay thì Việt Nam sẽ tự bỏ vốn làm và Trung Quốc phải ký cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn.

"Về uy tín cũng như hậu quả gây ra cho bên A, là người đầu tư, thầu công trình, theo tôi cái này nhà chuyên môn phải biết. Chúng ta phải biến thế bị động thành chủ động và không còn cách nào khác, cần dựa theo điều kiện thực tế, mục tiêu là kịp thời hạn, tiến độ.

Đây là một giải pháp có thể nghiên cứu, để họ thấy mình cương quyết, quyết đoán chứ không quá phụ thuộc vào họ", vị chuyên gia nhận định.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn