|
Cổng chào khu người Hoa ở thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) - Ảnh: Facebook |
Đó là kết quả được nêu ra trong báo cáo thường niên của Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố ngày 18-7. Dựa trên cuộc khảo sát ngẫu nhiên đối với 207.691 thành viên, NAR đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về mức độ thâu tóm bất động sản Mỹ của người Trung Quốc.
Có một điều rất đặc biệt, những nước xếp sau Trung Quốc về độ chi tiền như Canada, Anh, Mexico lại rất mạnh tay trong việc bán những tài sản mua được ở Mỹ. Người Trung Quốc, ngược lại, chi tiền đậm, mua nhà giá cao và bán rất ít.
Tăng đều và chắc
Theo báo cáo của NAR, tinh từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, người nước ngoài tổng cộng đã chi 153 tỉ USD mua nhà ở Mỹ.
Dẫn đầu danh sách đang là Trung Quốc, với 31,7 tỉ USD, kế tiếp là Canada (19 tỉ USD), Anh (9,5 tỉ USD), Mexico (9,3 tỉ USD) và Ấn Độ (7,8 tỉ USD). Báo cáo của NAR cho biết 65% người mua Trung Quốc trả bằng tiền mặt, chỉ có 26% vay tiền mua nhà ở Mỹ.
Trên thực tế, con số này có thể sẽ còn tăng bởi tính tới thời điểm NAR kết thúc cuộc khảo sát, vẫn còn gần 9 tháng nữa mới hết năm 2017. Tuy nhiên, báo cáo của NAR đã cho thấy dòng tiền Trung Quốc đổ vào Mỹ đang tăng đều và rất chắc kể từ năm 2009 - mốc thời gian hiệp hội này công bố báo cáo đầu tiên.
Năm 2010, người Trung Quốc chi 11,2 tỉ USD mua 27.053 căn nhà ở Mỹ, xếp sau Canada cả về tiền chi và số lượng căn nhà. Ba năm sau đó, năm 2013, Trung Quốc bất ngờ vươn lên dẫn đầu và đứng hàng số 1 kể từ đó đến nay về số tiền mua nhà.
Kể từ năm 2015, người Trung Quốc là khách hàng mua nhà nhiều nhất ở Mỹ. Đáng chú ý ở chỗ giá trị của những căn nhà được mua thường rất cao và tập trung tại các thành phố, tiểu bang lớn của nước Mỹ, chủ yếu tại bang California (37%), Texas (11%) và Florida (8%).
Trung bình mỗi căn được người Trung Quốc mua có giá gần 782.000 USD, cao gấp 3 lần giá nhà trung bình trên toàn nước Mỹ (277.773 USD).
Đầu cơ?
Về mặt luật pháp, Mỹ cho phép người nước ngoài mua các bất động sản (bao gồm nhà ở) tại nước này. Cơ hội là ngang nhau giữa công dân Mỹ và người nước ngoài.
Điều đó đã mở ra cơ hội cho nhiều người Trung Quốc đổ xô sang Mỹ mua nhà bất chấp các quy định chặt chẽ chứng minh nguồn tiền hợp pháp.
Thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt việc chuyển tiền ra nước ngoài. Quy định này ban đầu có làm hạ nhiệt cơn sốt mua nhà nước ngoài của người dân nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mọi chuyện lại trở lại như cũ.
Báo cáo của NAR cũng cho thấy dù chi rất nhiều tiền, song người Trung Quốc rất ít khi bán nhà với ý định giữ nó làm tài sản cơ bản.
Với mức sống ngày càng cao, việc dân Trung Quốc bỏ tiền ra mua nhà ở Mỹ ngày càng tăng không phải là chuyện lạ.
Nhưng trái ngược với hình dung của phía môi giới, những căn nhà sau khi được bán cho người Trung Quốc thường bị bỏ trống trong nhiều năm trước khi được bán lại với giá rất hời. Tất nhiên, cao hơn hẳn giá đã mua.
Theo báo cáo của NAR, người Trung Quốc xếp sau Canada, Mexico và Anh về tỷ lệ bán nhà ở Mỹ nhưng luôn đứng số 1 về giá bán trung bình.
Việc chuyển tiền ra nước ngoài quá dễ dàng của người Trung Quốc đã từng khiến nhiều dự án tại các nước khác trở thành khu nhà ma vì không có người ở sau khi bán cho các ông chủ đến từ đại lục.
Tính đến cuối năm 2016, tổng giá trị tài sản của người Trung Quốc ở nước ngoài (bao gồm cả Mỹ) đã lên tới 381,6 tỉ USD, theo Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc. Sự hiện diện ngày càng đậm đặc của người Trung Quốc tại một số nước đã dẫn tới những nghi ngại.
Điển hình là vào hôm 10-7 vừa qua, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã cùng ký tên vào một bức thư kêu gọi Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ ngăn chặn việc bán Sàn giao dịch chứng khoán Chicago cho một công ty Trung Quốc.
Người Trung Quốc lách luật rất giỏi Bất chấp quy định của Mỹ là phải chứng minh tính hợp pháp của nguồn tiền để mua nhà, nhiều quan chức Trung Quốc vẫn có cách riêng để tẩu tán nguồn tiền phi pháp sang Mỹ. Cuối năm 2016, Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc đặt ra quy định công dân Trung Quốc có ý định mua nhà ở nước ngoài không được sử dụng tiền trong hạn ngạch ngoại hối thường niên (50.000 USD). Người vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi của chính phủ, từ chối quyền tiếp cận với ngoại tệ trong ba năm và có khả năng bị điều tra rửa tiền. Thế nhưng số người Trung Quốc đổ tiền lớn ra nước ngoài theo hình thức cá nhân vẫn tăng đều mạnh mẽ. |
Theo TTO