|
TS Chu Mạnh Hùng |
Theo TS Hùng, nếu đã quyết định cho đổ xuống biển thì phải công khai minh bạch tọa độ và buộc phải giám sát khối lượng, vật chất đổ xuống.
Thưa ông, theo giấy phép “nhận chìm” của Bộ Tài nguyên - môi trường cấp thì có đến 80% khối lượng vật chất được “nhận chìm” là cát, sạn, sỏi, vỏ sò... 20% còn lại là bùn. Vậy có thể tính giải pháp tận thu cát, sạn, sỏi thay cho việc “nhận chìm”?
Tôi quan niệm tất cả cát, sạn, sỏi hay vỏ sò... không phải là chất thải, mà phải coi đó là nguồn tài nguyên. Phải có tư tưởng coi đó là tài nguyên để nghĩ cách chuyển đổi sang mục đích sử dụng hữu hiệu hơn là đổ xuống biển.
Hiện có ý kiến cho rằng vật liệu nạo vét ở nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có thể đổ trên bờ, thay vì “nhận chìm” xuống biển để tránh hệ lụy môi trường và dễ giám sát được khối lượng đổ?
Nếu quan niệm là đồ bỏ đi thì có thể đổ ra biển, vì biển có khả năng tái tạo sinh học ngược trở lại. Nhưng vấn đề đổ ở vị trí nào phải đánh giá kỹ. Mang ra biển đổ thì không được làm tác động xấu tới khu vực sinh thái xung quanh.
Phải tính đến hải lưu, tác động môi trường, dòng chảy xem có ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu vực và xung quanh hay không. Nghĩa là phải khảo sát, đánh giá kỹ mọi yếu tố để chọn khu vực đổ thải không gây tác động xấu tới môi trường.
Còn nếu đổ ở trên bờ thì có thể chọn những vị trí, khu vực như thung lũng tập kết được để sau này có thể sử dụng hữu hiệu nguồn tài nguyên cho mục đích khác, như vậy sẽ đỡ bỏ phí hơn đổ ra biển như phương án hiện nay.
Có ý kiến cho rằng “nhận chìm” thì phải cho vào container hay tàu biển cũ rồi đánh chìm để đỡ tác động môi trường. Nhưng vật liệu nạo vét ở Vĩnh Tân 1 lại theo hình thức mở đáy sà lan để trút xuống thì có thể gọi là “nhận chìm” hay không?
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo giải thích nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của luật này.
Nhưng ở nhiều nước, họ thực hiện nhận chìm bằng cách cho vật liệu, chất thải vào container đóng kín rồi nhận chìm để vật liệu thải không khuếch tán, gây tác động xấu tới môi trường.
Vậy theo ông, việc xử lý 1 triệu m3 vật liệu nạo vét ấy của Vĩnh Tân 1 nên thực hiện như thế nào?
Bộ Tài nguyên - môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận phải có trách nhiệm trong việc đánh giá tác động môi trường của việc “nhận chìm” và phải lắng nghe ý kiến các nhà khoa học.
Phải kết hợp cả về kinh tế, địa chính trị, sinh thái để xử lý vấn đề. Nếu đổ thải xuống biển thì phải công khai minh bạch tọa độ, giám sát khối lượng, vật chất đổ xuống.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo phải ký cam kết đảm bảo việc đổ vào vùng đó là an toàn, không gây ô nhiễm môi trường và chịu trách nhiệm về việc đó.
Ngành giao thông từng thực hiện đổ thải xuống biển khi thi công nhiều dự án cảng biển. Dự án cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng đổ thải 36 triệu m3 khối bùn xuống biển thì thực hiện thế nào để đảm bảo môi trường biển được an toàn?
Đổ thải xuống biển thì phải khảo sát kỹ, tìm vị trí đổ phù hợp không gây tác động xấu tới môi trường.
Với dự án cảng Lạch Huyện, để xử lý vấn đề môi trường khi đổ thải thì các chuyên gia, tư vấn Nhật Bản đã tính toán kỹ vị trí đổ và quây lưới chuyên dụng tới tận đáy biển ở khu vực đổ thải. Sau đó tàu chở bùn vào khu vực quây lưới rồi xả đáy đổ xuống.
Việc quây lưới giữ bùn thải nhằm để sau này biển đánh loãng dần thì không gây ô nhiễm môi trường, không tác động sinh thái đến vùng biển Cát Bà, Cát Hải, không ảnh hưởng đến đánh bắt hải sản của ngư dân. Nếu Vĩnh Tân 1 đổ thải xuống biển thì cũng nên học hỏi cách làm đó.
TS Lê Anh Tuấn: Bộ TN-MT cần rút ngay giấy phép lại Ngày 23-6-2017, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký giấy cho phép Điện lực Vĩnh Tân 1 được “nhận chìm” vật liệu nạo vét ra biển. Giấy phép có hiệu lực ngay kể từ ngày ký và thời gian ấn định việc “nhận chìm” từ tháng 6 đến hết tháng 10-2017. Thế nhưng chỉ 27 ngày sau đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nói là đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực được cấp phép “nhận chìm” từ Viện Hải dương học để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp để “nhận chìm” hay không. Điều này cho thấy có sự mâu thuẫn trong chỉ đạo điều hành của Bộ TN-MT. Theo tôi, có vẻ như đây là một quy trình ngược, bởi việc quyết định cho phép phải đi sau những khảo sát, thu thập số liệu nền và đánh giá đầy đủ mức độ an toàn hay nguy cơ của sự kiện. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng không thấy dòng nào cho quy trình cấp phép nhận chìm trước, sau đó cho khảo sát rồi lại cấp tiếp quyết định giao biển. Vậy nên tôi nghĩ Bộ TN-MT nên rút ngay giấy phép trên lại để thực hiện đầy đủ các bước cần thiết khi có quyết định mới. |
Theo TTO